Paris điềm tĩnh chống Covid-19

NGỌC TRUNG

VHO - Nỗi ám ảnh về đại dịch Covid-19 không còn nặng nề như trước nhưng vẫn ẩn hiện quanh kỳ Thế vận hội năm nay. Dù vậy, ban tổ chức tỏ ra khá điềm tĩnh để xử lý.

Paris điềm tĩnh chống Covid-19 - ảnh 1

 Trường hợp dương tính với Covid-19 đầu tiên tại Thế vận hội Paris 2024 là thành viên đoàn Australia

Paris 2024 là kỳ thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ “hậu Covid-19”. 3 năm trước, sau khi không thể tổ chức đúng năm 2020, Thế vận hội Tokyo (Nhật Bản) năm 2021 phải diễn ra trong bối cảnh siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm quy định không cho khán giả đến sân cổ vũ. Dù vậy, vẫn có 458 người, bao gồm 29 VĐV nhiễm virus corona trong thời gian diễn ra giải đấu.

Năm nay, hàng ngàn VĐV đổ về Thủ đô nước Pháp để tham gia tranh tài tại Thế vận hội. Giới chức Paris cũng kỳ vọng sẽ đón khoảng 15 triệu lượt du khách, bao gồm 2 triệu lượt du khách nước ngoài trong vòng hơn 1 tháng tới. Kèm theo lượng người khổng lồ này là nguy cơ bùng phát dịch Covid-19. Cần biết thêm, tháng 6 vừa qua giải đua xe đạp nổi tiếng Tour de France từng bị gián đoạn vì ảnh hưởng của virus corona. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS News, bác sĩ Céline Gounder cho rằng “sự gia tăng đột biến các ca nhiễm thể là do virus corona tiếp tục đột biến và do vắc-xin chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn”.

Không chỉ vậy, Thế vận hội 2024 đã ghi nhận những ca nhiễm virus đầu tiên. Cụ thể, bà Anna Meares, Trưởng đoàn thể thao Australia xác nhận 5 nữ tuyển thủ bóng nước quốc gia này có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi đến Paris. “Hiện các VĐV này không xuất hiện tại các khu vực đông người. Đến khi nào đủ sức khỏe, họ sẽ trở lại tập luyện và tuân thủ mọi quy trình phòng, chống dịch chúng tôi đưa ra”, bà cho biết. Tuy nhiên, người đứng đầu đoàn thể thao Australia đưa ra quan điểm: “Các VĐV không hề có biểu hiện nghiêm trọng. Tôi phải nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp điều trị đối với virus corona như các virus cúm khác. Chúng ta không còn ở Tokyo”.

Ở diễn biến khác, một số VĐV Bỉ đã phải hoãn chuyến khởi hành đến Pháp sau khi xét nghiệm dương tính. Trước đó, Liên đoàn Judo Pháp cắt ngắn lịch trình tập huấn trước thềm Olympic sau khi một thành viên bị chẩn đoán mắc Covid-19. Ngoài ra, đội tuyển bơi lội Pháp từng phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ hơn sau khi phát hiện ca nhiễm trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia.

Những vụ việc vừa nêu cũng như sự cố gián đoạn tại Tour de France đang dấy lên mối quan ngại cho Thế vận hội 2024. Khoảng 10.500 VĐV dự kiến có mặt tại Paris, và ban tổ chức hiểu rằng bên cạnh tinh thần thể thao, làng Olympic cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch khi hơn 1 tháng tới, khoảng 14.000 người sẽ lưu trú. Tuy nhiên, ban tổ chức không quá lo lắng hay nao núng. “Hiện tại, chúng tôi chưa áp dụng bất kỳ biện pháp nào. Chúng tôi chỉ khuyến nghị các đoàn thể thao nên xét nghiệm các thành viên trước khi đến làng VĐV”, ông André-Pierre Goubert, giám đốc Olympic và thể thao thành tích cao tại Ủy ban Olympic và Thể thao Quốc gia Pháp cho biết.

Tại làng VĐV, ban tổ chức không bắt buộc đeo khẩu trang nhưng tất cả các điểm khám chữa bệnh và ăn uống đều chuẩn bị sẵn xà phòng rửa tay. Các quan chức y tế Pháp thừa nhận dịch bệnh có khả năng bùng phát và khuyến cáo các VĐV, thành viên đoàn thể thao cũng như du khách nên thận trọng nhưng không cần quá lo lắng. Chính phủ Pháp và Tổ chức Y tế Thế giới cũng chứng nhận rằng số ca nhiễm Covid-19 ở Pháp chỉ tăng vừa phải. Bộ trưởng Bộ Y tế Frédéric Valletoux cho biết: “Không có rủi ro lớn về đại dịch. Tất nhiên là có trường hợp dương tính. Chúng tôi chứng kiến một số đỉnh nhỏ nhưng còn lâu mới so được với những gì đã xảy ra vào các năm 2020, 2021, 2022”.

Lạc quan hơn, ông Guillaume Gille, HLV trưởng đội tuyển bóng ném Pháp chia sẻ: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm chống chọi với Covid-19 từ lâu, bây giờ cần xử lý thực tế hơn. Không cần phải cách ly đến mức cực đoan như thể mất kiểm soát. Chúng tôi chỉ đảm bảo các biện pháp y tế cơ bản, ai khỏe mạnh thì vẫn khỏe, ai đau ốm thì chăm sóc”.