Nghịch lý của bóng đá Indonesia

KHẢI HƯNG

VHO - Bóng đá Indonesia tồn tại một nghịch lý trái thông lệ. Mặc dù đội tuyển quốc gia (ĐTQG) gặt hái được một số thành tích, tuy nhiên giải vô địch quốc gia (VĐQG) lại bị đánh giá thấp và xảy ra nhiều bê bối.

 Nghịch lý của bóng đá Indonesia - ảnh 1
Thất bại tại giải U20 châu Á là lời cảnh báo cho bóng đá Indonesia về sự phát triển bền vững

Tiềm năng phát triển của bóng đá Indonesia luôn được giới chuyên môn đánh giá cao. Tờ DW của Đức từng ví xứ vạn đảo giống như gã khổng lồ đang ngủ quên của bóng đá châu Á.

So với Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất hành tinh, bóng đá Indonesia thậm chí còn tiềm năng hơn. Lý do là bóng đá ở hai đất nước tỉ dân kia không phải môn thể thao phổ biến nhất.

Ngược lại, gần 300 triệu người dân Indonesia say mê bóng đá cuồng nhiệt, tới mức bóng đá được xem như sợi dây gắn kết đất nước bị chia cắt bởi nhiều hòn đảo và sắc tộc này.

Gã khổng lồ ấy phần nào chuyển mình thức giấc nhưng theo cái cách khác lạ. Trong những năm qua, đội tuyển quốc gia và U23 Indonesia gặt hái một sốthành công nhất định nhờ chính sách nhập tịch thay vì nguồn lực nội sinh.

Những cầu thủ Hà Lan gốc Indonesia đã góp công lớn đưa nền bóng đá nước này đến vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á và thăng tiến gần 50 bậc trên bảng xếp hạng FIFA.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Erick Thohir còn tự tin tuyên bố: “Đến năm 2045, tôi muốn tuyển Indonesia sẽ nằm trong top 50 thế giới. Nếu tính toán dựa trên những dữ liệu mình có, chúng tôi tự tin làm được điều đó”.

Để hướng tới mục tiêu đầy tham vọng này, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia khẳng định việc nhập tịch cầu thủ Hà Lan gốc Indonesia không phải là kế hoạch dài hạn, thay vào đó chiến lược dài hơi… là nhắm đến cầu thủ gốc Indonesia trên toàn thế giới.

Ước tính có khoảng 6 - 9 triệu người gốc Indonesia đang sinh sống trên khắp hành tinh, chủ yếu tại Hà Lan và Saudi Arabia. Ngoài ra là một sốquốc gia khác như Singapore, Mỹ, Suriname và Hồng Kông (Trung Quốc).

Trong các quốc gia nêu trên, chỉ có Hà Lan sở hữu nền bóng đá phát triển và đã cung cấp lượng lớn cầu thủ cho đội tuyển Indonesia. Nguồn nhân lực từ Hà Lan đã tới hạn, nhưng cơ hội để tìm thấy tài năng ở các quốc gia khác lại không cao. Trong bối cảnh ấy, thất bại thảm hại của đội tuyển U20 Indonesia tại giải U20 châu Á, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà quản lý bóng đá nước này.

Ở thời điểm hiện tại, bóng đá Indonesia vẫn đủ khả năng cạnh tranh thành tích nhờ chất lượng cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo quy định của FIFA, một cầu thủ nhập tịch chỉ có thể khoác áo ĐTQG ngay nếu có gốc gác trong vòng ba thế hệ.

Những cầu thủ gốc Hà Lan đang khoác áo Indonesia thuộc thế hệ thứ ba của những người di cư từ giữa thế kỷ trước. Và như đã đề cập, khi nguồn cung nhập tịch tới hạn, bóng đá Indonesia xảy ra tranh cãi vì thực lực nội tại.

Xứ sở vạn đảo vẫn sản sinh ra nhiều tài năng nổi bật so với trình độ khu vực. Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan hay Việt Nam, Indonesia vẫn kém hơn. Thành tích tại ASEAN Cup hay môn bóng đá nam SEA Games nhiều năm qua đã phản ánh rõ ràng. Trước SEA Games 23 tại Philippines, Thái Lan và Việt Nam chia nhau 5 tấm HCV liên tiếp. 6 kỳ ASEAN Cup gần nhất, nhà vô địch vẫn chỉ có Thái Lan và Việt Nam.

Bóng đá Indonesia những năm qua, ĐTQG không phản ánh đúng thực trạng giải VĐQG. Trên bảng xếp hạng các giải VĐQG mùa giải 2023/24 do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố, Thái Lan đứng thứ 8, Việt Nam đứng thứ 14, trong khi Indonesia đứng tận vị trí 28, xếp sau cả Philippines. Khi cái gốc đã không vững như vậy, thật khó để nền bóng đá nước này phát triển bền vững.