Phát triển bóng đá Việt Nam:

Nhập tịch không phải là nền tảng

NGỌC TRUNG

VHO - “Nhập tịch cầu thủ” hay “cầu thủ Việt kiều”, đang là những từ khóa thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, giữa đề tài tranh luận và định hướng phát triển là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Nhập tịch không phải là nền tảng - ảnh 1
Bóng đá Việt Nam cần phát triển dựa trên nguồn lực nội tại. Ảnh: VFF

 Nhập tịch là xu thế diễn ra mạnh mẽ trong một thế giới ngày càng phẳng dần. Thành công đội tuyển láng giềng Indonesia gặt hái nhờ chính sách nhập tịch ồ ạt khiến đề tài này càng nhận được nhiều sự quan tâm.

Và không thể phủ nhận, chức vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam có đóng góp lớn từ Nguyễn Xuân Son, một cầu thủ gốc Brazil, cũng là thành tố thúc đẩy sức nóng của đề tài lên cấp độ cao hơn.

Sau màn trình diễn ấn tượng của Xuân Son, trên các trang mạng xã hội, giới mộ điệu hứng khởi tưởng tượng nên đội hình đội tuyển quốc gia (ĐTQG) gồm nhiều ngoại binh nhập tịch. Xa xôi hơn, có ý kiến bàn chuyện áp dụng… “quy định 3 tây” (sử dụng 3 ngoại binh) tương tự V.League.

Không chỉ truyền thông trong nước, báo giới láng giềng cũng “góp vui” bằng những bài viết về đề tài “nhập tịch” và “Việt kiều”. Gần đây, tờ Siamsport của Thái Lan đưa ra danh sách 4 cầu thủ Việt kiều có nhiều tiềm năng được triệu tập vào đội tuyển U22 tham dự SEA Games và được bàn tán sôi nổi.

Và liệu rằng “nhập tịch” có nên được nâng tầm trở thành chiến lược hay được xem như nền tảng cho ĐTQG nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung hay không? Câu trả lời, theo quan điểm của người viết, là không!

Nếu cần một mẫu so sánh tương xứng về văn hóa, địa lý, thể chất hay trình độ, bóng đá Indonesia là phù hợp nhất để soi chiếu. Đội tuyển Indonesia đang gặt hái được những thành công nhất định nhờ chính sách nhập tịch.

Nói cách khác, ĐTQG nước này đang khai thác được nguồn nhân lực ngoại kiều. Riêng địa hạt bóng đá, ngoại kiều là nguồn nhân lực chất lượng dành cho bóng đá Indonesia. Đấy là yếu tố do lịch sử để lại.

Indonesia trải qua gần 150 năm (1800 -1942) là thuộc địa của Hà Lan. Khi trở thành đại diện châu Á đầu tiên tham dự World Cup, đội bóng xứ Vạn Đảo mang tên Đông Ấn Hà Lan. Hiện nay, có khoảng 1,5 - 2 triệu người gốc Indonesia sinh sống tại Hà Lan, chiếm khoảng 10% dân số nước này. Ngoài Hà Lan, khoảng 5 triệu người Indonesia khác sinh sống khắp nơi trên thế giới.

Nhưng cần nhấn mạnh, Hà Lan sở hữu nền bóng đá phát triển hàng đầu tại châu Âu, từ cấp ĐTQG đến CLB đều gặt hái nhiều thành công vang dội và được đánh giá cao trong khâu đào tạo cầu thủ.

Từ nền tảng ấy, nhiều cầu thủ gốc Indonesia đã vươn tới đẳng cấp hàng đầu. Tiêu biểu là Giovanni van Bronckhorst và Roy Makaay, hai cựu tuyển thủ Hà Lan mà chắc chắn bất cứ tín đồ túc cầu giáo nào cũng đều phải biết mặt, nhớ tên.

Thế nên, đội tuyển Indonesia được hưởng lợi rất nhiều khi chỉ cần tập hợp những cầu thủ mang dòng máu Indonesia ở trình độ thấp hơn là có thể tạo nên đội hình vượt trội trong khu vực.

Bóng đá Việt Nam không thể rập khuôn công thức này. Chưa mạn đàm đến yếu tố văn hóa, dựa trên lý trí có thể nhận ra nguồn lực bóng đá của người Việt ở nước ngoài không phong phú bằng Indonesia. Bởi lẽ, người Việt chủ yếu sinh sống tại Mỹ, Australia và một số quốc gia Đông Âu, những nơi có nền bóng đá không phát triển bằng Hà Lan.

Thực tế, đã có những cuộc “đãi cát tìm vàng” cho bóng đá Việt Nam nơi xứ người. HLV Park Hang-seo từng sang tận Na Uy để “xem giò” Alexander Đặng, HLV Philippe Troussier trao cơ hội thử sức cho Andrej Nguyễn An Khánh, cầu thủ sinh ra và lớn lên ở CH Czech, nhưng đều không đáp ứng được kỳ vọng.

Chiều ngược lại, không ít cầu thủ đã tìm về nguồn cội với hy vọng phát triển sự nghiệp. Chỉ một số ít, chẳng hạn như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip… để lại được dấu ấn, còn đa số không thể cạnh tranh vị trí tại các CLB V.League chứ chưa nói đến tầm ĐTQG.

Trường hợp nhập tịch cầu thủ không mang dòng máu Việt càng khó hơn, vì như ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia sẻ: “Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của FIFA (phải có ít nhất 5 năm liên tục sinh sống và cống hiến tại Việt Nam) mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ. Những cầu thủ này cần thể hiện sự yêu mến và lựa chọn Việt Nam làm quê hương, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn, văn hóa và khát vọng đóng góp cho đất nước. Đây là quá trình đòi hỏi sự xem xét toàn diện để bảo đảm sự phù hợp và hiệu quả trong việc xây dựng ĐTQG”.

Trở lại với “mẫu so sánh” Indonesia, vì chính sách nhập tịch, ĐTQG không phản ánh thực lực nền bóng đá nước này. Giải VĐQG Indonesia (Liga 1) vẫn đương đầu vô vàn vấn đề nhức nhối, từ bạo lực, chất lượng sân bãi đến bất cập trong khâu quản lý, điều hành.

Thi thoảng, bên cạnh những thành công của đội tuyển Indonesia, độc giả lại đọc được những thông tin kỳ khôi từ Liga 1. Mới tháng 9 năm ngoái là vụ CĐV quá khích vây đánh từ trọng tài đến cảnh sát ở trận đấu giữa Persib Bandung và Persija Jakarta.

Suy cho cùng, nguồn lực nội tại mới là căn cơ và bền vững nhất. Quan điểm này cũng được ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Dù việc sử dụng cầu thủ nhập tịch có thể góp phần tăng cường sức mạnh đội tuyển, nhưng yếu tố cốt lõi vẫn là giữ gìn và phát huy tinh thần, truyền thống của bóng đá Việt Nam”.

Trong đó, ông Tuấn cũng nhấn “đào tạo trẻ không chỉ là nền móng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam”. Định hướng đã phù hợp, quan trọng nữa là phương thức triển khai sao cho hiệu quả.