Bước chân ngoại binh trên đất Việt: Hòa nhập, ảnh hưởng và góc khuất (Bài 2):
Một Việt Nam trong lòng ngoại binh
VHO - Từ những bước chạy đầu tiên trên sân cỏ Việt Nam đến những cái bắt tay ngoài đời thường, hành trình của các ngoại binh tại V.League hơn hai thập kỷ qua là một câu chuyện thấm đẫm sắc màu. Không chỉ góp phần nâng tầm chuyên môn, họ còn âm thầm dệt nên những mảnh ghép văn hóa, kết nối Việt Nam với thế giới bằng sự chân thành hiếm có.

Một buổi sáng se lạnh ở Hà Nội, trên vỉa hè phố nhỏ, một cầu thủ da ngăm, tóc xoăn đứng bối rối trước gánh phở vỉa hè. Sau vài giây lúng túng, anh nở nụ cười và chìa ba ngón tay: “Three... please”.
Người bán phở cũng cười theo, nhanh tay múc ba tô nóng hổi. Một khoảnh khắc rất đỗi bình dị, nhưng đủ để bóng đá và đời sống Việt Nam chạm nhau bằng thứ ngôn ngữ chung: Sự chân thành.
Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện nhỏ, kể về hành trình hòa nhập đầy thử thách nhưng cũng ngập tràn yêu thương của các ngoại binh.
Từ rào cản ngôn ngữ đến sự gắn bó bằng trái tim
Khi đặt bút ký hợp đồng với các CLB V.League, nhiều cầu thủ ngoại hiểu rằng mình đang bước vào một hành trình khác biệt. Không phải nước Anh phồn hoa, cũng chẳng phải Nhật Bản kỷ luật, mà là Việt Nam, một nền bóng đá đang phát triển, với những thử thách văn hóa rất riêng.
Cái nóng oi ả miền Nam, những cơn mưa xối xả miền Trung hay rét đậm miền Bắc. Sự cuồng nhiệt của khán giả, áp lực vô hình ở các thành phố lớn. Mỗi ngày, với họ là một cuộc phiêu lưu mới.
Ẩm thực Việt Nam cũng là thử thách đầu tiên bên ngoài sân cỏ. Không phải ai cũng yêu được nước mắm từ lần đầu, không phải ai cũng quen ăn phở bò vào buổi sáng. Nhiều cầu thủ mất hàng tháng trời để rời xa những chuỗi cửa hàng fastfood quen thuộc, tập làm quen với bún riêu, cơm tấm, gỏi cuốn.
Trên sân, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Những tiếng hô ngắn gọn kiểu “Đi!”, “Về!”, “Kèm!” trở thành “từ khóa” sống còn. Một ngoại binh từng thừa nhận: “Tôi học tiếng Việt bằng khẩu lệnh: Trái, phải, tiến, lùi. Giao tiếp được là một cuộc chiến thực sự”.
Nhiều HLV buộc phải soạn riêng “từ điển chiến thuật” Việt - Anh - Tây Ban Nha, chỉ vài chục từ cơ bản. Với các ngoại binh, hiểu đồng đội và được đồng đội hiểu là một cuộc chiến không kém phần cam go.
Nhưng cũng có lúc, chỉ một cái nhìn, một cú chạm vai, một nụ cười đủ để hiểu nhau - những người cùng chung khát khao chiến thắng.
Cập bến V.League ở mùa giải 2016 trong màu áo Quảng Nam, Claudecir (Brazil) không khỏi xúc động khi được đồng đội cũng như Ban huấn luyện đội bóng giúp đỡ tận tình.
Chính điều này đã giúp anh nhanh chóng hòa nhập và trở thành trụ cột để đưa Quảng Nam lên ngôi vô địch V.League 2017. Bản thân Claudecir giành luôn cho mình danh hiệu Vua phá lưới với 12 bàn thắng.
“Khi vừa đặt chân đến Việt Nam, mọi thứ thật lạ lẫm đối với tôi. Tuy nhiên, đồng đội, HLV hay người hâm mộ đã cho tôi cảm giác rằng mình đã trở thành một phần ở nơi đây. Mọi thứ thật tuyệt vời từ bóng đá, lễ hội, ẩm thực hay giao tiếp. Những người đồng đội đã chào đón và giúp đỡ tôi rất nhiều. Chính những điều này đã khiến cho tôi cảm thấy như đang ở nhà vậy”, anh nói.
Ngoài đời, những buổi tối đèo nhau đi ăn đêm bằng xe máy, những câu chuyện quê hương pha trộn tiếng Việt bập bẹ và tiếng Anh ngọng nghịu đã dần kết nối họ lại. Không phải ai cũng hòa nhập thành công. Có những ngoại binh rời đi trong tiếc nuối. Nhưng những người ở lại (những người chọn mở lòng) đã dệt nên những câu chuyện rất đẹp.
Những cái tên Việt và hành trình tìm quê hương thứ hai
Kesley Alves, Rafaelson, Hendrio, Danny van Bakel... không chỉ đá bóng ở Việt Nam, mà còn tìm thấy nơi đây một quê hương thứ hai. Mỗi người họ giờ đều có một cái tên Việt Nam: Huỳnh Kesley Alves, Nguyễn Xuân Son, Đỗ Quang Hên, Nguyễn Van Bakel.
Ngày Huỳnh Kesley nhập quốc tịch Việt Nam năm 2009, HLV Henrique Calisto từng triệu tập anh lên đội tuyển quốc gia. Dù không có cơ hội thi đấu chính thức, anh vẫn mở ra một hành trình mới cho các ngoại binh chọn gắn bó lâu dài.
Người đồng hương Brazil của anh - Nguyễn Xuân Son (Rafaelson) - may mắn hơn. Anh đã ghi dấu ấn trong hành trình vô địch AFF Cup 2024 cùng tuyển Việt Nam. Cùng với những bàn thắng, Xuân Son là hình ảnh tiêu biểu cho sự hòa nhập của cầu thủ ngoại với văn hóa Việt.
“Tôi biết người Việt Nam rất thích ăn rau”, tiền đạo này hóm hỉnh chia sẻ: “Tôi biết điều đó. Tôi cũng thấy ở đây có rất nhiều loại rau. Tôi cũng thử và thích một số loại. Tôi còn biết có rau sống khi ăn kèm với bún chả. Ngoài ra, tôi cũng thích cho hành lá, rau mùi khi ăn phở. Tôi cũng rất thích ăn các món kho đặc trưng của Việt Nam. Cá kho hay thịt kho đều khiến tôi “tốn cơm” lắm đấy”.
Với Claudecir, vào những ngày nghỉ lễ, tiền đạo gốc Brazil tranh thủ đi du lịch ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Anh chia sẻ rằng bản thân muốn hiểu hơn về văn hóa, con người ở Việt Nam. Qua đó, giúp anh hòa nhập tốt hơn với những người đồng đội.
Claudecir nói: “Vào những dịp lễ Tết, tôi thường đi đến những nơi mà mình chưa từng đến. Ăn những món ăn nổi tiếng ở địa phương, tìm hiểu thêm về văn hóa và hòa vào không khí của những ngày lễ. Có những món ăn mà tôi ăn mãi không chán. Có thể kể đến như phở, bánh mì hay món súp gà ăn cùng với bánh mì. Tôi yêu nơi này và đó là lý do tôi gắn bó ở đây lâu đến vậy”.
Trong khi đó, Hendrio (thường được gọi là Đỗ Quang Hên), đồng đội của Xuân Son tại CLB Nam Định, không chỉ nổi tiếng vì lối chơi kỹ thuật, mà còn vì sự gần gũi với cộng đồng.
Anh đăng lời chúc Tết bằng tiếng Việt, khoe cảnh đi mua đào quất, mặc áo dài đỏ thắm đón xuân. Trên mạng xã hội, hình ảnh Hendrio cười tươi trong bộ áo dài truyền thống khiến nhiều CĐV bình luận: “Cứ như Việt kiều chính hiệu!”
“Việt kiều” là cách gọi phổ biến để chỉ người Việt Nam sinh sống, làm việc hoặc định cư lâu dài ở nước ngoài. Trong địa hạt bóng đá, “Việt kiều” được hiểu là cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam.
Trong điều lệ của V.League 2024/2025, ban tổ chức cũng giải nghĩa rõ về nhóm cầu thủ này: Là cầu thủ có cha đẻ/mẹ đẻ/ông nội/ bà nội/ông ngoại/bà ngoại là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam. Sở dĩ phải giải nghĩa rõ như vậy là bởi trong điều lệ, các CLB được đăng ký 3 cầu thủ nước ngoài, 2 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam và 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài.
Điều lệ các mùa giải trước chưa bao giờ rõ ràng, rành mạch như vậy. Lý do chính là xu hướng nhập tịch trên toàn thế giới bóng đá nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng.
Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều cầu thủ gốc Việt trở về thi đấu. Nhiều cái tên đã được nhập tịch và đóng góp đáng kể cho ĐTQG. Chẳng hạn như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm. Một số gương mặt nổi bật hiện nay là Cao Pendant Quang Vinh, Viktor Lê.
Dù vẫn có những bỡ ngỡ như ngoại binh khi trở về quê cha, đất mẹ, những cầu thủ này mang trong mình dòng máu Việt, được thấm văn hóa Việt. “Tôi biết rằng chảy trong huyết quản của mình là một nửa dòng máu Việt. Tôi biết trong mình cũng có cái “chất Việt”, được hình thành trong tôi những ngày còn sống cùng mẹ ở Pháp”, Cao Pendant Quang Vinh chia sẻ.
Nhịp cầu văn hóa
Đời sống bóng đá Việt Nam gắn liền với những phong tục đặc biệt: Lễ cúng đất trước mùa giải, bàn thờ tổ nghiệp trong phòng thay đồ, phong tục lì xì đầu năm. Ban đầu, các ngoại binh chỉ đứng ngoài nhìn, e dè.
Nhưng dần dà, họ bắt đầu tham gia: Cúi đầu thắp nhang, nhận lì xì, cười rạng rỡ bên những chiếc bánh chưng, bánh tét ngày Tết.
Huỳnh Kesley Alves không chỉ dừng lại ở việc hiểu văn hóa, mà còn chọn gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Hơn 20 năm sinh sống tại Việt Nam, Huỳnh Kesley là rể Việt và đã có 2 cậu con trai.
Công việc chính hiện nay của anh là môi giới cầu thủ, đồng thời ra sân đều đặn ở các giải phủi để giữ lửa đam mê. “Bóng đá giúp tôi yêu Việt Nam, nhưng chính con người nơi đây khiến tôi quyết định ở lại”, Huỳnh Kesley chia sẻ.
Hơn hai mươi năm qua, bóng đá Việt Nam không chỉ mượn đôi chân của ngoại binh để bay cao. Những cái bắt tay, những khoảnh khắc sẻ chia giữa các cầu thủ trong đời thường mới thực sự tạo nên một dòng chảy văn hóa ngầm, bền bỉ và cảm động.
Họ, những người đến từ Brazil, Nigeria, Argentina, Nhật Bản... đã thổi vào bóng đá Việt Nam những sắc màu mới, và cũng tự mình nhuộm màu bản địa bằng lòng kiên nhẫn, tình yêu và sự chân thành. Bằng mỗi trận đấu, mỗi bữa ăn đêm, mỗi lần mặc áo dài, họ kể tiếp câu chuyện về sự kết nối giữa thể thao và văn hóa - thứ kết nối vô hình nhưng bền chặt nhất.
(Còn tiếp)