Làm gì để “săn vàng” tại ASIAD và Olympic?

VÂN GIANG; ảnh: QUÝ LƯỢNG

VHO - Dù đã đạt thành tích tốt tại đấu trường SEA Games, nhưng thể thao Việt Nam luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có thành tích tốt hơn tại các kỳ Đại hội thể thao châu lục (ASIAD) và Olympic? Để đưa ra được đáp án của câu hỏi này, chắc chắn chỉ riêng nỗ lực của ngành Thể thao là chưa đủ.

Làm gì để “săn vàng” tại ASIAD và Olympic? - ảnh 1
Đội cầu mây 4 nữ giành huy chương vàng tại ASIAD 19

 Thực tế khốc liệt

Nhận định về khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại ASIAD và Olympic, các chuyên gia cho rằng đây là những sự kiện thể thao lớn, có sự tham gia của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, hội tụ các vận động viên tài năng nhất thế giới, đủ điều kiện vượt qua vòng loại mới được tham dự.

Tại 4 kỳ Olympic gần nhất, Việt Nam có 18 vận động viên năm 2012, 23 vận động viên năm 2016, 18 vận động viên năm 2020 và 16 vận động viên năm 2024 vượt qua vòng loại ở các môn: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Taekwondo, Boxing nữ, Cầu lông, Đua thuyền, Xe đạp, Boxing, Judo, Đấu kiếm và Bắn cung. Tại kỳ Olympic Rio năm 2016, Việt Nam giành được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc môn Bắn súng, xếp hạng 48. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam tại một kỳ Olympic.

Tuy nhiên, ở 2 kỳ Olympic gần đây nhất (Olympic Tokyo 2020 và Paris 2024), Việt Nam không giành được huy chương.

Đánh giá thực tế cho thấy, các vận động viên Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tranh chấp huy chương, thậm chí ngay cả việc cạnh tranh suất tham dự Olympic.

Chúng ta rất khó giành được thành tích cao ở những môn đòi hỏi tầm vóc, thể lực và không phân biệt hạng cân như Điền kinh, Bơi lội. Còn đối với các môn phân chia hạng cân thi đấu như Cử tạ, Taekwondo, Boxing... các vận động viên Việt Nam cũng chỉ có khả năng tranh chấp ở các hạng cân nhẹ.

Đối với ASIAD, sự kiện thể thao lớn nhất châu Á, có sự tham gia của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, đều có sự hội tụ của các vận động viên ưu tú và xuất sắc nhất.

Các vận động viên Việt Nam có khả năng cạnh tranh huy chương ở nhiều nội dung thi đấu, tuy nhiên việc giành huy chương vàng vẫn rất khó khăn. Ở 2 kỳ ASIAD năm 2010 và 2014, Việt Nam chỉ giành được 1 huy chương vàng trong tổng số 30 huy chương giành được ở mỗi kỳ đại hội.

Đến ASIAD 2018, chúng ta giành được 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 18 huy chương đồng, xếp hạng 17. Đây cũng được coi là kỳ ASIAD rất thành công của thể thao Việt Nam.

Tại ASIAD 2022, Thể thao Việt Nam giành được tổng số 27 huy chương trong đó có 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 19 huy chương đồng, xếp thứ 21/45 đoàn thể thao tham gia.

Điều này cho thấy rằng, chúng ta có một lực lượng vận động viên đông đảo nhưng lại thiếu những vận động viên đặc biệt xuất sắc, những vận động viên trọng điểm được đầu tư đặc biệt để hướng tới việc giành huy chương vàng tại ASIAD.

Điều này đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có sự đầu tư trọng điểm để phục vụ cho mục tiêu “săn vàng” tại đấu trường châu lục và thế giới.

Làm gì để “săn vàng” tại ASIAD và Olympic? - ảnh 2
Điền kinh luôn là “mỏ vàng” tại nhiều kỳ SEA Games nhưng chưa thể vươn tầm châu lục và thế giới

Nên đầu tư trọng tâm, trng điểm

Là nhà khoa học đầu ngành, GS.TS Lâm Quang Thành (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) cho rằng, căn cứ vào 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể thấy các giải pháp cụ thể như sau: Nghiên cứu phát triển lực lượng VĐV các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự Olympic, ASIAD; Ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đầu tư nguồn lực phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026- 2046, trong đó có đầu tư tài chính, đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật thể thao và phát triển nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD và đẩy mạnh kinh tế thể thao.

Ông Lâm Quang Thành chỉ rõ tầm quan trọng của ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo ông Thành, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thể thao thành tích cao là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp trong phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao của các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic, ASIAD, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban Thể dục thể thao) lại chỉ ra rằng, hiện chúng ta phải đối mặt với những vấn đề như nguồn lực dành cho thể thao còn hạn chế nhưng cùng lúc phải giải quyết nhiều mục tiêu dẫn tới đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm và không có chiều sâu hướng đến mục tiêu ASIAD và Olympic.

Ông Minh cung cấp thông tin, hiện không có nền thể thao mạnh nào trên thế giới đầu tư cho trên 10 môn thể thao trọng điểm như: Hàn Quốc đầu tư 4 môn, Trung Quốc 5-6 môn, Nga 7 môn, Mỹ 6-7 môn...

Vì vậy, ông Minh cho rằng thể thao Việt Nam nên chọn lựa ít môn, tính toán lại để đầu tư thật trọng tâm, trọng điểm cho mục tiêu cải thiện thành tích tại hai đấu trường lớn nhất châu lục và thế giới.

Còn theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, căn cứvào thực trạng thể thao Việt Nam hiện nay, chúng ta cần sớm trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi khi được Chính phủ thông qua, Chương trình sẽ trở thành nguồn lực mạnh mẽ để phát triển các môn thể thao, góp phần nâng cao thành tích của Việt Nam tại đấu trường ASIAD và Olympic.

Khi đã xác định được nhóm các môn trọng điểm, thì việc đầu tư cần phải được triển khai có hệ thống, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các Liên đoàn, Hiệp hội cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò, hoạt động hiệu quả hơn để phát huy sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ cho các môn thể thao trọng điểm phát triển.

Ông Vương Bích Thắng cũng nhấn mạnh rằng, đây làChương trình mang tính quốc gia, của tất cả các địa phương, các ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của Bộ VHTTDL hay Cục Thể dục thể thao Việt Nam.

Thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD, Olympic không phải là thành công của riêng ngành VHTTDL mà còn là vị thế quốc gia trên đấu trường quốc tế, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, là động lực thúc đẩy phát triển TDTT… vì thế cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt cũng cho biết, dựa trên đánh giá của tất cả các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là những môn thường xuyên được thi đấu trong chương trình của ASIAD và Olympic, qua phân tích, đánh giá và rà soát, ban soạn thảo đã đưa ra 17 môn thể thao trong dự thảo Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Đây đều là những môn tiềm năng và có khả năng đoạt được huy chương tại đấu trường Olympic và ASIAD. 

Tuy nhiên, căn cứ với nguồn lực thực tế thì chúng ta vẫn còn rất giới hạn về các nguồn lực đầu tư như cơ sở vật chất, con người, tài chính... vì vậy để trải đều ra 17 môn thể thao như dự kiến là rất khó khăn.

Do đó có ý kiến cho rằng, cần rút gọn các môn thể thao đầu tư trọng điểm. Ngoài ra, cũng có ý kiến đóng góp nên có môn thể thao mang tính quốc gia trong chương trình đầu tư trọng điểm.

Môn thể thao này chủ yếu mang yếu tố lan tỏa tinh thần, truyền cảm hứng tới người dân, người hâm mộ cả nước. Tất nhiên những môn này, để đoạt huy chương Olympic hay ASIAD là rất khó khăn, nhưng lại tạo được hiệu ứng phát triển rất tốt, góp phần thu hút đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị tập luyện, kinh phí tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.

Chính vìvậy, Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng, trong 17 môn thể thao dự kiến được lựa chọn đầu tư trọng điểm sẽ có sự rà soát và đánh giá lại để xác định được các môn trọng tâm, trọng điểm để đầu tư nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.