EURO 2024:

Cuộc khủng hoảng manh nha

KHẢI HƯNG

VHO - Euro 2024 đã khép lại sau một tháng ngày tranh tài. Giải đấu này không đến nỗi khô khan. Một vài trận đấu diễn ra thật hấp dẫn, hầu hết liên quan đến những chú ngựa ô Áo, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc khủng hoảng manh nha - ảnh 1

 Euro 2024 thiếu bàn thắng nhưng thừa sự thực dụng

Giải đấu cũng được điểm tô bởi những khoảnh khắc diệu kỳ, như bàn gỡ hòa phút cuối của Italia trước Croatia; cú ngả người móc bóc của Bellingham; tuyệt phẩm lật ngược thế cờ của Lamine Yamal vào lưới đội tuyển Pháp; Ronaldo bật khóc vì sút hỏng phạt đền.

Giai đoạn đầu tiên, tương tự các giải đấu lớn khác, Euro 2024 tạo nên bức tranh rực rỡ màu sắc và sôi động âm thanh. Những đoàn người từ khắp nơi kéo về nước Đức, cùng nhau nhảy múa, cùng nhau hoan ca, cùng nhau phất cao lá cờ tổ quốc. Euro cũng bắt đầu bằng những cuộc chia ly. Toni Kroos, Cristiano Ronaldo, Pepe hay Luka Modric lần lượt nói lên câu giã từ. Lịch sử bóng đá dần bước sang trang mới khi sân khấu được nhường lại cho thế hệ mới đang nổi lên như Kobbie Mainoo, Arda Guler, Xavi Simons và nổi bật nhất là Yamal.

Nhưng Euro 2024 không quá hấp dẫn về mặt bàn thắng. Tuy đã là kỳ Euro thứ 7 trong thế kỷ này, nhưng giải đấu năm nay chỉ xếp áp chót về sốlượng bàn thắng. Chậm rãi nhưng tàn độc, ngoại trừ Tây Ban Nha, bất kỳ đội bóng nào thể hiện sự táo bạo, hứng khởi hoặc sáng tạo đều bị loại. 3 trong 4 đội góp mặt ở bán kết chọn thứ bóng đá nhàm chán, thận trọng và kiểm soát.

Có lý do cho sự thận trọng và thực dụng. Chẳng hạn HLV Southgate của tuyển Anh chỉ ra rằng các học trò của ông phải cày ải không ngừng trong suốt 4 năm qua và vừa trải qua mùa giải mệt mỏi, thế nên rơi vào tình trạng kiệt sức. Hầu hết các đội bóng lớn đều chịu cảnh kiệt quệ như vậy. Vì thế, Euro 2024 không hẳn giải bóng đá vô địch châu Âu mà giống như tập hợp biến cố quốc gia, cứ mỗi khi các cầu thủ không đáp ứng kỳ vọng. Những biến cố ấy chồng chất đè lên đôi vai của các chàng trai, dẫn đến sự căng cứng về tâm lý.

Để rồi người hâm mộ cứ hai năm một lần đi đến kết luận bóng đá không còn hấp dẫn như trước. Tuy vậy, kỷ niệm đôi khi gây nên ảo giác. 20 năm trước, Hy Lạp vô địch châu Âu bằng cách quyết không để đối phương dứt điểm. Jose Mourinho, nhà cầm quân phản thẩm mỹ bậc nhất lịch sử túc cầu là HLV được săn đón nhất châu Âu. Chỉ 2 năm trước, Brazil vô địch  nhờ bàn tay sắt của Luis Felipe Scolari.

Điều đó không có nghĩa bóng đá không nhàm chán mà thực tế chàm chán dần đều suốt hai thập kỷ qua. Vì pressing ngày càng được đề cao, chiến thuật này đòi hỏi tính tập thể, hạn chế sức sáng tạo cá nhân và cho rằng sơ sẩy của hàng thủ đối phương mới là “nhà kiến thiết” vĩ đại nhất. Vì sốliệu thống kê ngày càng được coi trọng, thuật toán yêu cầu các cầu thủ hạn chế các pha xử lý xác suất thấp, từ cầm bóng đột phá đến sút xa.

Ngoài ra là vì thế giới phẳng dần, dẫn đến sự đồng nhất văn hóa trên một số khía cạnh. Người Pháp chẳng còn lập dị. Người Hà Lan thôi không phiêu lưu. Người Italia chẳng còn nghiến răng phá bóng rồi gầm lên như thể vừa ghi bàn. Người Anh không ngô nghê đến mức thô lỗ nữa. Và người Đức hết kiên cường và cứng rắn. Bàn thắng và bản sắc, những giá trị căn bản tạo nên sự hấp dẫn của bóng đá đang bị mai một, dẫu ngày càng nhiều người xem qua TV. Đó là cuộc khủng hoảng đang manh nha ở môn thể thao vua. Phải chăng ai đó đang vắt kiệt bóng đá để kiếm lời?