Chất lượng hay trào lưu nhất thời?
VHO - Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam chứng kiến làn sóng trở về của nhiều cầu thủ Việt kiều, những người mang trong mình dòng máu Việt, được đào tạo tại những nền bóng đá phát triển.

Họ xuất hiện với nhiều kỳ vọng như cải thiện chất lượng đội tuyển, bổ sung thể hình, tốc độ và tư duy hiện đại vào lối chơi vốn có phần truyền thống.
Thế nhưng, câu hỏi vẫn còn đó: Liệu đây là chiến lược dài hạn hay chỉ là một trào lưu nhất thời mang tính truyền thông nhiều hơn là chuyên môn?
Những điểm sáng ở V.League
Jason Quang Vinh Pendant, sinh năm 1997 tại Pháp, từng thi đấu tại Ligue 2 và MLS. Khi về Việt Nam khoác áo Công an Hà Nội, anh gây chú ý nhờ nền tảng thể lực tốt, tốc độ cao và khả năng phòng ngự hiện đại.
Jason thi đấu chủ yếu ở vị trí hậu vệ trái, nơi đội tuyển Việt Nam lâu nay chưa có nhân sự thực sự ổn định khi các trụ cột dính chấn thương hoặc sa sút phong độ.
Ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch, Jason thể hiện sự hòa nhập nhanh với bóng đá Việt Nam. Anh chơi bóng khôn ngoan, có ý thức phòng ngự rõ ràng, đồng thời biết cách hỗ trợ tấn công một cách hợp lý.
So với nhiều cầu thủ nội cùng vị trí, Jason nhỉnh hơn ở mặt tư duy và kinh nghiệm. Nếu đội tuyển quốc gia muốn nâng cấp tuyến phòng ngự bằng một cầu thủ thực dụng, chơi đơn giản và hiệu quả, Jason Pendant là ứng viên sáng giá.
Đây là một trường hợp thành công, cho thấy việc bổ sung cầu thủ Việt kiều có thể mang lại giá trị chuyên môn thực sự nếu chọn đúng người, đúng vị trí.
Trong khi đó, tiền vệ Viktor Lê sinh năm 2003, mang hai dòng máu Việt - Nga. Từng vô địch giải U19 Nga và được đánh giá cao về kỹ thuật, khả năng kiểm soát bóng và nhãn quan chiến thuật, anh được kỳ vọng là làn gió mới ở tuyến giữa đội tuyển.
Sau khi hoàn tất nhập tịch, Viktor chọn về thi đấu tại V.League để tìm cơ hội lên tuyển. Tuy nhiên, môi trường bóng đá Việt Nam khác biệt rõ rệt về tốc độ thi đấu, điều kiện thời tiết và thói quen chiến thuật.
Viktor chưa thể hiện được sự vượt trội so với các tiền vệ hiện có, đôi khi còn lép vế trong tranh chấp và khả năng thích ứng với đối thủ chơi áp sát còn chưa tốt. Dẫu vậy, không thể phủ nhận tiềm năng của Viktor.
Anh vẫn còn rất trẻ và nếu được đầu tư đúng, có thể trở thành cầu thủ trụ cột trong tương lai. Hiện tại, anh chưa đủ ổn định để cạnh tranh suất đá chính, nhưng là cái tên nên được giữ lại trong kế hoạch dài hơi của đội tuyển quốc gia.
Một trường hợp khác là thủ môn Patrik Lê Giang, một trong những cầu thủ Việt kiều nổi tiếng nhất, từng thi đấu chuyên nghiệp nhiều năm ở châu Âu. Với chiều cao lý tưởng, phản xạ tốt và lối chơi điềm tĩnh, Patrik từng được kỳ vọng sẽ là đối trọng của Đặng Văn Lâm trong khung gỗ đội tuyển.
Tuy nhiên, thủ tục nhập quốc tịch của Patrik đến nay vẫn chưa hoàn tất. Dù đã về thi đấu trong nước một thời gian, anh chưa thể trở thành công dân Việt Nam, do đó vẫn chưa đủ điều kiện khoác áo đội tuyển. Ngoài ra, ở tuổi 33, khả năng cạnh tranh dài hạn của anh cũng giảm dần.
Nếu có thể nhập tịch trong thời gian tới, Patrik vẫn là một lựa chọn chất lượng với vai trò thủ môn dự bị dày dạn kinh nghiệm. Nhưng nếu xét về tính kế thừa, anh không phải phương án ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh những gương mặt nổi bật kể trên, bóng đá Việt Nam cũng từng đón nhận nhiều cầu thủ Việt kiều nhưng không đạt kỳ vọng. Alexander Đặng từng được mời về thử sức dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng nhanh chóng bị loại do phong độ không phù hợp và khả năng thích nghi kém.
Adriano Schmidt, mang hai dòng máu Việt - Đức, cũng từng khoác áo đội tuyển nhưng chỉ đóng vai trò kép phụ, không đủ ấn tượng để cạnh tranh lâu dài. Vũ Hồng Quân, Nguyễn Như Đức Anh, Kyle Colonna… là những trường hợp được nhắc đến nhiều nhưng hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý, hoặc chưa chứng tỏ được năng lực.
Đa phần những cầu thủ này gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường bóng đá nội địa: Thời tiết khắc nghiệt, nhịp độ thi đấu khác biệt, lối chơi thiếu không gian, và cả áp lực truyền thông.
Một số không biết tiếng Việt, sống quen văn hóa phương Tây nên gặp trở ngại lớn về tâm lý thi đấu và sự gắn kết với đồng đội.
Trào lưu hay chiến lược dài hạn?
Không thể phủ nhận, việc chiêu mộ cầu thủ Việt kiều có thể là “đòn bẩy nhanh” cho đội tuyển nếu chọn đúng người, đúng thời điểm. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược bài bản, sự xuất hiện của họ dễ trở thành một trào lưu nhất thời, nhiều kỳ vọng nhưng ít hiệu quả thực tế.
Điều cần thiết là một quy trình đánh giá khắt khe: Không chỉ xem video highlight hay lý lịch CLB mà phải kiểm chứng qua tập luyện thực tế, phân tích thể chất, khả năng hòa nhập, tâm lý, ngôn ngữ và cả khát khao cống hiến.
Việc gắn bó với đội tuyển quốc gia đòi hỏi hơn là danh nghĩa Việt kiều, đó phải là sự sẵn sàng dấn thân và nỗ lực hòa mình vào một tập thể mang bản sắc riêng biệt.
Cầu thủ Việt kiều là một nguồn lực đặc biệt mà bóng đá Việt Nam có thể khai thác hiệu quả nếu làm đúng cách. Jason Pendant là minh chứng cho sự phù hợp cả về chuyên môn lẫn tâm thế. Viktor Lê mang trong mình tiềm năng lớn, nhưng cần được dìu dắt kỹ lưỡng.
Thay vì chạy theo hiệu ứng “Việt kiều nào về cũng đáng gọi lên tuyển”, bóng đá Việt Nam cần tiếp cận vấn đề này bằng tư duy hệ thống, khoa học và có chiến lược kế thừa rõ ràng. Chỉ như vậy, “nguồn gen quốc tế” này mới thực sự góp phần vào sự chuyển mình bền vững của đội tuyển quốc gia trong tương lai.