Trung Quốc đưa AI trở thành công cụ trong cải cách giáo dục quy mô lớn

HỒNG NHUNG

VHO - Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây đã đưa ra ý kiến đề xuất đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào các chương trình giảng dạy ở trường học.

Trung Quốc đưa AI trở thành công cụ trong cải cách giáo dục quy mô lớn - ảnh 1
Trung Quốc đưa AI vào các chương trình giải dạy. Ảnh: Global Times

Đưa AI vào hệ thống giáo dục

Theo Global Times, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra ý kiến đề xuất thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đẩy nhanh cải cách giáo dục của đất nước bằng cách tích hợp AI vào chương trình giáo dục, bao gồm sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của trường, truyền thông đưa tin vào ngày 16.4.

Bộ Giáo dục Trung Quốc và tám bộ khác đã đề xuất đẩy nhanh quá trình số hóa giáo dục, trong đó đề xuất tăng cường ứng dụng AI vào giáo dục ở quy mô lớn, thúc đẩy nâng cấp thông minh chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và hệ thống giảng dạy, tích hợp AI vào hệ thống giáo dục.

Ý kiến này rất quan trọng đối với giáo viên và học sinh ở bậc tiểu học, trung học và đại học của Trung Quốc, vì các chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy tại trường hiện đều đang chuyển sang "số hóa" và nâng cấp "thông minh", báo cáo cho biết.

Tại một sự kiện trong tuần này, ông Lionel M. Ni, nhà sáng lập Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Quảng Châu) đã nhắc đến tác động chuyển đổi của AI đối với ngành giáo dục và kêu gọi các chiến lược thích ứng để khai thác tiềm năng.

Ông Lionel M. Ni nhấn mạnh vai trò của AI trong việc thúc đẩy hội nhập liên ngành, quá trình hợp tác giữa khoa học máy tính, y học, nhân văn và các lĩnh vực khác. Ông cũng cho biết điều này đang tạo ra các ngành học thuật mới và giúp bồi dưỡng "nhân sự T-shaped", những cá nhân có chuyên môn sâu và kiến thức liên ngành rộng. Đây là mục tiêu cốt lõi của giáo dục đại học.

Ông Lionel M. Ni cũng nhắc đến các chương trình phát triển tích hợp giáo dục AI trong hệ thống giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Trong khi các trường đại học xây dựng những khóa học về AI và một số khóa học thông minh thì các trường tiểu học và trung học sẽ tập trung vào các khóa học về công nghệ thông tin và khuyến khích thiết lập các khóa học AI chuyên ngành.

Đối với giáo viên, ông Ni khẳng định đội ngũ giáo viên nên thích nghi với các chương trình đào tạo áp dụng AI. Mặc dù AI đang thịnh hành ngày nay, nhưng nghề giáo viên vẫn là nghề thiết yếu, trong đó tập trung vào khám phá các hình thức giảng dạy mới.

Phát triển nhân tài

Ông Ni cũng bày tỏ ủng hộ việc thành lập các trường học đám mây, không gian sản xuất thông minh, các trung tâm học tập  tương lai và trung tâm giảng dạy thử nghiệm cấp quốc gia để tìm kiếm các chuyên gia AI + X.

Với ý tưởng này, các hình thức tổ chức giảng dạy mới sẽ thúc đẩy những thay đổi trong phương pháp học tập.

Các mô hình mới về giảng dạy, hợp tác giữa con người và máy móc cũng có thể được tích hợp vào hệ thống giáo dục của đất nước để cá nhân hoá học tập bằng AI trong giáo dục, đồng thời cải thiện hiệu quả và chất lượng giáo dục và giảng dạy.

Ông Ni khẳng định thành công vang dội của DeepSeek không thể tiếp tục nếu thiếu nhân tài, đồng thời nói thêm rằng "trong kỷ nguyên cách mạng do AI thúc đẩy, cuộc cạnh tranh trong các thuật toán về cơ bản là cuộc cạnh tranh giành nhân tài".

Trong tương lai, những nhân tài đất nước sẽ "trở thành A-HERO trong thời đại AI đang chuyển đổi". Từ viết tắt "A-HERO" thể hiện năm phẩm chất cần thiết đối với những người học trong tương lai: A là viết tắt của hiểu biết về AI, H là viết tắt của Tư duy bậc cao, E là viết tắt của Tư duy đạo đức, R là viết tắt của Khả năng phục hồi và O là viết tắt của Sự cởi mở.

"Trung Quốc đang thúc đẩy việc sử dụng AI để đẩy nhanh cuộc cải cách giáo dục đất nước, với mục tiêu trở thành hình mẫu và thúc đẩy các giải pháp tích hợp AI vào giáo dục trên thế giới. Chắc chắn, trong quá trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về cách phát triển AI", ông Ni nói thêm.

Còn theo ông Yang Zongkai, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Vũ Hán, đồng thời là chủ tịch Ủy ban chuyên gia quốc gia về Số hóa giáo dục của Bộ Giáo dục Trung Quốc, AI không chỉ thay đổi cách chúng ta dạy và học, mà còn mang lại nhiều khả năng đổi mới giáo dục.

Đầu năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên công bố kế hoạch hành động quốc gia để trở thành "cường quốc giáo dục" vào năm 2035, với chủ trương tận dụng công nghệ mới để đạt mục tiêu.

Trong thời gian qua, các trường đại học Trung Quốc đang mở rộng tuyển sinh và triển khai các khóa học về AI, đặc biệt là sau khi startup DeepSeek thu hút sự chú ý toàn cầu vào tháng 1 với mô hình ngôn ngữ lớn (MML) có chi phí phát triển thấp hơn so với các đối thủ tại Mỹ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc