Tranh cãi về hoa hậu ở Nhật Bản
VHO - Tại cuộc thi hoa hậu năm 2024 vừa rồi ở Nhật Bản, cô gái 26 tuổi Carolina Shiino đã đoạt được vương miện. Nếu như cuộc thi hoa hậu đơn giản chỉ là tìm ra cô gái trẻ xinh đẹp nhất, ứng xử thông minh nhất theo đúng các tiêu chí mà ban tổ chức đề ra thì người Nhật Bản đều đồng tình với quyết định của ban giám khảo dành danh hiệu hoa hậu cho Carolina Shiino.
Carolina Shiino (giữa) đã giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Nhật Bản Grand Prix tháng 1.2024
Nhưng chưa có lần thi hoa hậu nào ở Nhật Bản kể từ trước đến nay mà dư luận lại tranh luận khen chê, đồng tình và phản đối như lần thi hoa hậu năm nay. Nguyên do ở chỗ Carolina Shiino tuy có quốc tịch Nhật Bản và nói, viết rất thông thạo ngôn ngữ Nhật Bản, nhưng cả bố lẫn mẹ đều không phải là người Nhật Bản. Cô gái này sinh ra ở Ukraine, cả bố và mẹ đều là người Ukraine. Sau khi bố mẹ cô ly hôn, mẹ cô kết hôn với một người Nhật Bản. Khi mới 5 tuổi, Carolina Shiino theo mẹ và người chồng mới của mẹ sang sinh sống ở Nhật Bản và nhập quốc tịch Nhật Bản.
Ở Nhật Bản có không ít người gốc tích nước ngoài thực thụ gia nhập quốc tịch Nhật Bản. Người Nhật Bản trên đảo quốc nhìn nhận đây là chuyện bình thường. Nhưng một cô gái gốc tích xuất thân về chủng tộc và sắc tộc 100% được bầu chọn làm hoa hậu Nhật Bản, thì là chuyện xưa nay chưa từng có. Cuộc tranh luận cả sôi động lẫn gay gắt bùng phát hiện tại ở đất nước này chính vì thế.
Carolina Shiino có quốc tịch Nhật Bản, khả năng nói và viết cũng như ứng xử văn hóa không khác gì người Nhật Bản. Chỉ có diện mạo bên ngoài và gốc tích xuất thân về sắc tộc và chủng tộc thì không như những người Nhật Bản khác. Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi là một cô gái không có dấu tích dòng máu Nhật Bản trong người có thể được coi là hoa hậu của Nhật Bản hay không. Câu hỏi đặt ra cho cuộc tranh luận là ở những cuộc thi hoa hậu quốc gia, thì quốc tịch là điều kiện tiên quyết hay sắc tộc và chủng tộc mới là điều kiện tiên quyết. Câu hỏi cũng được đặt ra là nếu chấp nhận yếu tố sắc tộc và chủng tộc nước ngoài trong các cuộc thi hoa hậu thì có thể chấp nhận đến mức độ bao nhiêu, ít nhất một nửa, một phần tư hay một phần tám phải là dòng máu Nhật Bản, hay có thể chấp nhận cả chẳng có phần nào cho sắc tộc và chủng tộc Nhật Bản.
Trong thể thao, câu hỏi này đã được trả lời trên thế giới mà chẳng gây ra cuộc tranh luận sôi động nào cả. Cầu thủ có gốc tích nước ngoài, tức là ngoại quốc 100%, thi đấu xuất sắc còn được ca ngợi và khen thưởng hậu hĩnh. Cầu thủ nước ngoài trong màu cờ sắc áo của quốc gia khác, thậm chí còn được nhiều quốc gia trên thế giới tận dụng triệt để để giành thắng lợi trong các cuộc thi đấu quốc tế.
Ở Nhật Bản, tay vợt tennis nữ Naomi Osaka có mẹ là người Nhật Bản và bố là người Haiti, không bị phân biệt là người nước ngoài cho dù nói tiếng Nhật Bản rất kém và mãi đến năm 22 tuổi mới có quốc tịch Nhật Bản. Cũng ở Nhật Bản có chuyện một mục sư truyền giáo người Phần Lan gia nhập quốc tịch Nhật Bản năm 1979 và về sau trở thành dân biểu trong thượng viện Nhật Bản. Trên đảo quốc này còn chuyện cô gái Ariana Myiamoto trở thành Hoa hậu toàn cầu của Nhật Bản. Cô gái này có mẹ là người Nhật Bản và cha là người châu Phi. Hồi ấy, ở Nhật Bản cũng rất sôi động và ồn ào về quyết định của ban giám khảo trao vương miện cho Ariana Myiamoto.
Bây giờ, cuộc tranh luận sôi động hơn rất nhiều và các luồng quan điểm khác biệt nhau rất cơ bản. Nguyên do ở chỗ hoa hậu thường được coi là biểu tượng đại diện cho một quốc gia, nên quốc gia đó trước hết phải xác định ai có thể đại diện, trước khi được bầu chọn làm biểu tượng đại diện và phải trả lời câu hỏi này trước hết về phương diện chủng tộc và sắc tộc.
THỤC LINH