“Đêm văn hoá Việt Nam – Tinh hoa Di sản Kinh Bắc”:

Tinh hoa Kinh Bắc tỏa sáng giữa lòng Paris

NAM ANH - HOA MAI

VHO - Vừa qua tại Paris, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh tổ chức “Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc”, thu hút đông đảo kiều bào người Việt Nam tại Pháp cùng bạn bè quốc tế đến thưởng thức và khám phá nét đẹp di sản vùng Kinh Bắc.

Chương trình mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ góp phần quảng bá, tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh đến kiều bào và bạn bè quốc tế, mà còn hướng tới vận động sự ủng hộ của cộng đồng để UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2025.

Tinh hoa Kinh Bắc tỏa sáng giữa lòng Paris - ảnh 1
Các nghệ sĩ duyên dáng trong trang phục Quan Họ Bắc Ninh, góp phần tôn vinh nét văn hóa Việt

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng giới thiệu về Bắc Ninh, vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, cái nôi của lễ hội và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như dân ca Quan họ, Ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu, tranh dân gian Đông Hồ... 

Những giá trị văn hóa ấy không chỉ là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tại chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ vinh dự khi được đồng hành cùng đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh và đông đảo kiều bào, trải nghiệm một đêm văn hóa đặc biệt, tôn vinh những giá trị tinh túy của di sản văn hóa Bắc Ninh. 

Đại sứ Đinh Toàn Thắng tin rằng Đêm văn hóa Việt Nam – Tinh hoa Di sản Kinh Bắc không chỉ lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp.

"Chúng ta không chỉ giới thiệu tới bạn bè Pháp những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc, mà còn ghi nhận sự đóng góp ý nghĩa của cộng đồng người Việt tại Pháp, những người luôn mang trong mình tình yêu quê hương và khát khao lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới", Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.

Tinh hoa Kinh Bắc tỏa sáng giữa lòng Paris - ảnh 2
Chương trình mang đến nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc

Mở đầu chương trình nghệ thuật, các đại biểu được thưởng thức những làn điệu Dân ca Quan họ ngọt ngào, sâu lắng qua các tiết mục như Mời nước mời trầu, Vui bốn mùa,…

Màn hát đối Quả cau non và Chè mạn hảo đã tái hiện sinh động hình ảnh mái chùa, cây đa, bến nước, con người quê hương, những biểu tượng văn hoá đặc trưng; từ đó, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hóa đặc sắc của người Việt.

Điểm nhấn ấn tượng nhất trong chương trình là phần trải nghiệm làm tranh Đông Hồ ngay trên sân khấu, nơi các đại biểu và khách mời được trực tiếp tham gia cùng nghệ nhân.

Như một chuyến du hành ngược về làng tranh xưa, người tham dự được tự tay in tranh trên giấy dó truyền thống, sử dụng bản khắc gỗ và màu sắc hoàn toàn từ thiên nhiên. 

Mỗi công đoạn, từ khắc ván, pha màu, làm giấy đến in tranh, đều được thực hiện tỉ mỉ, công phu, thấm đẫm tâm huyết và niềm tự hào của những người nghệ nhân, khiến người xem không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp tinh xảo và hồn cốt văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, trước thực trạng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang dần mai một, Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh nghề này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 

Đây là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chương trình còn ghi dấu ấn đặc biệt khi mang đến không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt, với những tiết mục dân gian đặc sắc như độc tấu đàn bầu Se chỉ luồn kim, hát văn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ… cùng các hoạt động trải nghiệm như viết thư pháp và nặn phỗng đất. 

Đây đều là những nét văn hóa gợi nhớ ký ức tuổi thơ của nhiều người Việt.

Tinh hoa Kinh Bắc tỏa sáng giữa lòng Paris - ảnh 3
Khách tham dự hào hứng với không gian trải nghiệm trong chương trình

Lời giã bạn qua làn điệu Chuông vàng gác cửa Tam quan đã khép lại chương trình trong không khí ấm áp, để lại dư âm sâu lắng. Những thanh âm mộc mạc, tha thiết như nối dài sợi dây ký ức, gợi nhắc về cội nguồn văn hóa dân tộc và tình quê hương thấm đẫm trong lòng mỗi người con đất Việt xa xứ. 

Đêm diễn không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là nhịp cầu giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, kết nối quê hương với cộng đồng người Việt xa xứ. 

Không dừng lại ở việc tôn vinh di sản, chương trình còn mở ra những triển vọng mới trong hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. 

Đây cũng là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ra thế giới, khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong dòng chảy giao lưu văn hóa toàn cầu.