Thuế quan của Mỹ: Các nước châu Á, châu Phi tìm cách giảm thiểu tác động thương mại
VHO - Trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, một số nền kinh tế châu Á và châu Phi đang tích cực điều chỉnh chính sách thương mại nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan nghiêm ngặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong số các nước mới đây có động thái điều chỉnh chính sách thương mại, Indonesia đã cam kết đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng nông sản, năng lượng và hàng hóa nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Washington, theo đó đã ký hợp đồng trị giá 1,25 tỷ USD để mua thêm lúa mì của Mỹ.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto ngày 9.7 cho biết Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pertamina và một số doanh nghiệp nông nghiệp của nước này đã ký các thỏa thuận nhằm tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Bộ trưởng Indonesia hiện đang ở Washington để thực hiện đàm phán thương mại.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Airlangga cho biết Pertamina đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) cam kết tăng mua năng lượng từ Mỹ song không nêu chi tiết cụ thể. Hai công ty nông nghiệp Sorini Agro Asia Corporindo và FKS Group cũng đã ký các MoU nhằm tăng khối lượng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo thông báo từ Đại sứ quán Indonesia tại Mỹ, các thỏa thuận trên được ký trong các cuộc họp diễn ra tại Washington hôm 08.07. Thông báo nêu rõ các cuộc gặp đã mang lại một số thỏa thuận thương mại, thể hiện qua việc ký kết nhiều MoU, mở đường cho cơ hội hợp tác mới và tăng cường quan hệ kinh tế song phương.
Tập đoàn thực phẩm Mỹ Cargill cũng xác nhận trong một tuyên bố rằng danh mục các thỏa thuận nói trên có cả MoU về nhập khẩu ngô.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Indonesia đạt 17,9 tỷ USD trong năm 2024, tăng 5,4% so với năm trước đó. Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp mức thuế bổ sung 32% đối với hàng hóa Indonesia, bên cạnh mức cơ bản 10%, nếu hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại mới trước ngày 01.08.
*Cùng ngày, tại Phnom Penh, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol tiếp tục kêu gọi Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Campuchia, sau khi Washington hạ mức thuế từ 49% xuống 36%, có hiệu lực từ 01.08. Phó Thủ tướng Chanthol nhấn mạnh Campuchia vẫn thuộc nhóm nước kém phát triển (LDC) của Liên hợp quốc và cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới mục tiêu ra khỏi nhóm LDC vào năm 2029. Trong khi đó, ông cũng kêu gọi các nhà sản xuất trong nước giữ bình tĩnh, khẳng định Chính phủ Campuchia đủ năng lực để bảo vệ lợi ích của quốc gia, người sử dụng lao động và người lao động.
*Trong diễn biến liên quan, tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản ngày 8.7 đã bày tỏ lấy làm tiếc sau khi Mỹ công bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Nhật Bản từ ngày 1.8. Trưởng đoàn đàm phán thuế quan Nhật Bản Ryosei Akazawa đã điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và cam kết tiếp tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận tổng thể cùng có lợi trước thời hạn ngày 1.8, đặc biệt liên quan đến ngành ô tô.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương, kể cả hội nghị thượng đỉnh trực tiếp, đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển thực chất. Theo báo cáo, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực ô tô, vốn có tác động lớn đến cả hai nền kinh tế.
*Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cũng trong tuần này, 5 nhà lãnh đạo Tây Phi gồm Liberia, Senegal, Gabon, Mauritania và Guinea-Bissau sẽ tới Washington để tham dự cuộc họp kéo dài 3 ngày do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì. Đây được xem là sự kiện ngoại giao quan trọng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump với châu Phi kể từ khi ông tái đắc cử, sau cuộc gặp căng thẳng giữa ông và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng hồi tháng 5.
Mục tiêu của hội nghị lần này là khai thác cơ hội thương mại giữa hai bên. 5 quốc gia được mời đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như dầu mỏ, khí đốt, vàng và khoáng sản đất hiếm, song cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về bất ổn chính trị.
Cuộc gặp được đánh giá là bước đầu trong chiến lược tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao của Mỹ tại khu vực Tây Phi, nhưng kết quả cụ thể về các thỏa thuận hợp tác vẫn đang được dư luận và giới chuyên gia chờ đợi. Những bước đi tiếp theo sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của Washington tại khu vực đầy tiềm năng này.
Theo NGUYỄN AN – HOÀNG CHÂU (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc