Thành phố Hàn Quốc kỳ vọng hồi sinh từ dự án nhà tù
VHO - Taebaek, một thành phố nhỏ nằm ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số nghiêm trọng. Trong nỗ lực cứu vãn, chính quyền địa phương đặt cược vào việc xây dựng một nhà tù để vực dậy kinh tế và thu hút người quay lại sinh sống, theo Korea Herald.

Đặt cược vào nhà tù để cứu thành phố
Ông Kim Kyung-rae, một tài xế taxi 60 tuổi tại Taebaek, chia sẻ rằng hầu hết khách của ông đều là người cao tuổi. “Tôi đã không nghe thấy tiếng trẻ con khóc trong nhiều năm,” ông nói.
Trước đây, Taebaek từng là thị trấn khai thác than sầm uất, nhưng khi ngành công nghiệp than suy tàn, dân số của thành phố giảm mạnh, từ 120.000 người vào những năm 1980 xuống chỉ còn 37.000 người vào năm 2023. Hơn 30% dân số hiện nay là người từ 65 tuổi trở lên.
Trường Cao đẳng Du lịch Gangwon, cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Taebaek, đã đóng cửa vào năm ngoái.
Trong bối cảnh này, chính quyền Taebaek đã quyết định thực hiện một bước đi táo bạo: xây dựng một nhà tù. Quyết định này được đưa ra vào năm 2019 và nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng, khi hơn 10.000 người ký tên vào bản kiến nghị.
"Chúng tôi quá tuyệt vọng, phải làm gì đó, bất cứ điều gì, để cứu thành phố", Thị trưởng Ryu Tae-ho nói.
Năm 2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch xây dựng nhà tù, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Cơ sở này sẽ có diện tích 440.000 m² và chứa khoảng 1.500 tù nhân.
Nhà tù được kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 2.700 người, bao gồm nhân viên và gia đình họ, cùng với khoảng 12.000 lượt khách thăm mỗi năm.
Chính quyền và cư dân hy vọng rằng dự án này sẽ kích thích nền kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng.

Khi cơ sở công cộng trở thành cơ hội phát triển
Taebaek không phải là trường hợp cá biệt, nhiều khu vực khác ở Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Hàn Quốc, có 89 trong số 229 khu vực hành chính ở Hàn Quốc được coi là “có nguy cơ biến mất” do sự giảm sút dân số.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ đã lập Quỹ ứng phó địa phương với ngân sách 10 nghìn tỷ won từ 2022 đến 2031, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện sống.
Tuy nhiên, việc ngăn dòng di cư đến Seoul, nơi chiếm hơn một nửa dân số cả nước, vẫn gặp khó khăn.
Một ví dụ điển hình khác là huyện Cheongsong, nơi từng phản đối quyết liệt việc xây dựng nhà tù vào những năm 1980.
Tuy nhiên, khi một khu chung cư 54 căn cho cán bộ trại giam được chuyển đến đây vào năm 2017, sự thay đổi trong thái độ của người dân rất rõ ràng. Việc di dời này thúc đẩy tiêu dùng tại địa phương và phát triển cơ sở hạ tầng
Dân số của huyện này đã ổn định lại, và nhiều thương hiệu lớn như Paris Baguette hay Mom’s Touch đã mở cửa tại địa phương. Huyện Cheongsong hiện là nơi có bốn cơ sở cải huấn và đang đấu thầu để xây dựng nhà tù thứ năm dành cho nữ.
Các khu vực khác như Geochang và Yangju cũng đã áp dụng mô hình này để thu hút đầu tư. Ở Geochang, một cuộc đấu thầu đã được tổ chức để xây dựng nhà máy đốt rác, với khoản hỗ trợ lên tới 6 tỷ won cho các làng tham gia dự án.
Tại Yangju (tỉnh Gyeonggi), sáu ngôi làng cùng tham gia cạnh tranh để trở thành nơi đặt cơ sở tang lễ. Trên đảo Jeju, ba khu vực đã nộp đơn xin xây dựng lò hỏa táng.
Tại Daegu, bốn quận đang tích cực vận động nhằm thu hút một căn cứ quân sự. Riêng tại quận Gunwi, gần một nửa trong số 23.000 cư dân đã ký vào bản kiến nghị ủng hộ việc đưa cơ sở hạ tầng quân sự về địa phương.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi trong thái độ của người dân đối với các cơ sở công cộng như nhà tù hay nhà máy đốt rác là một xu hướng mới.
“Những cơ sở công cộng trước đây bị coi là không mong muốn giờ đây lại được xem là cơ hội để giải quyết bài toán dân số và thu hút đầu tư,” giáo sư Heo Chang-deok, chuyên gia xã hội học tại Đại học Yeungnam, nhận định.
Trong bối cảnh dân số già hóa và di cư từ các khu vực nông thôn về thủ đô Seoul, việc thay đổi tư duy về các cơ sở công cộng là một bước đi cần thiết.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực để đối phó với tình trạng này thông qua các chính sách hỗ trợ, nhưng bài toán giữ gìn sự sống của các thành phố nhỏ vẫn còn rất nhiều thử thách.