Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tiếp tục suy yếu

NGHIÊM THANH

VHO - Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tiếp tục xấu đi trong tháng 5, giữa lúc lo ngại lạm phát tăng cao, chính sách thuế quan rối ren và sự bất ổn kinh tế ngày càng lan rộng. Dữ liệu khảo sát mới từ KPMG và Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng không chỉ mất niềm tin vào triển vọng kinh tế mà còn đang thay đổi rõ rệt hành vi chi tiêu.

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tiếp tục suy yếu - ảnh 1
Những người trả lời khảo sát cho biết họ có kế hoạch hoãn một số khoản mua sắm lớn và cắt giảm chi tiêu để không tích lũy nợ. Ảnh: CNN

Tâm lý xấu đi, chi tiêu chững lại

Cuộc khảo sát American Perspectives thường niên lần thứ hai của KPMG công bố hôm 15.5 cho thấy những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, kết hợp với lạm phát cao và thuế quan chưa rõ ràng, đã buộc người dân Mỹ phải thay đổi thói quen tiêu dùng.

Khảo sát được thực hiện với 2.500 người trưởng thành, nhằm đánh giá tình hình tài chính hộ gia đình và phản ứng trước các biến động kinh tế lớn như chính sách thuế nhập khẩu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tạo sinh và giá trị thực tiễn của giáo dục đại học.

Theo KPMG, những người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch hoãn một số khoản mua sắm lớn và cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống để không tích lũy nợ.

Cùng ngày, Đại học Michigan công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống 50,8, mức thấp nhất kể từ tháng 6.2022, và chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại giảm còn 57,6, thấp nhất trong 17 tháng.

Điều đáng lo ngại là kỳ vọng lạm phát trong năm tới tăng mạnh từ 6,5% lên 7,3%, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong khi kỳ vọng dài hạn tăng lên 4,6% – mức đe dọa nghiêm trọng đến định hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FwdBonds, cảnh báo rằng cơn sốt chi tiêu tăng vọt vào cuối năm ngoái, khi người tiêu dùng đổ xô mua sắm trước nguy cơ giá tăng vì thuế quan giờ đã kết thúc.

“Bất kể sức mạnh nào mà chúng ta thấy trong nền kinh tế trong quý đầu tiên, tôi nghĩ đó chỉ là ảo ảnh,” ông nói. “Doanh số được đưa ra sớm hơn để cố gắng tránh giá cao hơn chắc chắn sẽ xảy ra ngay sau cuộc chiến thương mại với thế giới này.”

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tiếp tục suy yếu - ảnh 2
Các cuộc khảo sát đều chỉ ra thuế quan vẫn là nỗi lo phổ biên với người dân Mỹ. Ảnh: Reuters

Thuế quan vẫn là nỗi lo phổ biến

Trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV hôm 16.5, Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, nhận định: “Rõ ràng là người tiêu dùng đang chuẩn bị cho sự bất ổn và không chắc chắn của chính sách thuế quan.”

Theo khảo sát Đại học Michigan,, gần 75% người tham gia đã tự nguyện đề cập đến vấn đề thuế quan, con số tăng mạnh so với mức gần 60% vào tháng trước. Bà Hsu cho biết mối lo ngại về chính sách thương mại tiếp tục chi phối suy nghĩ của người tiêu dùng về triển vọng kinh tế quốc gia.

Còn bà Elizabeth Renter, chuyên gia kinh tế cấp cao tại NerdWallet, nhận định trên CNN: “Người tiêu dùng có thể hiểu được là đang cảm thấy tệ hơn một chút về hướng đi của nền kinh tế. Điều quan trọng không kém so với việc đạt được các thỏa thuận thương mại là truyền đạt cho người dân về điều gì đang xảy ra và họ nên mong đợi điều gì.”

Mức giảm trong niềm tin người tiêu dùng cũng trái ngược với kỳ vọng của giới phân tích, khi các nhà kinh tế từng dự đoán chỉ số này sẽ tăng lên 55 trong tháng 5 (theo FactSet).

Thực tế, niềm tin lại tiếp tục đi xuống, phản ánh một tâm lý lo lắng lan rộng bất chấp các tín hiệu tích cực ngắn hạn từ thị trường việc làm.

Bối cảnh này đặt ra thách thức lớn cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn đang giữ lãi suất cơ bản ở mức 4,25%–4,50%. Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang bước vào một thời kỳ nhiều “cú sốc cung thường xuyên và dai dẳng hơn”, khiến quá trình kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Theo Hãng Reuters, báo cáo từ Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cũng chỉ ra rằng lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, với giá hàng hóa nhập khẩu tăng 0,6% trong tháng 4, và giá hàng tiêu dùng (không bao gồm xe cơ giới) tăng 0,3%.

Mặc dù giá nhập khẩu nói chung, không tính thuế quan, chỉ tăng 0,1% sau khi giảm 0,4% vào tháng 3, nhưng dữ liệu này đã làm thay đổi kỳ vọng của các nhà kinh tế, vốn dự đoán mức giảm 0,4%.