Ra mắt Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản
VHO - Ngày 7.10, Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản tại Osaka (Nhật Bản) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học.
Trung tâm Việt Nam học là một cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
Dự lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, lãnh đạo Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam; bà Lê Thương, Hiệu trưởng Trường Việt Ngữ cây tre; GS. Shimizu Masaaki, Đại học Osaka; TS Bùi Văn Tuấn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; cố vấn trung tâm, đại diện các trung tâm dạy tiếng Việt tại Nhật Bản; cán bộ trung tâm, cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Osaka.
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ vui mừng và mong rằng Trung tâm Việt Nam học ngày càng phát triển, là cầu nối giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng Lãnh sự Ngô Trịnh Hà bày tỏ niềm vui mừng được tham dự và đồng tổ chức buổi lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học” tại Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản tại Osaka.
Tổng lãnh sự đánh giá việc thành lập Trung tâm Việt Nam học sẽ mở ra một giai đoạn mới trong định hướng phát triển của Hiệp hội trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp và ngày càng có nhiều nhu cầu về sự hiểu biết cũng như hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực từ chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội đến du lịch - thể thao...
Ông Ngô Trịnh Hà tin tưởng, việc thành lập Trung tâm Việt Nam học sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực cung cấp cho các công việc liên quan đến Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, trong công tác giảng dạy, làm ăn buôn bán, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch với Việt Nam…
Thay mặt cán bộ, giáo viên Trung tâm Việt Nam học, bà Lê Thương báo cáo về việc thành lập trung tâm. Đây sẽ là nguồn tri thức hàn lâm, là cơ sở sáng tạo và phát triển tri thức về Việt Nam trên các lĩnh vực, như: kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử và văn hóa.
Đây sẽ là nơi bồi đắp dữ liệu, kiến thức về Việt Nam có chất lượng, phục vụ các cơ quan Chính phủ và tư nhân của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Bà Lê Thương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động dạy và học tiếng Việt tại Nhật Bản, trong bối cảnh kết nối kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển, với nhiều tỉnh, thành của cả hai quốc gia đã ký kết các thỏa thuận hợp tác, trở thành các địa phương kết nghĩa, cùng nhau phát triển.
GS. Shimizu Masaky (Trưởng Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, Nhật Bản) bày tỏ mong muốn qua trung tâm trong thời gian tới sẽ tăng cường các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka với một số trường đại học của Việt Nam.
Qua đó, trao đổi sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giữa trường và đối tác Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc có thời hạn; đóng vai trò cầu nối để kết nối Hội nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản với các chuyên gia Việt Nam học tại Việt Nam ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Bùi Văn Tuấn, cố vấn Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản cho biết, việc ra mắt Trung tâm Việt Nam học tại Osaka, Nhật Bản sẽ là cầu nối hợp tác giữa các cơ quan, viện nghiên cứu, tổ chức, cá nhân nhà khoa học và các doanh nghiệp của nước sở tại với các đối tác của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Trung tâm cũng là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế và kết nối cộng đồng người Việt ở Nhật Bản với người dân Nhật Bản yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, các hoạt động của Trung tâm sẽ bện chặt sợi dây kết nối bà con kiều bào với nhân dân trong nước, đóng góp tích cực vào thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
Góp phần nâng cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong cộng đồng, mỗi bà con kiều bào vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, trở thành “đại sứ” văn hóa, kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, Trung tâm Việt Nam học ở Nhật Bản cũng mở ra một cơ hội thực tập, thực tế và nghề nghiệp mới cho sinh viên ngành Việt Nam học.