Phim Trung Quốc thắng Hollywood nhờ gắn với văn hóa nội địa
VHO - Năm qua, Trung Quốc chứng kiến sự bại trận của phim Hollywood tại phòng vé ở quốc gia tỉ dân. Hàng loạt siêu phẩm điện ảnh của Mỹ có doanh thu thảm hại chưa từng có, trong khi đó, các phim “made in China” đạt doanh thu khủng nhờ gắn với văn hóa nội địa.

Nếu trước đây, phim Hollywood khuynh đảo màn ảnh rộng và đạt doanh thu khổng lồ thì năm qua, số lượng tác phẩm thành công tại “đất nước tỉ dân” giảm sút rõ rệt. Dữ liệu từ Cat’s Eye Pro Edition cho thấy, Godzilla x Kong 2 là phim Hollywood duy nhất lọt top 10 phim có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc trong năm qua. Tuy nhiên, doanh thu bom tấn này không vượt qua 10 tỉ nhân dân tệ, chỉ cán mốc 9,56 tỉ nhân dân tệ. Các phim lớn khác như Deadpool 3, Despicable me 4, Dune 2 cũng không đạt doanh thu trên 5 tỉ nhân dân tệ. Doanh số phòng vé của một số bộ phim như Mad Max: Furiosa và Joker 2 không đạt được 1 tỉ nhân dân tệ.
Mối quan hệ giữa khán giả và phim Hollywood rơi vào tình trạng nguội lạnh khi thị phần của dòng phim này tại thị trường Trung Quốc ngày càng thu hẹp. Theo Variety, thị phần của các bộ phim nhập khẩu vào “đất nước tỉ dân” đã giảm xuống dưới 15%, trong đó phim Hollywood chiếm chỉ 12%. Nguyên nhân lớn nhất khiến Hollywood bị ghẻ lạnh là khai thác quá mức về vũ trụ điện ảnh, đặc biệt là siêu anh hùng. Marvel Cinematic Universe (MCU) là một trong những ví dụ điển hình. Dự án này đã chiếm lĩnh thị trường từ Iron man (2008) và đạt đến đỉnh cao với Avengers: Endgame (2019). Tuy nhiên, thời gian sau đó, sự lê thê của dự án và không có phim chất lượng đã khiến vũ trụ Marvel không còn là “món ăn” hấp dẫn đối với khán giả.
Cuộc đình công của các biên kịch Hollywood trong đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng phim. Bởi nội dung thiếu tính sáng tạo, câu chuyện nhàm chán, không có chiều sâu là hệ quả khiến chất lượng điện ảnh Mỹ suy giảm. Đặc biệt, thế hệ “sao” trẻ như Timothée Chalamet hay Robert Pattinson dù nổi tiếng với ngoại hình điển trai, nhưng chưa thật sự khẳng định được tài năng diễn xuất trên màn ảnh rộng. Các huyền thoại Tom Cruise, Leonardo DiCaprio, Brad Pitt… trở thành cái tên xa lạ với tệp khán giả trẻ Trung Quốc.
Trong khi Hollywood đối mặt với nhiều khó khăn thì ngành điện ảnh Trung Quốc lại đang phát triển mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Cục Điện ảnh quốc gia Trung Quốc, thị trường điện ảnh nội địa của quốc gia này đã phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, tổng doanh thu phòng vé đạt 54,9 tỉ nhân dân tệ, trong đó 83,77% là phim Trung Quốc.
Thành công của các bộ phim nội địa như The wandering earth 2, The battle at Lake Changjin, Hot blood... phần nào phản ánh thị hiếu mới của người xem. Họ dần thích thể loại gần gũi với đời sống, văn hóa hơn là những phim khoa học viễn tưởng, hành động, siêu nhiên... Đặc biệt, thế hệ gen Z có xu hướng yêu thích những câu chuyện gắn liền với nền văn hóa nội địa. Họ không còn hứng thú với giá trị văn hóa phương Tây mà Hollywood thường xuyên truyền tải. Các dự án nội địa đã gắn chiến lược quảng bá đánh mạnh vào văn hóa, tự tôn dân tộc, kết hợp với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nghệ sĩ Trung Quốc. Nhờ vậy, các tác phẩm như The battle at Lake Changjin và Full river red tạo ra sự đồng cảm sâu sắc với khán giả trong nước.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong sở thích, thói quen xem phim của công chúng cũng đã thay đổi đáng kể. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng xem phim trực tuyến như Iqiyi, Tencent Video và các ứng dụng video ngắn, nhiều người dần chuyển sang xem phim tại nhà thay vì ra rạp. Điều này dẫn đến việc giảm số lượng khách đến rạp vì chi phí và thời gian cho việc xem phim tại rạp không còn là ưu tiên hàng đầu.