Phim do AI viết kịch bản có được chấp nhận?

NGUYỄN DƯƠNG

VHO - Ở Hàn Quốc, bộ phim truyền hình Kiss Lighting - Ghost Cupid do AI viết kịch bản đang được trình chiếu và thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng. Trước đó, tại Liên hoan phim ngắn và châu Á, hàng loạt bộ phim do AI viết kịch bản đã nhận được sự hứng thú của độc giả. Điều này khác hẳn với trước đây.

 Phim do AI viết kịch bản có được chấp nhận? - ảnh 1
Một cảnh trong phim “The Artificial Conjuring Circle” (Vòng tròn ma thuật nhân tạo) Ảnh: MAINICHI.JP

 Kiss Lighting - Ghost Cupid là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và đang thu hút sự chú ý của công chúng với bản phát hành trước. Phim kể về câu chuyện lãng mạn, độc đáo với nhân vật chính là hồn ma Wooyeon - người giúp mọi người tìm được tình yêu. Điểm khác biệt lớn nhất trong bộ phim này chính là sử dụng AI để viết kịch bản và tạo hình ảnh. Ban đầu, đạo diễn viết một bản phác thảo sơ bộ, sau đó sử dụng AI để tinh chỉnh.

Điều đáng nói là không chỉ riêng Kiss Lighting - Ghost Cupid, thế giới hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng áp dụng AI trong sản xuất phim. Tại Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 (4-17.6 tại Tokyo, Nhật Bản), một loạt những bộ phim được thực hiện với sự hỗ trợ của AI đã được trình chiếu. Trong đó, nổi bật là bộ phim hoạt hình thử nghiệm của điện ảnh Áo mang tên The Artificial Conjuring Circle (Vòng tròn ma thuật nhân tạo). Đây là bộ phim đầu tiên được làm hoàn toàn bằng công nghệ AI. Tiếp đến, bộ phim Trung Quốc Dragon Gate (Long Môn) cũng gây ấn tượng, vì là bộ phim hoạt hình ngắn theo phong cách vẽ màu nước đầu tiên sử dụng nội dung do AI tạo ra.

Nhà sản xuất Jung In Su cho biết: “AI với ưu điểm là giảm đáng kể thời gian và chi phí, giúp bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo phim. AI còn giúp đơn giản hóa nhiều quy trình, bao gồm việc thay đổi khuôn mặt trên màn hình một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc tạo ra vô số hình minh họa bằng AI chỉ có chi phí khoảng 71 USD một tháng so với mức 140 - 210 USD trước đây”.

Nhà sản xuất Yang Eek Jun cũng bày tỏ sự ngạc nhiên đối với công nghệ AI: “Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mà những người sáng tạo có thể được giải phóng khỏi những ràng buộc nhờ AI. Khi có AI, chúng ta có thể làm phim tại nhà. Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên tuyệt vời mà có thể làm phim bất cứ khi nào chúng ta muốn”.

Vấn đề lớn hơn cả chính là việc thị trường nội dung từ AI đang phải vật lộn với những thách thức đáng kể liên quan đến bản quyền, đặc biệt là đối với hoạt hình. Các nhà làm phim Hàn Quốc nhận ra rằng khi sử dụng AI, hoạt hình có nhiều điểm tương đồng với các hãng phim lớn như Pixar và Disney. Điều này có thể dẫn đến bối cảnh pháp lý phức tạp xung quanh quyền sở hữu bản quyền.

Luật sư Lee Seung Ki phân tích: “Phim truyền hình và phim điện ảnh AI đặt ra thách thức đó là các công ty AI có thể yêu cầu quyền không chỉ đối với công nghệ của họ mà còn đối với nội dung được tạo ra từ công nghệ đó. Để giải quyết rủi ro này, các công ty có thể yêu cầu hợp đồng nêu rõ quyền sở hữu trí tuệ trước khi cấp phép cho sản xuất phim. Ngoài ra, quan hệ đối tác giữa các công ty AI và nhà sản xuất phim có thể được thiết lập để chia sẻ lợi nhuận”.

Vào tháng 6 năm nay, rạp chiếu phim Prince Charles ở London (Anh) đã hủy buổi công chiếu dự kiến của The Last Screenwriter, do phản ứng dữ dội của công chúng về biên kịch của bộ phim chính là chatbot nổi tiếng ChatGPT. Đạo diễn người Thụy Sĩ Peter Luisi đã sử dụng chatbot tạo sinh để viết nên bộ phim này và ghi công ChatGPT là biên kịch. Nội dung của The Last Screenwriter kể về một biên kịch nổi tiếng đối mặt với một biên kịch AI tên là ChatGPT 4.0, vượt trội hơn anh ta và bằng cách nào đó hiểu nhân loại tốt hơn chính con người.

Ngay khi lịch trình chiếu The Last Screenwriter được thông báo trên các nền tảng xã hội, nhà sản xuất đã nhận được một “cơn lũ” các bình luận chỉ trích. Một ngày sau, rạp chiếu phim đã hủy kế hoạch phát hành bộ phim này với lý do phản hồi trong 24 giờ qua cho thấy nhiều khán giả rất lo ngại về việc sử dụng AI thay vì một biên kịch con người, điều này chỉ ra một vấn đề lớn hơn của ngành công nghiệp.

Cuộc tranh cãi xung quanh The Last Screenwriter phản ánh một cuộc tranh luận rộng lớn hơn trong ngành giải trí. Năm ngoái, Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) với 11.000 thành viên đã tổ chức một cuộc đình công để phản đối việc sử dụng AI để viết kịch bản phim. Trong một đề xuất được công bố trên trang web của WGA, các nhà biên kịch Hollywood cho rằng AI nên được quy định để nó “không thể viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không thể được sử dụng làm tài liệu nguồn” và tác phẩm của các nhà biên kịch “không thể được sử dụng để huấn luyện AI”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc