New Zealand:

Nhà hát Opera cung cấp phụ đề chữ nổi cho người khiếm thị

NGHIÊM THANH

VHO - Những người hâm mộ opera khiếm thị ở New Zealand sẽ là những người đầu tiên trên thế giới được tiếp cận với phụ đề chữ nổi, được thiết kế để làm phong phú thêm trải nghiệm của họ về buổi biểu diễn trực tiếp mà không bị can thiệp bởi mô tả bằng âm thanh.

Nhà hát Opera cung cấp phụ đề chữ nổi cho người khiếm thị - ảnh 1

Công nghệ này lần đầu tiên được thử nghiệm trong trong buổi diễn vở Le Comte Ory của New Zealand Opera. Ảnh : The Guardian

Các nhà hát Opera trên khắp thế giới thường xuyên sử dụng phụ đề – trong đó lời bài hát hoặc kịch bản được dịch sang ngôn ngữ khác và hiển thị trên màn hình lớn trong buổi biểu diễn trực tiếp – để giúp khán giả hiểu sâu hơn về những gì đang được nói hoặc hát trên sân khấu. Còn với những người khiếm thị, lựa chọn chính để họ hiểu được các buổi diễn opera là thông qua âm thanh mà họ nghe được.

Công nghệ mới giúp những người khiếm thị kết nối với buổi biểu diễn Opera bằng chữ nổi. Nó gửi phụ đề chữ nổi tới máy đọc chữ nổi cá nhân của người dùng khiếm thị cùng lúc với thời điểm khán giả sáng mắt đang đọc bản dịch trên màn hình.

Tổng giám đốc của nhà hát New Zealand Opera, Brad Cohen, cũng là người đã phát triển công nghệ mới này tin rằng đây là công nghệ đầu tiên trên thế giới có thể thay đổi cách những người xem opera khiếm thị kết nối với buổi biểu diễn. Cohen nói: “Những khách hàng khiếm thị luôn gặp bất lợi, họ không có được trải nghiệm giống như những người còn lại trong khán phòng. Đối với chúng tôi, đây là một bước thực sự quan trọng trong việc bình đẳng hóa sân chơi, mang lại cho người khiếm thị trải nghiệm và nội dung giống những khán giả còn lại đang nhìn thấy.”

Người dùng công nghệ này truy cập văn bản thông qua một trang web trên điện thoại của họ, sau đó gửi từng từ, từng dòng tới máy đọc chữ nổi. Việc này được diễn ra song song với những gì đang diễn ra trên sân khấu. Điều đó có nghĩa là một người sáng mắt có thể đọc nó trên màn hình opera, một người có thị lực kém có thể đọc nó ở dạng văn bản lớn trên thiết bị của họ, đồng thời một người mù có thể đọc nó bằng chữ nổi.

Cohen hy vọng công nghệ này sẽ được áp dụng trong lĩnh vực biểu diễn trực tiếp. Ông nhận thấy tiềm năng rất lớn cho các hội nghị hoặc các sự kiện có sẵn kịch bản.

Sau lần thử nghiệm đầu tiên thành công trong buổi diễn vở Le Comte Ory của nhà soạn nhạc lừng danh Rossini tại Auckland, New Zealand , giờ đây công nghệ này sẽ trở thành một lựa chọn lâu dài cho các buổi biểu diễn tại nhà hát New Zealand Opera.

 Paul Brown, một người khiếm thị hâm mộ opera và là đồng giám đốc của công ty Audio Description Aotearoa, công ty đã hỗ trợ Cohen về công nghệ mới này cũng đã tham gia thử nghiệm vào tuần trước. Ông cho biết công nghệ này đã “thay đổi cuộc sống”.  “Chúng tôi có thể hiểu được phụ đề mà toàn bộ khán giả đang nhìn thấy”, ông chia sẻ.

Theo ông, tiềm năng của công nghệ này rất thú vị: “Những người đam mê chữ nổi trên khắp thế giới đang thực sự quan tâm về việc ứng dụng này có thể được sử dụng vào mục đích gì và nó có thể mở ra rất nhiều điều trong thế giới của những người khiếm thị”.

Theo The Guardian

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc