CBS chính thức “khép màn” The Late Show with Stephen Colbert:

Một “cú sốc” cho truyền thông đêm khuya Mỹ

NGHIÊM HÙNG

VHO - Ngày 17.7, CBS gây chấn động giới truyền thông khi chính thức thông báo sẽ kết thúc chương trình “The Late Show with Stephen Colbert” vào tháng 5.2026, khép lại một chặng đường kéo dài hàng thập kỷ của chương trình trò chuyện đêm khuya đình đám bậc nhất nước Mỹ.

Một “cú sốc” cho truyền thông đêm khuya Mỹ - ảnh 1
“The Late Show with Stephen Colbert”, chương trình truyền hình đình đám của Mỹ sẽ kết thúc vào tháng 5.2026

Đây không chỉ là cái kết cho một chương trình giải trí, mà còn là sự chấm dứt của một biểu tượng truyền thông, vốn gắn liền với đời sống chính trị, xã hội Mỹ trong suốt một thập kỷ đầy biến động.

Khi “The Late Show” là nhịp đập của nước Mỹ

Stephen Colbert tiếp quản “The Late Show” từ David Letterman vào năm 2015. Không giống như người tiền nhiệm, Colbert biến sân khấu tại Nhà hát Ed Sullivan (New York) thành một diễn đàn châm biếm chính trị sắc bén, nhất là trong thời kỳ Donald Trump cầm quyền.

Colbert không chỉ mời các nghệ sĩ giải trí đến trò chuyện mà còn đều đặn đưa các chính trị gia lên sóng, trực diện bàn luận về những vấn đề nóng bỏng nhất nước Mỹ. Những khách mời gần đây như Thượng nghị sĩ Adam Schiff hay Elizabeth Warren, đều là những nhân vật chính trị có sức ảnh hưởng lớn.

Điều này khiến “The Late Show” không đơn thuần là một chương trình giải trí, mà trở thành một phần của bức tranh chính luận Mỹ đương đại, nơi công chúng tìm đến để được giải trí nhưng cũng để được nghe những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với quyền lực.

Đằng sau quyết định “hạ màn”

Thông báo chấm dứt chương trình được CBS đưa ra chỉ vài ngày sau khi Colbert công khai chỉ trích thỏa thuận trị giá 16 triệu USD giữa Paramount Global (công ty mẹ của CBS) và cựu Tổng thống Donald Trump, liên quan đến việc dàn xếp tranh chấp pháp lý xung quanh chương trình “60 Minutes”.

Colbert gọi thỏa thuận này là “một khoản hối lộ khổng lồ”, công khai bày tỏ sự thất vọng về công ty chủ quản ngay trên sóng truyền hình quốc gia.

Câu nói gây chấn động của ông: “Tôi không biết liệu có điều gì có thể khôi phục niềm tin của tôi vào công ty này hay không. Nhưng thử nghĩ mà xem, tôi cho rằng 16 triệu đô la sẽ giúp ích”.

Ngay lập tức, câu chuyện không còn là một vấn đề nội bộ của CBS, mà trở thành chủ đề tranh luận quốc gia.

CBS khẳng định việc dừng chương trình chỉ là một quyết định tài chính, không liên quan đến nội dung hay áp lực chính trị. Nhưng nhiều ý kiến hoài nghi về tính trung thực của lời giải thích này, nhất là khi Colbert chính là “cái gai” lâu năm trong mắt ông Trump và nhiều thế lực bảo thủ.

Thượng nghị sĩ Adam Schiff nhấn mạnh: “Nếu Paramount và CBS chấm dứt chương trình vì lý do chính trị, công chúng xứng đáng được biết”.

Hiệu ứng truyền thông: Sự mất mát không chỉ là một chương trình

“The Late Show” thời Colbert không đơn giản là một chương trình talk show. Nó là một phần trong “cấu trúc dư luận Mỹ”, là chiếc gương phản chiếu và đôi khi là ngọn đuốc soi chiếu thực tại.

Trong bối cảnh các nền tảng streaming như: YouTube, Netflix hay TikTok bùng nổ, khán giả trẻ Mỹ dần rời bỏ truyền hình truyền thống. Nhưng riêng Colbert, ông vẫn giữ vững vị thế khi liên tục dẫn đầu về lượng người xem đêm khuya.

Theo Nielsen, năm nay chương trình đã thu hút trung bình 2,417 triệu lượt xem mỗi đêm, đứng đầu khung giờ phát sóng đêm khuya ở Mỹ. Chương trình cũng vừa nhận đề cử Emmy lần thứ sáu và từng giành Giải Peabody năm 2021, một trong những giải thưởng danh giá nhất cho các tác phẩm truyền thông có giá trị nhân văn.

Thế nhưng, chính sự thẳng thắn và châm biếm không khoan nhượng của Colbert đối với các thế lực chính trị bảo thủ, đặc biệt là ông Trump, khiến ông trở thành một nhân vật gây chia rẽ trong bối cảnh truyền thông Mỹ đang đối mặt với áp lực tài chính và sự tái cấu trúc quyền lực sau hậu trường.

Bill Carter, tác giả cuốn “The Late Shift”, một trong những tài liệu kinh điển về truyền hình đêm khuya Mỹ nhận định: “Những chỉ trích không ngừng nghỉ của Colbert đối với Trump, cùng sự phản đối thẳng thắn với các thỏa thuận kinh tế của Paramount, rõ ràng là không thể phớt lờ. Nếu CBS nghĩ rằng khán giả sẽ chấp nhận chuyện này như một sự tình cờ, thì họ thực sự đang sống trong ảo tưởng.”

Truyền hình đêm khuya: Một “đế chế” đang lung lay

Không chỉ riêng CBS, toàn bộ ngành công nghiệp talk show đêm khuya Mỹ đang chịu áp lực.

NBC đã cắt giảm chi phí bằng cách loại bỏ ban nhạc khỏi chương trình của Seth Meyers và cắt bớt lịch phát sóng của Jimmy Fallon. CBS cũng mới hủy luôn chương trình “After Midnight” chỉ sau một mùa phát sóng.

Sự dịch chuyển thói quen xem của khán giả, từ truyền hình sang nền tảng số đang khiến các chương trình đêm khuya, vốn từng là “con gà đẻ trứng vàng” cho các đài lớn, ngày càng khó kiếm tiền.

Việc chấm dứt “The Late Show with Stephen Colbert” không chỉ là câu chuyện riêng của một nghệ sĩ hay một chương trình, mà là dấu hiệu của một kỷ nguyên truyền thông đang đi đến hồi kết.

Stephen Colbert từng nói trong buổi thông báo với khán giả: “Tôi không bị thay thế. Tất cả những điều này rồi sẽ qua đi.”

Nhưng với công chúng Mỹ, việc “The Late Show” kết thúc là một nốt trầm không dễ qua đi, bởi nó đánh dấu sự rút lui của một tiếng nói phản biện mạnh mẽ, trong khi truyền thông chính thống Mỹ ngày càng chịu sự chi phối của các tập đoàn và những thương vụ hậu trường khó lường.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc