Lực cản trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19

VHO- Trong khi các chuyên gia, nhà khoa học và giới chức các nước đang nỗ lực “chạy đua” để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vì Covid-19, thì số lượng thông tin giả mạo, sai lệch về vắcxin, cũng như các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng gia tăng đáng lo ngại trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu thêm nhiều thách thức.

Lực cản trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 - Anh 1

 Vấn nạn tin giả về Covid-19 khiến đại dịch bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia Ảnh: REUTERS

 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và vắcxin phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn. Trưởng ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove chỉ ra, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng. Đặc biệt, các thông tin sai lệch về vắcxin ngừa Covid-19 đã khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm chủng, làm tăng số ca mắc mới tại hầu khắp các quốc gia, khu vực.

Tại Mỹ, những thông tin sai lệch về vắcxin đã khiến mục tiêu tiêm chủng của nước này không đạt như kế hoạch đặt ra. Những thuyết âm mưu về vắcxin hay các thông tin đồn thổi về nguy cơ của vắcxin đã xuất hiện và được lan truyền mạnh mẽ, khiến nhiều người chưa tiêm chủng lo ngại việc tiêm vắcxin ngừa Covid-19 có thể đe dọa tính mạng cao hơn chính việc mắc căn bệnh này. Mặc dù, giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo, “Covid-19 đang là đại dịch với những người chưa tiêm chủng” và số ca mắc mới đang gia tăng đột biến tại các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp của nước này, thế nhưng tiến độ tiêm vắcxin tại Mỹ vẫn rất chậm. Bên cạnh thông tin sai lệch về vắcxin, nhiều thông tin về thuốc điều trị Covid-19 tại nước này cũng bị “biến dạng”. Mới đây Cơ quan Y tế bang Mississippi đã phải đưa ra những khuyến cáo với người dân không làm theo những lời đồn về việc sử dụng thuốc Invermectin, loại thuốc trị ký sinh trùng của gia súc để điều trị Covid-19.

Trong khi đó, tại Nga, nhiều thông tin sai lệch, thậm chí là bịa đặt và xuyên tạc như “vắcxin là sản phẩm chống lại con người” được xem như một trong những nguyên nhân khiến người dân nước này không tích cực đi tiêm chủng. Cũng vì thế, dù Nga là nước đầu tiên cấp phép vắcxin ngừa Covid-19 và tự sản xuất được rất nhiều loại vắcxin, nhưng đến nay tỉ lệ bao phủ vắcxin của Nga vẫn chưa đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và nước này vẫn là một trong những “điểm nóng” về Covid-19 trên thế giới. Còn tại Nhật Bản, những thông tin sai lệch về vắcxin ngừa Covid-19 trên mạng xã hội cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của chính phủ nước này nhằm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vào tháng 11 năm nay. Những thông tin bịa đặt như “tiêm chủng gây vô sinh” và “vắcxin ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA làm thay đổi ADN của bạn” được lan truyền rộng rãi trên Internet, đã khiến một bộ phận người dân e ngại tiêm phòng. Thậm chí, ngay cả tại những vùng tâm dịch của thế giới như Indonesia, nhiều người dân cũng “từ chối” tiêm chủng vì cho rằng việc tiêm vắcxin có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn hoặc tử vong.

Trước những tác động tiêu cực của vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19, giới chức các quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay để trấn át, đồng thời kêu gọi các nền tảng mạng xã hội hành động chống lại các tài khoản tuyên truyền không chính xác về cuộc chiến chống Covid-19. Đáp lại, Facebook - công ty sở hữu mạng xã hội cùng tên lớn nhất thế giới mới đây thông báo, hãng này đã chặn đứng một chiến dịch phát tán thông tin sai lệch, với thủ đoạn lừa những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ủng hộ hoặc lan truyền những thông tin “tẩy chay” vắcxin ngừa Covid-19. Ông Ben Nimmo, người đứng đầu bộ phận giám sát mối đe dọa toàn cầu của Facebook nhấn mạnh, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo trước loạt thông tin sai lệch về vắcxin và biết chọn lọc thông tin chính thống.

Rõ ràng, bên cạnh cuộc chiến đẩy lùi Covid-19, thì cuộc chiến chống lại vấn nạn tin giả về đại dịch cũng là thách thức không nhỏ mà thế giới đang phải đối mặt. Khi những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vắcxin hay các giải pháp ứng phó với Covid-19 còn được phát tán, tạo điều kiện cho các biến thể của virus SARS- CoV-2 tiếp tục lây lan, thì nguy cơ “đại dịch còn lâu mới kết thúc” là khó tránh khỏi. Và cùng với nỗ lực kiểm soát của giới chức các nước, thì sự cảnh giác chọn lọc thông tin và kiên quyết “nói không” với tin giả của người dân sẽ góp phần quan trọng vào của cuộc chiến xóa sổ thông tin sai lệch về Covid-19. 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc