Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu

NGHIÊM THANH

VHO - Cuối tuần vừa qua, mưa lớn xảy ra ở Trung và Đông Âu, có nơi ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua đã gây lũ lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, theo Reuters.

Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu - ảnh 1
Nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ tại Cộng hòa Séc ngày 15.9. Ảnh: Reuters

Một áp thấp di chuyển chậm được gọi là bão Boris đã đổ lượng mưa tương đương lượng mưa trong một tháng xuống một số thủ đô của châu Âu, bao gồm Vienna, Bratislava và Prague. Tình hình dự đoán sẽ tiếp tục phức tạp với mưa và gió mạnh cho đến đầu tuần này.

Hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại, cầu bị cuốn trôi và ít nhất 250.000 hộ gia đình - chủ yếu ở Cộng hòa Séc  bị ảnh hưởng do mất điện.

Tại Romania, thêm 2 người được xác nhận chết vì lũ lụt vào ngày 15.9, sau khi có 4 người được xác nhận chết ngày 14.9. “Những tác động nghiêm trọng nhất xảy ra ở 7 địa phương” - Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu chia sẻ. Khoảng 5.400 ngôi nhà ở khu vực đông nam Galati, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt đã bị hư hại. Công tác cứu hộ đã được triển khai tại những nơi chịu ảnh hưởng nặng, một số nơi có lượng mưa đạt 160 lít/m². Các nhà chức trách Romania cho biết đã ghi nhận lượng mưa trong 24 giờ ở mức cao nhất trong 100 năm.

Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu - ảnh 2
Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Âu - ảnh 3
Người dân đang sơ tán người ra khỏi dòng nước lũ ở Romania ngày 14.9. Ảnh: Reuters

Tại Lower Austria, Áo, chính quyền tuyên bố khu vực này là vùng thảm họa và cảnh báo không nên đi lại nếu không cần thiết.

Tại Ba Lan ngày 15.9, một người chết đuối ở hạt Klodzko và chính quyền khuyến cáo người dân Moszczanka và Laka Prudnicka sơ tán do có nguy cơ vỡ đập. Một cây cầu bị sập ở thị trấn lịch sử Glucholazy của Ba Lan gần biên giới Séc và các quan chức địa phương đã ra lệnh sơ tán sớm vào ngày 15.9. Truyền thông địa phương cho biết một cây cầu khác cũng đã bị sập ở thị trấn miền núi Stronie Slaskie, nơi một con đập bị vỡ. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết trên nền tảng X rằng, chính phủ sẽ công bố tình trạng thảm họa và kêu gọi viện trợ từ Liên minh châu Âu.

Tại thủ đô Budapest của Hungary, các quan chức đã nâng dự báo mực nước sông Danube trong nửa cuối tuần này lên hơn 8,5m, gần mức kỷ lục 8,91m ghi nhận vào năm 2013.

Các chuyên gia trước đó so sánh dự báo lũ cuối tuần qua tại châu Âu tương đương trận lũ lụt tàn khốc tại khu vực này năm 1997 - khiến hơn 100 người chết, còn được nhiều người gọi là "cơn lũ thế kỷ".

Mưa lớn đang xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới, một phần do biến đổi khí hậu. Nóng lên toàn cầu khiến bầu không khí ấm và giữ nhiều ẩm hơn, qua đó gây mưa lớn hơn.