Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ là Di sản Thế giới thứ 60 của Trung Quốc
VHO - Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ (thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc) vừa được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, nâng tổng số di sản thế giới của Trung Quốc lên 60.

Từ giữa vùng đất khô cằn của Ninh Hạ, dưới chân núi Hạ Lan trùng điệp, những “kim tự tháp phương Đông” lặng lẽ “đứng gác” cho ký ức về một triều đại đã từng rực rỡ rồi chìm vào quá vãng.
Giờ đây, với việc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ không chỉ đánh dấu sự ghi nhận quốc tế đối với giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc của Trung Quốc, mà còn góp phần nhấn mạnh thông điệp về một nền văn minh đa sắc tộc, giao thoa nhưng không hòa tan, từng tồn tại trên mảnh đất này.
Ngày 11.7 vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tại Paris, Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới.
Đây là di tích thứ 60 của Trung Quốc có mặt trong danh sách, nối dài hành trình bảo tồn những “viên ngọc ký ức” trên bản đồ văn hóa thế giới.
Việc vinh danh Tây Hạ không phải là câu chuyện về khảo cổ hay lịch sử. Đó còn là thông điệp về sự kế thừa, về việc trân trọng những giá trị giao thoa văn hóa đã góp phần hình thành nên bản sắc của một quốc gia đa dân tộc.
Xa hơn, đây là cam kết của Trung Quốc trong việc thực hiện Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, một đề xuất mang tầm chiến lược quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững thông qua di sản và đối thoại giữa các nền văn hóa.

“Kim tự tháp phương Đông” và dấu tích của triều đại Tây Hạ
Nằm tại vùng Ngân Xuyên, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ là di tích lăng tẩm hoàng gia lớn nhất, bảo tồn tốt nhất và có giá trị nhất của triều đại Tây Hạ (1038-1227).
Triều đại này do người Đảng Hạng gây dựng, từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tây bắc Trung Hoa thời trung cổ.
Toàn bộ quần thể gồm 9 lăng mộ hoàng đế cùng 271 mộ bồi táng, 32 di tích công trình chống lũ và các công trình kiến trúc khác kết hợp với thế núi Hạ Lan trùng điệp, hùng vĩ, tạo thành cảnh quan lăng mộ kỳ vĩ và tráng lệ.
Những ngôi mộ chính có kiến trúc hình tháp đất độc đáo, đỉnh nhọn vươn lên như những búp sen khổng lồ bằng đất sét, tạo hình tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và đất, một triết lý mang đậm dấu ấn tư duy tôn giáo thời Tây Hạ.
Chính vì hình dáng đó, các nhà nghiên cứu gọi đây là “Kim tự tháp phương Đông”.
Quần thể này là minh chứng cho sự phát triển độc lập của nền văn minh Tây Hạ - với hệ thống chữ viết riêng, kiến trúc riêng, đồng tiền riêng và cả một tôn giáo bản địa được phát triển dựa trên nền Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng bản địa.
Các lăng mộ Tây Hạ cũng cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhiều nền văn hóa: Từ Trung Nguyên, Tây Vực, Tây Tạng cho đến các tộc người du mục phương Bắc.
Nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, Tây Hạ đã trở thành một nền văn minh đa văn hóa mô phỏng theo truyền thống Trung Hoa, với Phật giáo là cốt lõi. Di sản này phản ánh di sản tôn giáo và chính trị xã hội của triều đại.

Giao thoa văn hóa, cội nguồn của sức mạnh bền bỉ
Ông Rao Quan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc nhận định: “Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ không chỉ là di tích lịch sử của một triều đại đã mất, mà là bằng chứng sống động về sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa khác nhau trong quá trình hình thành quốc gia đa dân tộc Trung Hoa ngày nay”.
Đây chính là giá trị nổi bật khiến quần thể Tây Hạ trở nên khác biệt so với các lăng tẩm khác tại Trung Quốc, vốn chủ yếu mang phong cách Hán tộc truyền thống. Tây Hạ là nơi kết tinh của các yếu tố bản địa, giao thương quốc tế, tôn giáo và sự dung hòa giữa các sắc thái văn hóa trong một không gian biên viễn đặc trưng.
Bước đi chiến lược trong Sáng kiến Văn minh Toàn cầu
Việc Tây Hạ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới là sự kiện văn hóa quan trọng và là bước đi có tính chiến lược của Trung Quốc trong việc triển khai Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.
Sáng kiến này đề cao vai trò của di sản như một nền tảng để các quốc gia học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại văn hóa và cùng nhau gìn giữ giá trị chung của nhân loại.
“Năm nay đánh dấu 40 năm Trung Quốc gia nhập Công ước Di sản Thế giới. Chúng tôi cam kết tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, nghiên cứu và giới thiệu những giá trị di sản đến với thế giới”, ông Rao nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đề cử thêm các di sản khác vào danh sách Di sản Thế giới, trong đó có nhiều địa danh chưa được quốc tế biết đến rộng rãi.

Bảo tồn di sản: Không chỉ giữ lại quá khứ mà còn là đầu tư cho tương lai
Đối với Trung Quốc, bảo tồn di sản không chỉ là giữ lại các vết tích của quá khứ mà còn là quá trình kiến tạo giá trị cho tương lai.
Với Tây Hạ, điều này càng rõ nét khi Trung Quốc đang triển khai các dự án nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn, xây dựng hệ thống bảo tàng mở, cải tiến phương pháp diễn giải để đưa các giá trị văn hóa tiếp cận gần hơn với công chúng và khách du lịch quốc tế.
Quần thể Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ đang dần trở thành điểm đến không chỉ dành cho giới nghiên cứu, mà còn là một điểm nhấn trong hành trình khám phá các di sản thế giới tại Trung Quốc, bên cạnh Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung Bắc Kinh hay Lăng mộ Minh.
Trong nhịp điệu phát triển hiện đại hóa, việc một nền văn minh bị vùi lấp hàng thế kỷ như Tây Hạ được “đánh thức” và ghi danh mang ý nghĩa đặc biệt.
Đó là lời nhắc nhở nhân loại về sự đa dạng của lịch sử, về sự cần thiết phải giữ gìn ký ức tập thể của loài người, nơi mỗi nền văn hóa, dù đã lụi tàn hay còn hiện diện, đều góp phần làm nên sự vĩ đại của văn minh thế giới.