Núi Kumgang của Triều Tiên được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới
VHO - Trong phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, UNESCO đã chính thức ghi danh núi Kumgang (hay còn gọi là Kim Cương) của Triều Tiên vào danh mục Di sản Thế giới.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu một cột mốc mới trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên của Triều Tiên, mà còn khơi lại mạch nguồn ký ức về một ngọn núi linh thiêng đã sống trong tâm thức người dân hai miền suốt hàng thế kỷ.
Ngọn núi của thi ca, mỹ thuật và linh hồn dân tộc
Đối với người dân Triều Tiên và Hàn Quốc, núi Kumgang (Geumgang theo tiếng Hàn) không đơn thuần là một danh thắng. Đó là biểu tượng văn hóa, là linh sơn, nơi hội tụ vẻ đẹp của trời đất và tinh thần dân tộc.
Ngọn núi này đã làm say đắm bao thế hệ thi nhân, họa sĩ và những người hành hương.
Vẻ đẹp kỳ vĩ của nó từng được “bất tử hóa” trong bức họa trứ danh “Toàn cảnh núi Geumgangsan” của họa sĩ Jeong Seon thời Joseon vào thế kỷ XVIII - một tác phẩm không chỉ định hình sự nghiệp của danh họa mà còn trở thành biểu tượng trong dòng tranh sơn thủy truyền thống Hàn Quốc.
Dưới góc nhìn của các nhà văn hóa, Kumgang là ngọn núi có “nét đẹp bốn mùa”, mang trong mình sự chuyển hóa kỳ diệu của thiên nhiên.
Mùa xuân, hoa nở trắng núi. Mùa hè, mây cuộn dưới thung lũng, cây rừng xanh thẫm. Mùa thu, lá phong nhuộm đỏ đỉnh non và mùa đông, tuyết phủ trắng phau, phản chiếu ánh mặt trời như hàng ngàn viên kim cương lấp lánh. Chính từ hình ảnh đó mà núi có tên gọi là Geumgang, nghĩa là “Kim Cương”.
Một bảo tàng thiên nhiên sống động
Núi Kumgang không chỉ được biết đến với cảnh quan đẹp như tranh vẽ mà còn là kho tàng sinh thái quý giá. Đây là nơi cư ngụ của nhiều loài động, thực vật đặc hữu; hệ sinh thái ở đây mang tính độc lập và giàu tính đa dạng, đặc biệt là những loài chỉ có thể tìm thấy ở vùng núi này.
Thảm thực vật phong phú xen lẫn với những khối đá hoa cương kỳ vĩ tạo nên bức tranh thiên nhiên ngoạn mục. Những khối đá lớn dựng đứng thành hàng như thể được bàn tay thần linh sắp đặt, những khe núi sâu hút mắt mang đến cảm giác thiêng liêng tĩnh mịch, đưa du khách lạc vào một thế giới tách biệt với đời thường.
Đỉnh Birobong, với độ cao 1.638 mét, là điểm cao nhất của toàn bộ dãy Kim Cương. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra bốn phương, chiêm ngưỡng các đỉnh núi nhấp nhô nối nhau bất tận, soi bóng trên làn nước biển phía Đông, tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động, mờ ảo.
Những di sản văn hóa gắn liền với Phật giáo và lịch sử
Không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp tự nhiên, núi Kim Cương còn là vùng đất thấm đẫm tinh thần Phật giáo với những ngôi chùa cổ kính, những bức tượng Phật khắc vào đá núi, các ẩn thất thiền sư ẩn mình giữa chốn non cao.
Chùa Kwanum, chùa Phyohun, tượng Phật Myogil-sang và khu Podok là những minh chứng sống động cho dòng chảy văn hóa Phật giáo trên bán đảo Triều Tiên từ hàng ngàn năm trước.
Ở khu vực Ngoại Kim Cương (Oekumgang), nơi mở cửa cho du khách, là những cung đường leo núi huyền thoại như Kuryongyon, Manmulsang, Samilpo, cùng với thác Kuryong, nơi chín dòng thác đổ xuống từ độ cao 70 mét như chín con rồng đang vờn nước.
Truyền thuyết kể rằng, dưới chân thác có một đầm sâu gọi là đầm Cửu Long, nơi từng là nơi trú ngụ của chín con rồng linh thiêng.
Trong khi đó, Nội Kim Cương (Naekumgang) lại nổi bật với những di tích tôn giáo và các cấu trúc đá tự nhiên hình thành từ hàng triệu năm trước. Khu vực Haekumgang, vốn từng là đáy biển trước khi địa tầng nâng lên, mang lại cho nơi đây những biển hồ nhỏ và các trụ đá kỳ thú hiếm gặp.

Ký ức chia cắt và hy vọng hàn gắn
Vị trí địa lý đặc biệt của núi Kim Cương, nằm sát đường ranh giới giữa hai miền Nam Bắc cũng khiến nơi đây trở thành một biểu tượng cho khát vọng đoàn tụ của người Triều Tiên.
Kể từ sau Hiệp định đình chiến năm 1953, khu vực này từng nhiều lần là nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ xúc động giữa những gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh. Những giọt nước mắt đoàn tụ dưới chân núi Kim Cương đã trở thành hình ảnh đau đáu trong lịch sử bán đảo.
Di sản thế giới thứ ba của Triều Tiên
Với việc được UNESCO công nhận, núi Kim Cương chính thức trở thành Di sản Thế giới thứ ba của Triều Tiên, sau Quần thể lăng mộ của triều đại Goguryeo và các di tích lịch sử Kaesong - cố đô của vương quốc Goryeo (năm 918-1392)
Việc ghi danh này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của núi Kim Cương mà còn mở ra cơ hội để thế giới hiểu hơn về những di sản ít được biết đến tại Triều Tiên.
Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở nhân loại về tầm quan trọng của việc bảo tồn những cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh hiện đại hóa và biến đổi khí hậu.