Indonesia ngăn TikTok giao dịch thương mại điện tử

VHO- Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vừa thông báo về việc nước này đã ban hành lệnh cấm giao dịch hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội. Quy định này được đưa ra sau khi các nền tảng thương mại xã hội, như TikTok Shop, được cho là đang gây tổn hại lớn cho hoạt động sản xuất và bán hàng của các thị trường truyền thống.

Indonesia ngăn TikTok giao dịch thương mại điện tử - Anh 1

 Một người bán hàng thông qua tính năng phát trực tiếp trên TikTok ở Yogyakarta (Indonesia) Ảnh: XINHUA

Theo quy định này, doanh nghiệp trên mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram sẽ không thể hoạt động giao dịch và thanh toán trực tiếp mà chỉ có thể được phép quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ; đồng thời điều chỉnh công bằng thương mại giữa trực tuyến và trực tiếp. Nếu phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia sẽ đưa ra cảnh báo trước khi đóng cửa nền tảng.

Bộ trưởng Hasan cho biết, các nền tảng thương mại trên mạng xã hội sẽ có một tuần để tuân thủ quy định mới. Bởi ông cho rằng, giống như truyền hình, mạng xã hội hoặc các nền tảng truyền thông kỹ thuật số khác chỉ có thể là nơi quảng bá sản phẩm, không phải là nền tảng cho các giao dịch. Ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia cho biết, TikTok chỉ nên là một phương tiện truyền thông xã hội (nền tảng) chứ không phải là phương tiện để tiến hành hoạt động kinh doanh.

Chính sách này nhằm giúp 64,2 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia (đóng góp 61% tổng sản phẩm quốc nội) tránh khỏi bị các công ty thương mại xã hội vắt kiệt. Bên cạnh đó, trong quy định mới, chính phủ cũng tách biệt nghiêm ngặt các nền tảng &quot - thương mại xã hội (mua bán trên các trang mạng xã hội) và &quot - truyền thông xã hội để ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích kinh doanh. Đồng thời cũng quy định rõ danh mục hàng hóa bán hoặc hàng hóa được phép nhập khẩu.

Hiện tại, TikTok là công ty truyền thông xã hội duy nhất cho phép giao dịch thương mại điện tử trực tiếp trên nền tảng của mình. Indonesia chính là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop. Mua sắm trực tuyến trở thành tính năng phát triển nhanh nhất của ứng dụng với lượng người dùng ngày một tăng. TikTok đang đặt cược vào Indonesia để qua đó mở rộng sang các thị trường mua sắm trực tuyến khác, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, với quy định mới này, Indonesia sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ngăn TikTok thực hiện giao dịch thương mại điện tử.

Trước đó, nhiều quan chức Indonesia cũng bày tỏ phản đối đối với TikTok Shop - một nền tảng thương mại xã hội, đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương. Trong một cuộc khảo sát tìm hiểu về tình hình buôn bán tại chợ Tanah Abang của Jakarta, các thương nhân cho biết, đã bị giảm hơn 50% lợi nhuận vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu được bán với giá thấp hơn nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Bộ trưởng Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) Indonesia, Teten Masduki cho rằng, TikTok Shop đã phá vỡ thị trường nội địa. “TikTok đang tạo ra “cơn sóng thần” tấn công vào các mặt hàng do Indonesia sản xuất khi ồ ạt đưa các sản phẩm nhập khẩu với giá thấp bất thường, thấp hơn giá thành sản xuất hàng nội địa. Điều này đã ảnh hưởng đến các MSME địa phương trở nên kém cạnh tranh hơn”, ông Teten Masduki bày tỏ quan ngại.

Trước động thái này của Indonesia, đại diện phía TikTok tại Indonesia cho biết, thương mại xã hội ra đời để giải quyết “vấn đề trong thế giới thực” cho những người bán hàng nhỏ truyền thống ở địa phương bằng cách kết nối họ với những người sáng tạo địa phương - những người có thể giúp tăng lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến của người kinh doanh. Vì thế, phía TikTok kêu gọi Chính phủ Indonesia cần “tạo ra một sân chơi bình đẳng”.

Bà Anggini Setiawan, người đứng đầu bộ phận truyền thông của TikTok ở Indonesia cho rằng, việc buộc phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử tách thành các nền tảng khác nhau sẽ không chỉ cản trở sự đổi mới mà còn gây bất lợi cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng Indonesia. Người đứng đầu nhóm Insights của công ty tư vấn Momentum Works (Indonesia), bà Weihan Chen cũng cho rằng, lệnh cấm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến TikTok, vì Indonesia là thị trường lớn nhất của TikTok và lớn thứ hai của TikTok Shop về số lượng người dùng. Đồng thời, lệnh cấm mua bán trên mạng xã hội có thể loại bỏ tất cả lợi ích mà nền tảng mạng xã hội mang lại. Điều này chắc chắn tạo ra rào cản gia nhập cao hơn nhiều đối với các tiểu thương; gây cản trở hoặc làm chậm quá trình tăng trưởng khởi nghiệp về lâu dài.

Trong khi đó, AFP nhận định, quy định mới này sẽ thêm một trở ngại nữa cho TikTok, vốn đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở Mỹ các quốc gia khác trong những tháng gần đây liên quan đến vấn đề bảo mật dữ liệu của người dùng. 

 HOÀNG MINH

Ý kiến bạn đọc