Hồi chuông cảnh báo về nạn bắt nạt trực tuyến

CHI MAI

VHO - Tháng trước, nữ diễn viên Kim Sae Ron tự tử sau những bình luận ác ý, cho thấy nạn bạo lực mạng ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc. Đây là hồi chuông cảnh báo về nạn bắt nạt trực tuyến phải dừng lại.

 Hồi chuông cảnh báo về nạn bắt nạt trực tuyến - ảnh 1
Nạn bạo lực mạng ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc. Ảnh: ALLKPOP

 Ở Hàn Quốc, những người nổi tiếng đã trở thành mục tiêu của nạn bắt nạt trên mạng. Bất kỳ người nổi tiếng nào làm một điều gì trái với chuẩn mực xã hội, đều có thể phải đối mặt với sự chỉ trích bất cứ lúc nào.

Chỉ cần một vài cú nhấp chuột trên bàn phím là toàn bộ sự nghiệp của người nổi tiếng và thường là cả sức khỏe của họ, có thể bị đe dọa. Những ngôi sao được yêu thích nhất của Hàn Quốc liên tục bị soi mói, không có gì ngạc nhiên khi họ thường xuyên trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng hoặc chỉ trích trực tuyến.

Một ví dụ bi thảm về tác động có hại của nạn quấy rối trực tuyến gần đây nhất là Kim Sae Ron. Cô là một diễn viên nhí thành công của Hàn Quốc, nhưng sau bê bối lái xe trong tình trạng say rượu vào năm 2023, cô đã trở thành chủ đề trên mạng xã hội, nhận nhiều chỉ trích và bình luận gay gắt. Nữ diễn viên đã tìm đến cái chết vào giữa tháng 2.2025.

Trường hợp khác là Kim In Hyeok, một cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp của Hàn Quốc đã tự tử tại nhà riêng ở Suwon vào ngày 4.2.2022. Trong hầu hết sự nghiệp chuyên nghiệp của mình, Kim đã phải chịu một loạt những bình luận xúc phạm về ngoại hình, cũng như những tin đồn về giới tính của anh.

Trong bài đăng vào tháng 8.2021, Kim In Hyeok đã phải tự biện minh, đưa ra lời giải thích liên quan đến cuộc sống cá nhân của mình và cầu xin những bình luận thù hận trực tuyến hãy dừng lại.

“Tất cả những hiểu lầm này tôi đã bỏ qua trong mười năm qua. Tôi nghĩ rằng bỏ qua chúng sẽ là tốt nhất, nhưng giờ tôi đã mệt mỏi. Không ai trong số các bạn từng nhìn thấy tôi ở cự ly gần và các bạn không biết gì về tôi, nhưng các bạn liên tục bắt nạt tôi bằng những bình luận ác ý của mình. Làm ơn hãy dừng lại. Tôi rất mệt mỏi với chúng”, ngôi sao này viết.

Trong khi đó Sulli, ca sĩ kiêm diễn viên người Hàn Quốc đã tự tử vào năm 2019, cũng là một nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng. Cô đã bị các “chiến binh bàn phím” nhắm mục tiêu công khai, nhiều người trong số họ chỉ trích hành động của cô là cực đoan, từ trang phục đến những bức ảnh cô chia sẻ trực tuyến.

Theo những người bạn thân của cô, những bình luận ác ý trực tuyến mà cô nhận được, đã khiến cô chán nản đến mức không thể quay lại. Năm 2008, nữ diễn viên Choi Jin Sil tự tử sau những bình luận thù ghét xung quanh cáo buộc cô cho vay nặng lãi. Năm 2019, thần tượng K-pop Goo Hara cũng ra đi theo cách tương tự sau khi bị bạn trai cũ hành hung và dọa tung “video đen”.

Những vụ tự tử của người nổi tiếng sau khi bị bạo lực mạng, thường thúc đẩy người dân toàn quốc gửi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh để kêu gọi thay đổi, nhưng tới nay chưa có hành động nào đáng kể.

Trong khi đó, Hàn Quốc là nước nổi tiếng có mức độ áp lực và cạnh tranh xã hội cao, ghi nhận tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước phát triển. “Các nạn nhân bị bạo lực mạng cảm thấy không còn lối thoát nào sau khi hình ảnh bị hủy hoại. Họ nghĩ rằng xã hội không thể dung thứ cho sự tồn tại của họ”, Raphael Rashid, nhà báo tự do kiêm bình luận viên tại Hàn Quốc cho biết.

Nhà hoạt động Kim cũng bày tỏ cảm giác “bị cả thế giới quay lưng”, khiến cô từng nảy sinh ý định tự tử. Theo cô, những vụ tự tử tiếp theo là điều không thể tránh khỏi, trừ khi luật pháp và cơ quan công tố quyết tâm xử lý các vụ bạo lực mạng. “Còn bây giờ, bạo lực mạng chỉ dừng lại khi nạn nhân chết”, Kim nói.

Vào năm 2019, các nhà lập pháp của Hàn Quốc đã ủng hộ việc ban hành một luật mới sẽ bắt buộc giáo dục về nạn bắt nạt trên mạng trong tất cả các trường học.

Tuy nhiên, những thay đổi do chính quyền đưa ra sẽ chỉ có ý nghĩa nếu xã hội nhận ra mức độ nghiêm trọng của hoạt động trực tuyến độc hại như thế nào và khuyến khích mọi người kiềm chế không đăng các bình luận gây tổn thương.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc