Confession trường học: Ẩn họa từ những “ổ bắt nạt” trực tuyến
VHO- Sắp vào năm học chính thức, các trang confession (giãi bày tâm sự, thú tội) ở các trường THCS, THPT hay đại học lại bước vào mùa hoạt động sôi động. Tuy nhiên, không ít lần đội ngũ quản trị viên của các fanpage này để “lọt lưới” thông tin tiêu cực, biến trang thành nơi để bóc phốt nhau. Thậm chí, một số confession còn chia sẻ những câu chuyện, drama bịa đặt, gây tác hại khôn lường…
Một trong những trang confession “biến tướng” đăng tải nhiều nội dung nhạy cảm, tiêu cực
Mạng ảo, hậu quả thật
Cách đây không lâu, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lê Tấn Tài mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính”. Cùng với đó, Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Lê Tấn Tài hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm vai trò quản trị, điều hành website, trang mạng xã hội trong thời gian 3 năm” kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính…
Theo cáo trạng, khoảng 0h30 phút ngày 11.1.2023, mặc dù không biết nội dung vụ việc, chưa kiểm chứng nhưng Nguyễn Lê Tấn Tài đã sử dụng máy tính xách tay của mình trực tiếp duyệt, chỉnh sửa bài viết do một người không rõ lai lịch gửi đến; có nội dung bịa đặt, sai sự thật rằng tại Trường Quân sự Quân khu 7 xảy ra vụ hiếp dâm nữ sinh viên học Giáo dục quốc phòng - an ninh vào lúc 22h30 phút ngày 10.1.2023 tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh và nhiều vụ việc hiếp dâm trước đây. Tài đã đăng tải bài viết này trên trang Fanpage UEH Confessions (bị cáo Tài là một trong các admin) vào lúc 19h ngày 11.1.2023. Bài viết đã có hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ, bình luận, gây hoang mang dư luận.
Từ vụ việc trên có thể thấy, nếu đội ngũ admin confession không kiểm duyệt nội dung chặt chẽ thì đây sẽ là nơi truyền tải thông tin rác, thậm chí vi phạm pháp luật. Thực tế, nhà trường không trực tiếp quản lý các trang này mà có đội ngũ admin riêng, mọi thông tin được gửi đến đều dưới hình thức ẩn danh. Ngay cả quản trị viên của trang cũng không biết danh tính người gửi confession là ai vì sẽ thông qua một trang trung gian (thường là Google Forms). Bên cạnh đó, các trang confession thường có lượng người theo dõi rất lớn. Để duy trì và tăng sức hút, nhiều admin sẵn sàng “tự biên, tự diễn”, dựng lên những câu chuyện không có thật nhằm câu view, tăng tương tác. Thậm chí, có cả những màn đấu tố nhau giữa học sinh trong trường cũng được các trang confession “thổi phồng” lên.
Nguyễn Hoàng Long (sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN) thường xuyên dạo qua các trang confession của một số trường. Theo Long, confession mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên. “Đây có thể được coi như một dạng diễn đàn để các bạn có thể tìm người cùng học hay trút bầu tâm sự. Với thầy cô, đây còn là cách để học sinh, sinh viên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng nếu ngại trực tiếp nói ra”, Long cho hay. Thế nhưng, cũng không ít lần chàng sinh viên này phải “ngã ngửa” khi đọc được những confession thóa mạ, “bóc phốt” nhau thậm tệ. Câu chuyện về vóc dáng, trang phục, xe cộ, thậm chí cả ngoại tình..., chẳng liên quan đến bất kỳ ai trong nhà trường cũng được quản trị viên “thêu dệt” rồi đăng lên.
Con dao hai lưỡi
Theo một admin, confession thu hút sự quan tâm của giới trẻ vì các bạn không để lộ danh tính nhưng vẫn có thể giãi bày, tìm kiếm sự cảm thông. Tuy nhiên, không phải confession nào cũng gây được sự chú ý, nên khi phải chịu áp lực duy trì trang, một số admin đã “tự nghĩ, tự viết, tự đăng”, càng gây sốc, càng có đối tượng nhắm vào thì càng dễ trở thành những confession “nghìn like”. Rồi nhờ độ nổi tiếng, nhiều confession hút quảng cáo và kiếm thu nhập khủng về cho quản trị viên.
Ths Vũ Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho biết, các trang confession hiện nay không khác gì những “con dao hai lưỡi”. “Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành bạo lực tâm lý đối với những người là nạn nhân của các confession, được đăng tải với mục đích xấu. Nhất là với học sinh, sinh viên, ở độ tuổi “cái tôi” đang phát triển mạnh thì bất kể sự đả kích nào trên không gian mạng cũng khiến các em chịu tổn thương về mặt tâm lý; rơi vào trạng thái làm gì cũng sợ bị người khác bóc mẽ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển sau này. Nguy hiểm hơn là rơi vào trầm cảm”, Ths Vũ Thu Hà nêu.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý, đưa tâm tư lên các trang confession không phải là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề. Học sinh, sinh viên hoặc với bất kỳ ai khi đăng vấn đề lên mạng xã hội, nếu không soi xét kỹ đều có thể trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận và phải chịu những tổn thương tâm lý. Mọi vấn đề hay mâu thuẫn cần được giải quyết bằng cách gặp mặt trực tiếp, đối thoại và đi đến giải pháp trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, hướng đến những giá trị tích cực thay vì ngồi một chỗ, gõ máy tính rồi giải quyết bằng đôi ba dòng confession.
Trong môi trường học đường, ThS Vũ Thu Hà cho rằng, nhà trường cần ban hành những hướng dẫn cụ thể về thực hiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng, để các em có ý thức sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, biết trang bị khả năng tự bảo vệ mình. Cũng không nhất thiết phải đưa những trang confession về để nhà trường quản lý, mà thay vào đó, hãy kết nối, hướng dẫn đội ngũ admin về các nội dung nên và không nên đăng tải dựa trên quy định của pháp luật; để những trang confession mang thông điệp tích cực, thật sự là cầu nối giữa học sinh, sinh viên và nhà trường. Bản thân admin của mỗi trang confession trường học cũng nên đưa ra những quy định rõ ràng về nội dung nào sẽ được duyệt và các chuẩn mực trong bình luận bài viết.
ĐÌNH TOÁN