The Eras Tour:

Hành trình âm nhạc lịch sử chính thức khép lại

NGHIÊM THANH

VHO - Trải qua gần 2 năm với 152 đêm diễn tại 51 thành phố trên khắp thế giới, The Eras Tour của ca sĩ Taylor Swift vừa khép lại với đêm diễn cuối cùng vào tối 8.12 tại Vancouver (Canada). Taylor Swift đã tạo nên một "hiện tượng kinh tế" qua tour diễn lịch sử này. Hành trình này không chỉ đưa cô trở thành tỷ phú mà còn để lại những kỷ lục chưa từng có.

 Hành trình âm nhạc lịch sử chính thức khép lại - ảnh 1
Taylor Swift vẫy tay chào khán giả ở New Orleans vào tháng 10. 2024. Ảnh: Getty

Tour diễn thay đổi thế giới âm nhạc

Với hơn 10 triệu khán giả tham dự trong suốt hành trình, con số chính thức về số tiền mà The Eras Tour thu được vẫn chưa được công bố nhưng ước tính chuyến lưu diễn này sẽ thu về 2,2 tỷ USD, trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Người giữ kỷ lục hiện tại là Elton John, với chuyến lưu diễn Farewell Yellow Brick Road thu về hơn 900 triệu USD.

Theo AP, chuỗi âm nhạc là một kỳ tích mà Swift đã khởi động từ tháng 3.2023 và vừa khép lại vào ngày hôm qua 8.12. Những chuyến lưu diễn của ngôi sao nhạc pop đã phá vỡ kỷ lục về doanh số và lượng khán giả, tạo ra cuộc bùng nổ kinh tế đến mức ngay cả Cục Dự trữ Liên bang cũng phải ghi nhận.

Đối với nhiều người đã tham dự các buổi hòa nhạc và hàng triệu người khác xem các buổi phát trực tiếp bởi người hâm mộ, chuyến lưu diễn đã trở thành “ngọn hải đăng” của niềm vui. Đây là cơ hội không chỉ để đánh giá cao sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của Swift mà còn để tôn vinh hành trình dài nhiều năm mà người hâm mộ đã đồng hành cùng nữ ca sĩ.

Nữ ca sĩ chia sẻ cảm xúc: “ Chính các bạn, những người hâm mộ, đã biến chuyến lưu diễn trở thành một điều gì đó vĩ đại so với bất kỳ điều gì tôi từng làm trong đời, với tình cảm của các bạn, niềm đam mê của các bạn, cách các bạn quan tâm đến chuyến lưu diễn này đã tạo ra một không gian tràn ngập niềm vui, sự gắn kết và tình yêu thương".

Với danh sách 44 bài hát đầy đủ, Swift đã sử dụng Eras Tour để du hành ngược thời gian, biểu diễn các bài hát từ mỗi album được phát hành trong suốt 18 năm sự nghiệp của mình. Trong suốt chuyến lưu diễn, Swift đã phát hành ba album - "The Tortured Poets Department" và hai bản thu âm lại "Taylor's Version" .

Vé của các đêm diễn được săn đón nhiều đến mức Ticketmaster đã bị sập, dẫn đến một phiên điều trần của quốc hội sau khi hai chục người hâm mộ đệ đơn kiện tuyên bố rằng trang web bán vé và công ty mẹ Live Nation đã vi phạm luật chống độc quyền. 

Chuyến lưu diễn này cũng đã tạo nên bộ phim hòa nhạc ăn khách "Taylor Swift: The Eras Tour" được công chiếu tại các rạp vào tháng 10. 2023, thu về khoảng 96 triệu đô la trong tuần đầu công chiếu tại Hoa Kỳ và Canada, và 32 triệu đô la trên toàn thế giới, theo chuỗi rạp chiếu phim AMC.

Trong hành trình trải qua các chuyến lưu diễn, Taylor Swift đã được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm. Apple Music đã vinh danh cô là nghệ sĩ của năm và Spotify tiết lộ cô là nghệ sĩ được phát trực tuyến nhiều nhất năm 2023, 2024 trên toàn cầu.

 Hành trình âm nhạc lịch sử chính thức khép lại - ảnh 2
Swift biểu diễn "Lover" cùng ban nhạc, các ca sĩ hát bè và vũ công của cô Nashville, Tennessee tháng 5. 2023. Ảnh: Getty

 Hành trình làm nên cơn sốt kinh tế toàn cầu

Theo CNN, tại Mỹ, người hâm mộ đã chi trung bình 1.300 USD mỗi người cho các khoản như di chuyển, lưu trú, ăn uống và mua sắm – mức chi tương đương với sự kiện thể thao đình đám Super Bowl. Tuy nhiên, Super Bowl chỉ diễn ra một trận đấu, trong khi Swift thực hiện tới 62 đêm diễn tại 23 thành phố chỉ trong 5 tháng.

Tổng số tiền mà các người hâm mộ chi tiêu tại Mỹ được ước tính khoảng 5 tỷ USD. Nhưng con số này mới chỉ bao gồm chi tiêu trực tiếp, và có thể vượt qua 10 tỷ USD nếu tính cả các khoản chi tiêu gián tiếp từ những người không mua vé nhưng vẫn tham gia các hoạt động liên quan đến buổi diễn.

Hiệu ứng "Taylor Swift" không chỉ gói gọn trong doanh thu từ vé mà còn tác động lớn đến ngành du lịch và dịch vụ tại các thành phố tổ chức buổi diễn. Theo các nhà phân tích, những địa phương này ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của ngành khách sạn và dịch vụ sau đại dịch.

Los Angeles, với 6 đêm diễn, chứng kiến sự gia tăng 3.300 việc làm và thu nhập địa phương tăng thêm 160 triệu USD. Trước khi Taylor Swift đến, ngành khách sạn của thành phố vẫn giảm 15% so với mức cao nhất trước đại dịch. Chỉ riêng Los Angeles đã thu về 320 triệu USD, trong đó có 20 triệu USD từ thuế bán hàng và 9 triệu USD từ thuế phòng khách sạn.

Nhiều quốc gia đã "độc quyền" buổi biểu diễn của Taylor Swift trong khu vực để thu hút khách du lịch. Điển hình là Singapore, quốc gia này đã chi khoảng 3 triệu USD để độc quyền buổi biểu diễn của Taylor Swift tại khu vực Đông Nam Á. Tại đây, siêu sao sinh năm 1989 đã biểu diễn 6 đêm, giúp Singapore thu hút được khoảng 372 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Trường hợp tương tự với Australia hay Nhật Bản khi nhiều người hâm mộ từ châu Âu, Trung Quốc cũng sẵn sàng bay hàng nghìn km để tới xem thần tượng biểu diễn. Cùng thời điểm, lượng du khách tăng đột biến là cơ hội không thể tốt hơn để nơi đó kinh doanh các dịch vụ đi kèm.

The Eras Tour không chỉ là một tour diễn âm nhạc mà còn là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa giữa văn hóa đại chúng và kinh tế. Taylor Swift không chỉ mang lại những trải nghiệm giải trí đỉnh cao mà còn góp phần tái cấu trúc nền kinh tế tại các địa phương mà cô đi qua.

Hành trình này khẳng định sức mạnh không chỉ của thương hiệu Taylor Swift mà còn của âm nhạc trong việc tác động đến các lĩnh vực khác ngoài văn hóa, từ việc tạo thêm công ăn việc làm đến việc tăng doanh thu thuế và kích thích các ngành dịch vụ.