Geisha thay đổi để giữ nghề

VHO- Geisha (con người của nghệ thuật) là nghệ sĩ biểu diễn và chuyên phục vụ cho tầng lớp giàu có ở Nhật Bản, nhưng trong bối cảnh kinh tế suy thoái trên toàn cầu hiện nay, các geisha sẵn sàng thực hiện những hoạt động “lạ” để sống được với nghề của mình.

Geisha thay đổi để giữ nghề - Anh 1

 Văn hóa Geisha ở Nhật Bản đã có sự thay đổi Ảnh: STEVE MCCURRY/MAGNUM

Geisha là những nữ nghệ sĩ biểu diễn của Nhật Bản, thường được thuê để tiếp đãi khách tại các quán trà và các sự kiện xã hội. Trong những sự kiện như vậy, geisha sẽ có nhiệm vụ hát, múa, biểu diễn âm nhạc, tổ chức các buổi lễ trà và phục vụ đồ ăn, thức uống và tiếp chuyện sôi nổi với khách hàng.

Một phụ nữ muốn trở thành geisha trước tiên phải đến các lớp đào tạo nghề, nơi các geisha sẽ được học các kỹ năng cần thiết. Một geisha tập sự được gọi là maiko và thời gian học việc mất khoảng 5 năm để hoàn thành. Để trở thành một geisha, các maiko sẽ tham gia các bài học về cách hát, múa và chơi nhạc. Họ cũng sẽ học nghệ thuật trò chuyện cũng như các kỹ năng dẫn chương trình mà một geisha cần phải đạt được.

Theo thống kê, vào cuối những năm 1920, Nhật Bản có khoảng 80.000 geisha, nhưng hiện nay, con số là khoảng 600 người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một này và một trong số đó là do cuộc sống của các geisha hiện nay rất bấp bênh và để giữ được nghề, họ đã phải tìm mọi cách để thích ứng. Cách hành nghề của Azuha và Seiko, hai geisha ở khu Asakusa của Tokyo là điển hình cho những geisha ở năm 2023. Hai cô gái có ngoại hình chuẩn mực của một geisha, với khuôn mặt tô trắng cùng mái tóc đen mượt. Họ nhảy múa một cách trang nhã trong bộ Kimono lụa trước đám đông trong những bữa tiệc sang trọng. Tuy nhiên, ngày hôm sau, tại một tiệc rượu khác, họ sẵn sàng tham gia trò chơi với khách và khi thua thì Azuha bò như một con hổ, còn Seiko đóng giả một bà già chống gậy và cả hai phải uống hết một cốc bia đầy.

Shiomi Fumie, một geisha ở Tokyo, bắt đầu tổ chức các sự kiện “livehouse”, nhưng loại bỏ những bữa ăn xa hoa truyền thống trong bữa tiệc geisha kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thay vào đó là các buổi biểu diễn ngắn, với giá chỉ 8.000 yên (tương đương 54 USD). Đây là chi phí rất “dễ chịu” so với trước đây là vài trăm USD cho một giờ xem geisha biểu diễn. Bằng cách làm cho các buổi biểu diễn geisha trở nên dễ tiếp cận, cô hy vọng sẽ thu hút được khách hàng trẻ tuổi và có thể tuyển dụng được một số geisha.

Các geisha cũng nhắm đến đối tượng đa dạng hơn, bao gồm cả phụ nữ và khách du lịch và từ bỏ văn hóa “ichigensan okotowar”, có nghĩa từ chối khách đến lần đầu nếu không có người giới thiệu. Ngày nay, một số trang web về tour du lịch cũng cung cấp nhiều gói dịch vụ kiểu này để du khách có thể chiêm ngưỡng các buổi biểu diễn hoặc dùng bữa với geisha tập sự. Mỗi buổi biểu diễn kéo dài trong vài tuần và thường có hai hoặc ba buổi biểu diễn mỗi ngày, tùy thuộc vào từng dịp. Giá vé từ 3.000 - 5.000 yên và thường có thể đặt trực tuyến thông qua trang web.

Vào mùa hè, các nhà hát cũng tổ chức một khu vườn phục vụ đồ uống do các geisha phục vụ. Một số khách sạn cũng tổ chức các buổi biểu diễn, ăn uống cùng các geisha. Gần đây, một số geisha còn thường tổ chức các buổi tiệc rượu qua Zoom…

Những thay đổi bị nhiều người coi là “thiếu chuẩn” này của geisha, chính là cách họ thay đổi để thích ứng với giai đoạn kinh tế khó khăn, theo The Economist. Những người mang tư tưởng truyền thống thấy kinh ngạc trước sự thay đổi này. Tuy nhiên, điều đó không hề đi ngược lại truyền thống của geisha, bởi dịch vụ của họ vốn đã thay đổi linh hoạt trong nhiều thế kỷ. Geisha từng chơi các trò board game với khách hàng và ở thời kỳ bùng nổ hậu chiến tranh, họ chơi cả golf. Hoạt động giải trí của geisha, vốn có sự tương đồng với các tiếp viên quán bar ngày nay hơn những gì mà người theo chủ nghĩa thuần túy thừa nhận.

Những đổi mới này không chỉ giúp các geisha sống được với nghề mà còn giúp thu hút “tân binh”. Trước khi trở thành geisha, Shiomi từng làm việc cho một công ty IT. Cô yêu thích những bộ Kimono đẹp đẽ, những điệu nhảy và bài hát khi làm nghề mới: “Làm geisha không thể kiếm được nhiều tiền, nhưng nó cực thú vị”, cô nói.

Suzuki Takeshi, người quản lý hiệp hội geisha ở Asakusa nói: “Phần lớn đàn ông Nhật Bản ngày nay thích vào những quán bar có tiếp viên, với mức giá rẻ hơn. Cách các geisha đang làm hiện nay để người Nhật Bản không mất dần mối liên hệ với văn hóa geisha, để được sống với nghề như vậy là rất đáng khen”. 

 THÁI AN

Ý kiến bạn đọc