Dự luật thuế của Tổng thống Mỹ: Giải pháp trước mắt, gánh nặng dài lâu

VHO - Theo giới quan sát, dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu của Tổng thống Donald Trump được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 3.7.2023 đã giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ trước mắt, nhưng lại khiến các vấn đề nợ công dài hạn trở nên trầm trọng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua sẽ gia hạn các chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017, tăng chi tiêu cho an ninh biên giới và quân đội, đồng thời cắt giảm mạnh ngân sách cho hai chương trình y tế lớn là Medicare và Medicaid. Đáng chú ý, dự luật này cũng có thể làm tăng nợ công của Mỹ thêm hàng nghìn tỷ USD.

Dự luật trên, dài khoảng 887 trang, bao gồm các khoản giảm thuế, cắt giảm chi tiêu, hủy bỏ tín dụng thuế năng lượng Mặt trời, đưa ra các khoản đầu tư mới cho quốc phòng và hoạt động trục xuất người nhập cư trái phép. Dự luật không xóa bỏ thuế đối với các phúc lợi an sinh xã hội, bất chấp những gì Tổng thống Trump từng tuyên bố. Trước đó, Thượng viện Mỹ ngày 1.7 đã thông qua dự luật này với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao 51-50.

Trong khuôn khổ gói chính sách, các nhà lập pháp đã nâng trần nợ công 36.100 tỉ USD của chính phủ thêm 5.000 tỉ USD. Động thái này giúp xoa dịu lo ngại về một vụ vỡ nợ, vốn được dự báo có thể xảy ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

Tuy nhiên về dài hạn, dự luật này được xem là tin xấu cho thị trường trái phiếu Mỹ và sức khỏe tài khóa quốc gia. Các nhà phân tích phi đảng phái đã ước tính dự luật sẽ làm tăng thêm 3.400 tỉ USD vào nợ công trong thập kỷ tới, làm trầm trọng thêm mối lo về nguồn cung trái phiếu gia tăng trong khi nhu cầu đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ lại sụt giảm.

Theo một ước tính mới từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), dự luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Trump sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm gần 3.300 tỉ USD trong 10 năm tới.

Bản phân tích của CBO cho thấy, nếu so với luật pháp hiện hành, dự luật của ông Trump sẽ làm giảm nguồn thu thuế đi 4.500 tỉ USD, nhưng chỉ cắt giảm được 1.200 tỉ USD chi tiêu cho đến năm 2034.

Ông Mike Medeiros, chiến lược gia kinh tế vĩ mô tại công ty quản lý đầu tư Wellington Management, cho rằng dự luật này làm gia tăng những lo ngại mang tính cấu trúc đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ. Trong khi đó, loại tài sản này cũng chịu áp lực từ nỗi lo thâm hụt tài khóa kéo dài, mức nợ cao và lạm phát của Mỹ.

Tập đoàn đầu tư BlackRock hôm 30.6 cũng cảnh báo giới đầu tư nước ngoài đã bắt đầu bớt quan tâm đến nợ của Mỹ. Hiện đang tồn tại rủi ro là nhu cầu đối với 500 tỉ USD trái phiếu do Mỹ phát hành mỗi tuần sẽ giảm sâu hơn, đẩy chi phí vay lên cao. Các nhà quản lý của BlackRock lưu ý nếu không được kiểm soát, nợ công sẽ là rủi ro lớn nhất đối với "vị thế đặc biệt" của Mỹ trên thị trường tài chính.

Dù vậy, dự luật cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cho phép doanh nghiệp khấu trừ toàn bộ chi phí mua sắm thiết bị, chi phí nghiên cứu và phát triển, cùng các ưu đãi thuế khác. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo ngại gánh nặng nợ có thể làm giảm tác động kích thích kinh tế của dự luật.

Ông Campe Goodman, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài chính Wellington Management, dự kiến dự luật sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0.5% vào năm tới. Song ông cho rằng thị trường đang quá xem nhẹ rủi ro dài hạn từ chi phí vay cao hơn.

Chiến lược gia thị trường Ellen Hazen tại công ty quản lý đầu tư F.L. Putnam cũng nhận định dự luật sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu. Nhưng dự luật cũng có thể khiến lãi suất trái phiếu Kho bạc duy trì ở mức cao hơn, làm giảm sức hấp dẫn của các kênh đầu tư thu nhập cố định.

Nhìn chung, phản ứng của thị trường trái phiếu đối với việc phê duyệt dự luật tương đối im ắng. Việc thâm hụt gia tăng đã được thị trường định giá kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025. Ngoài ra, nhà đầu tư trong những tuần gần đây đã chuyển tập trung sang những lo ngại về tăng trưởng kinh tế.

Các số liệu kinh tế chậm lại gần đây cũng củng cố kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Diễn biến này góp phần tạo ra sự lạc quan trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, mặc dù một báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến đã làm giảm kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ ngay lập tức.

Ông Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Dakota Wealth, cho rằng việc thông qua dự luật không phải là yếu tố chính chi phối thị trường. Theo ông, yếu tố quan trọng nhất là lợi nhuận doanh nghiệp, sau đó là chính sách lãi suất của Fed.

Theo HƯƠNG THỦY (Tổng hợp) (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc