Đau lòng khi cổ vật được rao bán trên mạng
VHO- Trên sân thượng của một nhà hàng ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, giáo sư Amr al-Azm - nhà khảo cổ học đã phải rời khỏi Syria và hiện làm việc tại Đại học bang Shawnee ở Ohio (Mỹ) chỉ vào một bức ảnh trên Facebook rao bán một tác phẩm điêu khắc mà một người dùng ở miền bắc Syria tuyên bố là từ cổ thành Palmyra bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cướp và phá hủy, đã minh chứng cho sự thật đau lòng về việc cổ vật bị cướp bóc, đang được rao bán tràn lan trên mạng.
Các cổ vật bị IS đánh cắp rao bán trên Facebook
Cướp bóc… “quy mô công nghiệp”
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận số lớn cổ vật bị cướp bóc trị giá hàng triệu USD đã rời khỏi Iraq và Syria trong những năm gần đây. Những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ cũng như sự tan rã của IS vẫn không ngăn chặn triệt để dòng chảy cổ vật và chúng tiếp tục được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc mô tả hành vi cướp bóc của IS diễn ra với…”quy mô công nghiệp”. Nhưng bọn chúng không chỉ phá hủy nền văn hóa lâu đời của một đất nước mà còn sử dụng cổ vật như một nguồn tài trợ cho cuộc chiến khủng bố. Năm 2018, một loạt cuộc bố ráp của cảnh sát Barcelona (Tây Ban Nha) dẫn đến việc thu hồi một số bức tranh khảm cổ và quan tài cổ từ Ai Cập. Cuối cùng, hai người buôn bán nghệ thuật bị cáo buộc có liên quan đến một đường dây buôn lậu buôn bán cổ vật để tài trợ cho một nhóm liên kết với IS. Đây là hoạt động đầu tiên của cảnh sát tập trung vào hoạt động tài trợ cho khủng bố từ tác phẩm nghệ thuật cổ cướp bóc, theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha.
Tiến sĩ St John Simpson, người phụ trách Bộ phận Trung Đông tại Bảo tàng Anh, nhận xét: “Những gì đang xảy ra ở Syria thật khủng khiếp. Thật đau lòng. Mọi địa điểm khảo cổ bị tàn phá chắc chắn bị mất mãi mãi”. Tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Syria phải chịu trách nhiệm về việc các địa điểm khảo cổ bị cướp phá một cách tàn bạo, tiến sĩ Simpson khẳng định.
Mạng lưới của mafia
Abu Musa (không phải tên thật), nhà khảo cổ người Syria trốn thoát khỏi lãnh thổ do IS kiểm soát vào 4 năm trước và từng tham dự các cuộc họp được tổ chức bởi những người trung gian cho bọn buôn lậu tác phẩm nghệ thuật đánh cắp, tiết lộ: “Tôi biết công việc này rất nguy hiểm và khó khăn. Tôi làm việc với những người giống như một mạng lưới của mafia”. Abu Musa cho các phóng viên điều tra xem ảnh và video được gửi bởi một số người rao bán trên toàn khu vực - trong đó bao gồm một bức tranh khảm được tin là thật và trị giá đến hàng ngàn USD. Abu Musa bình luận: “Tôi thấy lịch sử và văn hóa của đất nước bị phá hủy ngay trước mắt. Cuộc đấu tranh để cứu di sản văn hóa phong phú của Trung Đông thật vô cùng gian nan”.
Cuộc điều tra cũng cung cấp bằng chứng cho thấy các cổ vật vẫn đang được buôn lậu từ Iraq và Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự truy quét của cảnh sát và sự tan rã của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Giáo sư Amr al-Azm dành hai năm để truy tìm hàng trăm nhóm trên Facebook, nhiều nhóm trong số đó là tư nhân và thường thu hút hàng ngàn thành viên. Giáo sư cho biết: “Những gì chúng ta nhìn thấy là sự bùng nổ của các trang web lậu. Đó là loại tội phạm xuyên quốc gia và Facebook về cơ bản cho phép điều này xảy ra trên nền tảng của công ty”.
Ngoài ra còn có nhiều yêu cầu gọi là “đặt hàng để cướp”. Nhà nghiên cứu Katie Paul nói: “Điều đó thực sự mở rộng tầm mắt của chúng tôi về việc các mạng buôn bán bất hợp pháp tăng tốc như thế nào. Bây giờ nếu bạn đào được thứ gì đó ở sân sau nhà mà không biết kẻ buôn lậu, bạn có thể truy cập Facebook. Thao tác sau đó là chia sẻ hình ảnh về những gì bạn đã tìm thấy rồi kết nối với những người sẵn sàng mua nó”. Khoảng 70% cổ vật rời khỏi Syria là giả, nhưng cũng có một số mặt hàng thật rất đắt tiền. Tuy nhiên, Amr al-Azm tuyên bố nhiều nhóm mà giáo sư đang quan sát vẫn còn tồn tại trên Facebook! Giao dịch không chỉ diễn ra trên Internet. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng như một tuyến đường buôn lậu trong nhiều năm. Facebook cho biết đã loại bỏ 49 nhóm sau cuộc điều tra của báo chí.
NGUYỄN HƯNG