Đàm phán thuế quan Mỹ bước vào chặng nước rút
VHO - Trong bối cảnh Mỹ chính thức công bố với các đối tác thương mại về mức thuế mới, nhiều quốc gia đã lên tiếng tìm kiếm các cuộc đàm phán sâu hơn với Washington trước khi chính sách thuế quan có hiệu lực vào ngày 1.8.

Nhà Trắng trong tuần này cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư thông báo mức thuế quan đối ứng mới với 14 quốc gia gồm: Tunisia, Indonesia, Bosnia (Bosnia and Herzegovina), Bangladesh, Serbia, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào, Myanmar. Các nước nhận thư từ Mỹ sẽ bị áp thuế dao động từ 25% - 40%.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn quyết định lùi thời gian áp dụng đến ngày 1.8 để các nước có thêm thời gian đàm phán. “Cho đến thời hạn bắt đầu thực thi chính sách, nếu các nước vẫn muốn đàm phán thì chúng tôi luôn sẵn sàng”, Tổng thống Trump nói.
Nằm trong số những quốc gia nhận thư thông báo áp thuế từ Mỹ, Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ tăng cường đàm phán thương mại với Mỹ để đạt được các kết quả “đôi bên cùng có lợi” và giải quyết những vướng mắc. Tuyên bố cũng khẳng định các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ là cơ hội thúc đẩy các ngành công nghiệp then chốt của cả hai nước.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba bày tỏ “thực sự đáng tiếc” với thông báo thuế của Mỹ, khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục đàm phán với Washington để đạt thỏa thuận thương mại song phương trong thời gian tới. Còn trên mạng xã hội X, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa lên tiếng không đồng tình với mức áp thuế 30%, nhấn mạnh Nam Phi sẽ thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, hướng tới “quan hệ thương mại cân bằng hơn và đôi bên cùng có lợi” với Mỹ.
Tính đến thời điểm này, Mỹ đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại tương đối với Anh. Thỏa thuận Mỹ - Anh được xem là “chiến thắng” ban đầu của đàm phán. Trong “kịch bản” thuế quan, Liên minh châu Âu (EU) cũng chủ động với “cuộc đua” này. Ngày 1.7, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic đã bay sang Washington để gặp các đối tác Mỹ, sẵn sàng chấp nhận thuế 10% với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời kỳ vọng Washington sẽ giảm thuế ở các lĩnh vực chủ chốt như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại.
Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn đang gặp một số trục trặc liên quan đến mức áp thuế của Mỹ với linh kiện ô tô, thép và nông sản. Các nhà đàm phán Ấn Độ hiện đang đối mặt với “điểm nghẽn” đàm phán khi Washington muốn New Delhi nới lỏng các biện pháp bảo hộ với sữa, hạnh nhân, hạt dẻ cười, óc chó, đậu nành và các nông sản khác.
Đổi lại, Ấn Độ muốn Mỹ giảm thuế nhập khẩu với thép và phụ tùng ô tô từ nước này. Thái Lan cũng bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất. Đề xuất của Thái Lan bao gồm giảm thuế nhập khẩu, mua thêm hàng Mỹ và tăng đầu tư vào Mỹ.
Trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, ngay tháng 6 hai nước đã đạt được “thỏa thuận khung” nhằm thực hiện các điều khoản từ vòng đàm phán bắt đầu tại Geneva (Thụy Sỹ). Với kết quả này, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể dịu xuống, nhưng diễn biến tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của hai nước đối với thỏa thuận khung vừa đạt được.
Ở bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang giữ được lợi thế tương đối trong khu vực khi mức áp thuế 20% đang thấp hơn so với các nước Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố áp mức thuế 20% với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, 40% với hàng trung chuyển từ nước thứ ba.
Đổi lại, Việt Nam đồng ý mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng Mỹ với thuế suất 0%. Các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia (36%), Indonesia (32%) hay Lào và Myanmar (40%) hiện đang đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể.
Giữa áp lực lớn về các cuộc đàm phán thương mại trước hạn chót ngày 1.8, Việt Nam đã và đang chủ động tích cực thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ, trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại kết quả lợi ích cho cả hai bên.
Nếu Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ, thì Việt Nam hiện là quốc gia mới nhất tới thời điểm hiện tại đã đạt được kết quả cuối cùng sau các cuộc đàm phán.