Cuộc đình công lịch sử của các biên kịch, diễn viên Hollywood: Chưa có hồi kết

VHO- Cuộc đình công gần 150 ngày chưa từng có trong lịch sử với sự tham gia của các biên kịch, diễn viên Hollywood làm tê liệt ngành giải trí Mỹ, làm đóng cửa nhiều hãng sản xuất phim và truyền hình vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cuộc đình công lịch sử của các biên kịch, diễn viên Hollywood: Chưa có hồi kết - Anh 1

 Các diễn viên và nhà văn của Hiệp hội Nhà văn Mỹ đi dọc hàng rào bên ngoài Disney Studios ở Burbank, California (Mỹ) Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, Hiệp hội Nhà văn Mỹ cùng Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) - tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất lớn như Walt Disney, Netflix và các công ty truyền thông khác - đã tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên sau khoảng một tháng bế tắc. Tuy nhiên, sau 3 ngày họp liên tục, các nhà biên kịch tại Hollywood và các giám đốc hãng phim hàng đầu của Mỹ chưa tìm ra giải pháp cho việc chấm dứt cuộc đình công kéo dài gần 150 ngày này.
Chủ tịch và CEO của Walt Disney, ông Bob Iger và CEO của Netflix, ông Ted Sarandos, cùng CEO của Warner Bros Discovery, ông David Zaslav và ông Donna Langley, chủ tịch Studio NBCUniversal của Comcast, đã tham gia vào cuộc đàm phán với Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA). Trong khi hai bên họp mặt, các thành viên công đoàn xuất hiện đông đảo bên ngoài các hãng phim theo lời kêu gọi từ các đàm phán viên của WGA để tạo áp lực bên ngoài các hãng phim. Trong đám đông bên ngoài Netflix có Matthew Weiner, người sáng tạo và biên kịch của Mad Men. Ông Matthew Weiner bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc đàm phán gần đây đã đánh dấu sự tiến bộ. Ông nói: “Tôi đang hy vọng. Tôi muốn quay lại làm việc và tôi muốn bắt đầu sửa chữa những mối quan hệ này”. Nhà sản xuất và thành viên của WGA, ông Al Septien, cũng tham gia biểu tình bên ngoài Netflix vào thứ Sáu, nói rằng ông muốn trở lại làm việc, nhưng chỉ trong trường hợp có điều kiện đúng đắn. “Chúng tôi đã ở đây rất lâu. Chúng tôi không muốn đồng thuận với một hợp đồng kém hơn so với mức công bằng và tốt đối với những người viết kịch”, ông nói.
Kể từ năm 1960 đến nay, cả hai Hiệp hội biên kịch và diễn viên Mỹ mới cùng đình công một lúc với nhau, họ cũng có cùng một đối thủ là Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình. Đó là vấn đề thù lao và điều kiện làm việc trong thời đại dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi trong khi nguồn thu truyền hình giảm.
Khi những gương mặt nổi tiếng ở Hollywood cũng xuất hiện trong đám đông đình công, đó là vì họ cũng tin tưởng rằng Hiệp hội diễn viên và biên kịch Mỹ cần một hợp đồng làm việc công bằng hơn, đó là không bị trả thù lao thấp, giảm số người làm, giảm tiền trả cho việc tái sử dụng sản phẩm và giải quyết một số các tồn tại khác nữa, đặc biệt là phải quản lý chặt việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Evan Shafran, thành viên Hiệp hội diễn viên Mỹ cho biết: “Số tiền các công ty sản xuất kiếm được chỉ trong một đêm đủ để nuôi tất cả những người đang biểu tình ở đây trong nhiều năm. Họ kiếm được nhiều tiền kinh khủng”.
Trước đó, vào ngày 2.5, khoảng 11.500 biên kịch Hollywood đã tiến hành đình công để yêu cầu mức lương tương xứng hơn. Theo CNBC, đây là cuộc đình công đầu tiên của ngành trong kỷ nguyên phát trực tuyến và nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều công ty thuộc 3 lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động kinh doanh truyền thông như điện ảnh, truyền hình tuyến tính và phát trực tuyến.
Trước mắt, Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) đang tìm kiếm một mức thù lao cao hơn, đặc biệt là đối với biên kịch các chương trình phát trực tuyến cũng như thiết lập các quy tắc mới, trong đó các nhà sản xuất sẽ được yêu cầu sử dụng một số lượng biên kịch nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Ngoài ra, WGA cũng đang tìm cách giúp các thành viên của mình nhận được thù lao trong suốt quá trình tiền sản xuất, sản xuất và hậu kỳ. Nguyên nhân là do ở hiện tại, các biên kịch thường được yêu cầu cung cấp các bản sửa đổi hoặc tạo ra tài liệu mới mà không được trả tiền. Các yêu cầu đưa ra bởi WGA cũng có liên quan tới vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI), cùng một số vấn đề khác.
Các tổ chức khác tại Hollywood bao gồm Liên minh các Nhà sản xuất Phim và Truyền hình, Liên minh Nhân viên Sân khấu Điện ảnh Quốc tế (IATSE) và Teamsters cũng đều có động thái đình công trong khi đưa ra tuyên bố về lập trường đàm phán của mình.
Ngày 13.7, các nhà lãnh đạo của hiệp hội diễn viên Hollywood cùng bỏ phiếu để tham gia vào một cuộc đình công chung đầu tiên kể từ năm 1960 với các biên kịch sau khi các cuộc đàm phán về hợp đồng với các hãng phim và dịch vụ trực tuyến thất bại. Đây là lần đầu tiên 2 công đoàn lớn của Hollywood đại diện cho các diễn viên và biên kịch đình công cùng một lúc kể từ năm 1960. Hiện vẫn chưa có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch giữa các diễn viên và hãng phim. Theo công đoàn, các nguồn thu nhập khiêm tốn nhưng thiết bị lạm phát và hệ sinh thái phát trực tuyến cắt giảm, trong khi mối đe dọa tới từ AI không được kiểm soát cùng nhiều nguyên nhân khác khiến các diễn viên quyết định đình công.
Cuộc đình công của các diễn viên Hollywood diễn ra trong bối cảnh hợp đồng 3 năm hết hạn và các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG - AFTRA) và Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) gặp thất bại. 

 KHẢ HÂN

Ý kiến bạn đọc