Công dân Việt Nam tại Trung Đông hiện vẫn an toàn

TÙNG QUANG

VHO - Theo thông tin mới nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn an toàn.

Công dân Việt Nam tại Trung Đông hiện vẫn an toàn - ảnh 1
Tòa nhà dân cư ở ngoại ô Beirut (Lebanon) bị hư hỏng nặng do giao tranh giữa Israel và Hezbollah. Ảnh: The New York Times

Chiều 17.10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác bảo hộ công dân trước xung đột giữa Iran và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

Theo thông tin mới nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn an toàn.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực đã liên tục cập nhật thông tin tình hình mới cho người dân và đưa ra cảnh báo bà con phải theo dõi sát tình hình, chú ý đi lại, chủ động di chuyển đến các ga tàu điện ngầm để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.

Thông tin thêm về công dân Việt Nam tại khu vực đang là “điểm nóng” xung đột của Trung Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, hiện có hơn 700 công dân Việt Nam tại Israel, 13 công dân tại Lebanon và 8 công dân tại Iran.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối trong cộng đồng để cập nhật tình hình, chủ động, thường xuyên thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đang xảy ra xung đột. Ngoài ra, lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.

* Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về hai công dân Việt Nam mất tích khi đi câu cá ở Nhật Bản, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết vừa nhận được thông tin về vụ việc.

Theo đó, tối 12.10, 4 công dân Việt Nam trong khi câu cá ở khu vực biển tại thành phố Kamisu thuộc tỉnh Ibaraki (tỉnh miền Đông của Nhật Bản) đã bị sóng cuốn trôi.

Các lực lượng chức năng Nhật Bản đã tìm thấy 2 người trong tình trạng sức khỏe ổn định và đang nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích còn lại.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu vụ việc và phối hợp xác minh nhân thân, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.

*Trả lời câu hỏi báo chí đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về tình hình căng thẳng gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam mong muốn các bên kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng và kiên trì đối thoại, có tính đến quan tâm và lợi ích của nhau cũng như lợi ích chung của khu vực và quốc tế; đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, trong khu vực và trên thế giới.

Bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây leo thang căng thẳng đáng kể khi Triều Tiên cáo buộc máy bay không người lái của Hàn Quốc xâm nhập không phận, mang truyền đơn đến thủ đô Bình Nhưỡng. Không lâu sau khi tuyên bố sẽ cắt đứt mọi liên hệ với Hàn Quốc, Triều Tiên đã cho nổ các đoạn đường nối với quốc gia láng giềng trưa 15.10.

Hàn Quốc bác bỏ cáo buộc trên, với một số nguồn không chính thức cho rằng trách nhiệm thuộc về các nhóm hoạt động dân chủ tại nước này.

Quân đội Hàn Quốc cũng đã nổ súng bắn cảnh cáo ở phía Nam Đường ranh giới quân sự (DML) chia cắt hai miền Triều Tiên để phản ứng động thái của Bình Nhưỡng. Hai tuyến đường Kyungui và Donghae là những tuyến đường bộ và đường sắt nối hai miền Triều Tiên chạy theo sườn phía Tây và phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Với động thái mới nhất, có thể nói việc kết nối đường sắt và đường bộ trên các tuyến Kyungui - Donghae được coi là biểu tượng cho tiến trình hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên nhiều năm qua đã chính thức khép lại.

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai bên chưa ký hòa ước sau cuộc chiến từ năm 1950 đến 1953. Mỹ duy trì hàng chục ngàn quân cùng nhiều khí tài quân sự tại Hàn Quốc, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận với Seoul hàng năm.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17.10 xác nhận, vào đầu tuần này, lực lượng Triều Tiên đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m dọc theo các phần phía đông và phía tây của biên giới "như một phần của quá trình chia tách hoàn toàn theo từng giai đoạn" giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

KCNA trích lời một quan chức Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết "các biện pháp tiếp theo sẽ được thực hiện để biến phần biên giới bị chặn ở phía nam thành một pháo đài vĩnh cửu".

KCNA cho biết việc cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt là "biện pháp tất yếu và hợp pháp được thực hiện theo yêu cầu của Hiến pháp Triều Tiên, trong đó nêu rõ Hàn Quốc là một quốc gia hoàn toàn thù địch".

Đây cũng là phản ứng trước "tình hình an ninh nghiêm trọng, đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh khó lường do các hành động khiêu khích quân sự - chính trị nghiêm trọng của các thế lực thù địch", KCNA nêu rõ.

Đây được cho là lần đầu tiên hiến pháp Triều Tiên chính thức xác định Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".