Chính trị ở Liên hoan phim Berlin
VHO - Liên hoan phim Berlin năm nay đã kết thúc. Các giải thưởng đã được trao. Trong số 3 liên hoan phim quốc tế nổi danh nhất ở châu Âu là Liên hoan phim Berlin (Đức), Liên hoan phim Venice (Italia) và Liên hoan phim Cannes (Pháp), thì Liên hoan phim Berlin luôn được hoặc bị coi là liên hoan phim chính trị nhất.
Giải Gấu vàng được trao cho bộ phim “Dahomey”
Chính trị luôn là chủ đề nổi bật ở Liên hoan phim Berlin, thể hiện ở nội dung những bộ phim tham dự và ở các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, từ lễ khai mạc đến lễ trao giải, từ các cuộc trao đổi chuyên môn đến các sự kiện truyền thông liên quan.
Các vấn đề chính trị phủ bóng xuống Liên hoan phim Berlin năm nay là chủ nghĩa cực hữu và dân túy ở châu Âu, cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông và vấn đề các cường quốc thuộc địa châu Âu xưa, giao trả cho các nước châu Phi những vật phẩm văn hóa cướp về ở thời các nước này thuộc địa hóa châu Phi. Chuyện chống chủ nghĩa cực hữu và dân túy ở châu Âu hiện rất thời sự và nhận được sự tán đồng sâu rộng ở Liên hoan phim Berlin năm nay. Điều này dễ hiểu bởi trên chính trường chung ở châu Âu và trong các nước châu Âu có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về chống chủ nghĩa cực hữu và dân túy, cũng như nhận thức phải cùng nhau hành động quyết liệt, để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ và lan rộng ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa cực hữu và dân túy ở châu Âu. Trên phương diện này, Liên hoan phim Berlin năm nay như thể vừa thức tỉnh nhận thức của công chúng, vừa phát đi thông điệp kêu gọi công chúng và chính trị ở châu Âu hành động mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn để đối phó chủ nghĩa cực hữu và dân túy.
Trong hai vấn đề chính trị còn lại, Liên hoan phim Berlin năm nay gây tranh cãi khá dữ dội ở nhiều nước châu Âu. Trong lễ khai mạc cũng như trao giải, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng đòi thực hiện ngừng chiến ngay lập tức ở dải Gaza, đòi hỏi như vậy ở cả Hamas lẫn Israel, nhưng chủ yếu và trước hết nhằm vào Israel - điều mà Israel và những ai ủng hộ Israel ở châu Âu không thích và không sẵn sàng. Các nghệ sĩ khi xuất hiện trên sân khấu còn mang theo và trưng ra tờ giấy trên đó có dòng chữ “Ngừng chiến ngay!”. Cốt lõi của cuộc tranh luận ồn ào và đầy bất đồng quan điểm ở Liên hoan Berlin năm nay, cũng như ở khắp châu Âu là như thế có nghĩa nhằm phê phán ai và đổ lỗi cho bên nào chịu trách nhiệm về cuộc xung đột này - Hamas hay Israel? Trên phương diện này, Liên hoan phim Berlin năm nay bị nhiều chính khách ở các nước châu Âu phê phán mạnh mẽ.
Với bề dày lịch sử gần ba phần tư thế kỷ, Liên hoan phim Berlin đã trở thành một quyền lực về văn hóa ở châu Âu và trong chừng mực nhất định ở cả trên thế giới nữa. Vì thế, quyết định trao giải của Ban giám khảo ở Liên hoan phim Berlin, nếu mang tính chính trị sẽ có tác động chính trị không hề nhỏ tới chiều hướng diễn biến tình hình chính trị - xã hội ở các nước trên châu lục này. Chẳng hạn như việc trao giải thưởng ở thể loại phim tài liệu cho bộ phim “Không đất nước nào khác” của đạo diễn Basel Adra. Bộ phim này kể về việc người Palestin bị đẩy ra khỏi những vùng lãnh thổ của họ ở khu vực Trung Đông. Trên thế giới, ai ai cũng biết Israel làm việc này. Chuyện này đã có quá trình từ nhiều thập kỷ nay, nhưng vì có xung đột hiện tại giữa Hamas và Israel mà lại thời sự, thêm nhạy cảm và bùng nổ về chính trị.
Hoặc việc trao giải thưởng Gấu vàng (gấu là linh vật của Berlin) cho bộ phim “Dahomey” của đạo diễn Mati Diop cũng vậy. Bộ phim này kể về hành trình lưu lạc của các sản vật văn hóa lịch sử của các nước châu Phi bị các cường quốc thuộc địa châu Âu cướp đi và nay buộc phải trả lại - vấn đề chính trị đặc biệt nhạy cảm ở cả châu Âu lẫn châu Phi. Thế đấy, sự kiện lớn này đâu chỉ là sự kiện điện ảnh và nghệ thuật điện ảnh thuần túy.
LA PHÙ