“Văn hóa sẻ chia”:

Cầu nối cho quan hệ Việt - Pháp

HÀ THANH

VHO - Văn hóa là yếu tố then chốt trong mối quan hệ đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), chủ đề của chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa là “Văn hóa sẻ chia”.

Cầu nối cho quan hệ Việt - Pháp - ảnh 1
Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Pháp, sau 33 năm kể từ năm 1991. Ảnh: ĐSQ PHÁP TẠI VIỆT NAM

 Chủ đề của Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp là “Văn hóa sẻ chia” đã thể hiện rõ tinh thần hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, không phải là mang những sản phẩm văn hóa Pháp đến với Việt Nam mà là hai bên cùng nhau xây dựng chính sách để quảng bá các giá trị văn hóa Pháp, đồng thời chuyển giao công cụ và kỹ năng giúp Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Điều này đã được thể hiện trong nhiều sự kiện, chẳng hạn như Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi25 lần thứ hai tại Hà Nội.

Trong quan hệ hợp tác, giao lưu Nhân dân chính là sự tiếp xúc giữa con người với con người mà văn hóa chính là một biểu hiện. Đây là chìa khóa cho việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước ngày càng tốt đẹp. Nhìn lại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua, văn hóa chính là cầu nối, chủ đề trọng tâm trong quan hệ đối tác Việt - Pháp. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, phía Pháp hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan. Sự phát triển hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Hoàng gia Versailles của Pháp để làm phong phú thêm các chương trình biểu diễn của Nhà hát tại Hà Nội vừa qua là một minh chứng.

Trả lời báo chí nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày hôm nay 4.10, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, điều này cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp. Việc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp sẽ là dịp để chúng tôi khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, một quốc gia có vị trí rất quan trọng ở châu Á, một đất nước mà chúng tôi có nhiều gắn bó về mặt lịch sử, về mối liên hệ trong khuôn khổ Pháp ngữ”.

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt - Pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Pháp đã tạo dựng hiệu quả một mối quan hệ không chỉ bền chặt, hữu nghị, mà còn là sự tin cậy ngày càng cao với mong muốn tăng cường quan hệ đối tác song phương. Điều này được thể hiện qua việc hai nước cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu nhân dịp kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng 5 vừa qua.

Cũng trong dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19. Theo Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Edgar Doerig, chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 2024, tổ chức tại Villers-Cotterêts và Paris (Cộng hòa Pháp) là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”, rất phù hợp với định hướng chung của Cộng đồng Pháp ngữ năng động, với rất nhiều cơ hội, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và tăng cường cơ hội việc làm cho thanh niên thông qua việc khởi nghiệp.

Hội nghị lần này sẽ là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước thành viên cùng nhau trao đổi, bàn bạc, giải quyết những thách thức lớn đối với quá trình phát triển và đổi mới. Phần lớn nội dung các cuộc họp sẽ tập trung vào vấn đề này, cả về thách thức và cơ hội của sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, cũng giống như các hội nghị cấp cao khác, Hội nghị lần này cũng sẽ đề cập đến tình hình quốc tế cùng quan tâm. Bên lề Hội nghị, sẽ có nhiều sự kiện mà Việt Nam tham dự cùng các nước thành viên khác như “Làng Pháp ngữ” với những gian hàng giới thiệu sự đa dạng văn hóa của cộng đồng Pháp ngữ hay Triển lãm FrancoTech về doanh nghiệp và thị trường nói tiếng Pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ có diễn văn tại lễ khai mạc sự kiện FrancoTech, diễn đàn kinh tế và triển lãm đổi mới Pháp ngữ, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT, Vinfast và Vietnam Airlines. Bên lề sự kiện, Việt Nam sẽ tổ chức một không gian giới thiệu văn hóa Việt tại Làng Pháp ngữ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc