Bùng nổ du lịch đến Nam Cực

CHI MAI

VHO - Ianenkov, kỹ sư kiêm chủ cửa hàng lưu niệm tại trạm nghiên cứu Nam Cực Bellingshausen cho biết, gần đây cửa hàng nhỏ tại Nam Cực luôn chật kín du khách tham quan, mua đồ.

 Bùng nổ du lịch đến Nam Cực - ảnh 1
Ngắm cá voi là một trong những hình thức du lịch phổ biến ở Nam Cực

Cửa hàng của Ianenkov bán các món đồ lưu niệm như nam châm gắn tủ lạnh, móc khóa giá 5 USD mỗi chiếc, mũ lót lông giá 100 USD. Ianenkov chia sẻ thu nhập của anh và các đồng nghiệp phụ thuộc nhiều vào những du khách giàu có đến Nam Cực. Du khách đến đây chi tiêu trung bình khoảng 12.700 USD cho mỗi chuyến đi.

Theo Hiệp hội các công ty lữ hành Nam Cực quốc tế (IAATO), lượng khách đến thăm nơi này tăng nhiều hơn trong vài năm. Mùa đông 2017, chỉ khoảng 7.000 khách đến Nam Cực. Trong giai đoạn 2022-2023, vùng đất cực Nam bán cầu ghi nhận lượng khách ghé thăm kỷ lục với 105.331 người. Đầu mùa hè năm nay có khoảng 32.730 người đã đến Nam Cực bằng du thuyền. Đến đầu mua đông năm nay, con số đã vượt 43.000 lượt, tăng hơn 500%. Các chuyên gia dự báo lượng khách đang trên đà tăng trong thời gian tới.

Một số người đến vì mục đích nghiên cứu khoa học, số còn lại là khách du lịch đến leo núi băng, trượt tuyết, ngắm cảnh bằng trực thăng. Du lịch Nam Cực được nhận định là dành cho những người có dư giả về tài chính. Trong số những du khách đặt chân đến lục địa này vào đầu hè vừa qua có hơn một nửa đến từ Mỹ, tiếp theo là Australia, Đức và Anh.

Du khách mất nhiều chi phí để tới Nam Cực, từ máy bay, quần áo, trang thiết bị đến tiêm chủng. Ngoài ra, vùng đất này đem đến những trải nghiệm độc đáo không tìm thấy ở cuộc sống thường nhật. Du khách được nhìn ngắm những tảng băng trôi siêu thực, quan sát các loài động vật hoang dã xứ lạnh ở khoảng cách gần, tham quan vịnh Fildes từ bãi đáp của lực lượng không quân Chile. Lượng khách đến cực Nam bán cầu chủ yếu dồn vào mùa hè khi thời tiết bớt băng giá. Ngoài ra, hoạt động chèo thuyền, lặn với ống thở trong cái lạnh thấu xương ở Nam Đại Dương cũng được nhiều du khách yêu thích.

Vài thập kỷ trước, du lịch Nam Cực chỉ dành cho những người ưa mạo hiểm với các dịch vụ nghèo nàn. Khách phải đi trên những con tàu nhỏ hơn, nhiều người trong số đó đến bằng tàu phá băng cũ từ Nga, Canada và các quốc gia vùng cực. Nhiều thuyền khi đó được trang bị giường tầng và phòng tắm chung. Rất ít tàu có cửa sổ để nhìn ra bên ngoài, khác biệt hoàn toàn với trải nghiệm ngày nay.

Tuy nhiên gần đây, các hãng tàu như Ponant, Silversea, Seabourn và Scenic có những bước tiến lớn khi cung cấp trải nghiệm xa xỉ cho du khách đến Nam Cực. Colleen McDaniel, người đứng đầu website của Cruise Critic chuyên đánh giá về du thuyền có trụ sở tại Mỹ cho biết, ngày nay du khách đến Nam Cực được cung cấp các phòng suite sang trọng trên tàu, dịch vụ ăn uống cao cấp và cả spa. Các hãng du thuyền đầu tư hàng tỉ USD vào các tàu thám hiểm Nam Cực. Hai tàu Seabourn Pursuit và Venture đều có spa sang trọng, 9 nhà hàng và 8 phòng chờ cùng quầy bar cho khoảng 250 hành khách trên tàu. Mỗi cabin trong số 132 cabin đều có cửa kính lớn, ban công, cho phép khách dễ dàng ngắm nhìn mỗi khi có những tảng băng trôi qua. Nếu muốn xuống tàu ngầm hoặc khám phá vùng biển Nam Cực bằng thuyền kayak, khách cần trả thêm một khoản tiền. Hành khách được cung cấp quần áo chống lạnh có thiết kế đặc biệt, giữ ấm và khô khi đi lang thang giữa những con chim cánh cụt, hải cẩu.

“Chọn ngồi tàu ngắm cảnh hay đặt chân xuống châu lục để tham gia các trải nghiệm chân thực, chuyến đi đến Nam Cực với nhiều du khách luôn là cơ hội để nhìn thấy một thế giới khác. Đó là thế giới với vẻ đẹp hùng vĩ của những tảng băng trôi, sông băng và những cuộc phiêu lưu ngắm chim cánh cụt. Và việc ghé thăm Nam Cực hiện nay chưa bao giờ dễ dàng đến thế”, ông McDaniel của Cruise Critic cho biết.

Du lịch tại Nam Cực bắt đầu hình thành từ những năm 1950. Đến năm 1991 tổ chức IAATO được thành lập để thúc đẩy hoạt động du lịch an toàn và có trách nhiệm với môi trường tại cực Nam. IAATO đặt ra các hướng dẫn nghiêm ngặt liên quan đến bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, xử lý rác tránh làm hư hại thảm thực vật hoặc đưa các loài xâm lấn đến Nam Cực. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc