Ấn Độ từ góc nhìn chân thực

VH- Một ngày mới với người dân nơi đây thường bắt đầu từ những khu rừng tự nhiên xanh thẳm ở thủ đô New Delhi, họ đi bộ và tập thể dục, nhưng chủ yếu là tập yoga ngoài trời.

VH- Một ngày mới với người dân nơi đây thường bắt đầu từ những khu rừng tự nhiên xanh thẳm ở thủ đô New Delhi, họ đi bộ và tập thể dục, nhưng chủ yếu là tập yoga ngoài trời.

Yoga là môn khoa học đã ra đời ở Ấn Độ dễ tới hàng ngàn năm nay, rất tốt cho thân và tâm của người tập bởi mỗi động tác bao giờ cũng gắn với hít vào thở ra. Tập yoga mang lại cho người dân Ấn Độ sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, chịu đựng được mọi sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, lúc nóng thì như thiêu đốt, lạnh thì thấu xương. 
Bữa sáng của người dân Ấn Độ rất đơn giản, thường là làm tại nhà gồm bánh chapatti (một loại bánh làm bằng bột mì nướng bằng than củi) thêm cốc sữa tươi hoặc cốc trà sữa là tươm tất rồi. Nói đến sữa không thể không nói đến sự thành công của cuộc cách mạng trắng ở Ấn Độ, đó là nuôi bò, trâu, dê để sản xuất sữa phục vụ người dân và ngay cả người nghèo nhất Ấn Độ cũng có thể tiếp cận được nguồn dinh dưỡng này. Dọc các con đường trải dài khắp Delhi, vào buổi sáng, ta thường gặp những người đàn ông đẩy xe đầy rau và hoa quả đi bán rong khắp thành phố, họ ăn vận một loại quần như chiếc váy của phụ nữ, mời chào đon đả bằng tiếng Hindi, nhưng vẫn có thể giao tiếp ít nhiều bằng tiếng Anh nếu gặp khách ngoại quốc. Ở Ấn Độ, có một tập tục là người đàn ông trong gia đình phải là trụ cột, lao động từ tinh mơ đến xế chiều để kiếm sống, còn phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc con cái, đưa chúng đến trường, sau đó là quét dọn nhà cửa, ngay cả những phụ nữ có học thức vẫn cứ phải ở nhà như một định mệnh tiền kiếp của nền văn hóa ngàn đời lưu trên từng nếp nhăn gian khó của những người đàn ông nơi đây.
Công sở Ấn Độ phải 9h30 -10h00 sáng mới bắt đầu và kết thúc nghỉ trưa lúc 13h00. Chiều đến, vào giờ tan tầm thì thủ đô New Delhi ken đặc những người và người vì tắc nghẽn giao thông mà thủ phạm chính là xe ô tô, kế đến là các loại xe lam (scooter) và xe máy. Khi màn đêm đã nhuốm tím trời Delhi, ta có thể thấy vẻ đẹp lộng lẫy của các khách sạn 5 sao đẳng cấp thế giới nơi đây. Khách sạn sang trọng ở Delhi thường xây dựng trên một khu đất rộng mà vẻ dịu mát và thiên nhiên xanh có thể lan tỏa dịu dàng mà quyến rũ tới những vị khách khó tính nhất.
Tương phản với vẻ kiều diễm, tráng lệ của các khách sạn hay những tòa nhà sang trọng một cách huyền bí thì ta có thể bắt gặp những khu nhà ổ chuột ở ngoại ô Delhi, xập xệ và côi cút. Đó là khu ở của những người dân vô gia cư, họ là những người sống dưới mức nghèo khổ mà theo cách tính của Liên Hợp Quốc là không kiếm nổi 2 USD/ngày tương đương khoảng hơn 100 Rs (tiền Ấn Độ). Những chiếc lều tạm bợ nơi đây được dựng lên nhờ vài thân cây, phủ mái là bao bì, ni lông, vải bố… Họ sống qua ngày nhờ đi làm thuê bất cứ việc phổ thông nào, mang vác hàng, quét dọn, rửa bát đũa… nhưng ở họ lại ánh lên một niềm kiêu hãnh và tử tế là họ không bao giờ chặt phá rừng để bán lấy tiền, có chăng chỉ dám nhặt những cành cây khô đã qua bao mùa nắng mưa để làm củi đun để nấu cái gọi là bữa ăn hay làm chất đốt để sưởi trong những ngày đông lạnh giá đôi khi xuống vài độ C. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ở Ấn Độ thật đáng nể phục, dẫu bữa ăn còn chưa tròn trịa theo đúng khái niệm nhưng dường như các cánh rừng ở Delhi vẫn xanh một màu xanh kiêu hãnh, vẻ đẹp trường tồn suốt mùa khô và mùa mưa.
Một yếu tố làm nên sự đa dạng trong sắc màu văn hóa của người dân Ấn Độ, đó là sự đa tôn giáo: Hin du 79,8%; Hồi giáo 14,2%; Thiên chúa giáo 2,3%, Đạo Sikh 1,7%; Phật giáo 0,7% (dù Đức Phật là người Ấn Độ); Đạo Jain 0,4%; các đạo khác chiếm 0,9%. Mỗi đạo giáo ở Ấn Độ đều thờ các vị thần khác nhau, có đạo thì thờ thần khỉ, đạo khác thờ thần voi, có đạo lại thờ thần rắn… Hằng năm, hàng trăm triệu tín đồ phật tử từ khắp nơi trên thế giới hành hương về Bồ đề đạo tràng ở Bang Bihar của Ấn Độ để chiêm bái và cầu nguyện Phật Thích Ca cho mưa thuận gió hòa, cho quốc thái dân an. Tại Bodh gaya, cũng tọa lạc nhiều đền chùa của Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện, đặc biệt có chùa Việt Nam Phật Quốc tự do thầy Thích Huyền Diệu trụ trì. Hằng năm có nhiều đoàn Việt Nam từ các nước trên thế giới đến Ấn Độ chiêm bái Đất Phật, cũng ghé thăm chùa của thầy.
Ấn Độ có sự chênh lệch cao về giới tính, nam nhiều hơn nữ, do vậy nhiều chàng trai đến tuổi trưởng thành mà không lấy nổi vợ, thậm chí ở các làng quê xa xôi có khi mấy anh em trai lấy chung một vợ. Tập tục hôn nhân ở Ấn Độ có nhiều khác biệt so với truyền thống ở các nước, đó là cô dâu Ấn Độ khi đi lấy chồng phải thanh toán của hồi môn cho gia đình nhà chồng. Vậy nên, nhà nào có con gái ở Ấn Độ thì lo lắm, họ phải tiết kiệm tiền từ rất sớm để lo của hồi môn cho nhà trai. Thật đáng buồn thay cho các cô dâu Ấn Độ! Chính vì tỷ lệ phụ nữ ít mà vẫn xảy ra các vụ cưỡng bức phụ nữ ở Delhi hay các làng quê khác như các thông tin đại chúng đã đưa.
Người Ấn Độ rất tiết kiệm, họ không hoang phí tiền của vì kiếm được việc làm ổn định ở Ấn Độ cũng vô cùng khó khăn, nhất là lao động có tay nghề thấp. Thường chi tiêu của một người dân Ấn Độ mỗi ngày có khi cũng chỉ vài chục Rupee (khoảng vài USD). Những người giàu ở thủ đô Delhi thường là các thương gia buôn bán lớn hay các kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Ấn Độ là quốc gia đáng tự hào về công nghệ thông tin, đóng góp quan trọng và rất đáng kể cho thế giới về các dịch vụ phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng và các lĩnh vực khác.
Văn hóa Ấn Độ nhìn chung rất đa dạng, lung linh sắc màu qua từng đạo giáo, từng đẳng cấp xã hội và trình độ văn hóa. Người Ấn, đặc biệt là giới trí thức, rất giỏi hùng biện bởi họ sinh ra từ quê hương của nền triết học, sâu sắc và thâm thúy trong cách nghĩ, cương quyết trong hành động. Và tính gia trưởng của người Ấn là đương nhiên, họ thích cuộc sống theo vai vế, đẳng cấp xã hội. Người có đẳng cấp thấp trong xã hội không được ngồi ngang hàng với người có đẳng cấp cao, đôi khi phải đứng để trình bẩm một việc gì đó, giọng nói phải nhỏ nhẹ, ôn tồn. Khách quý đến nhà bao giờ cũng được chủ nhà quấn một vòng hoa nhỏ quanh cổ thể hiện sự trân trọng và mến khách. Tiếp khách trong nhà họ thường đốt nến thơm, không mấy khi bật đèn sáng trừ khi ở hội nghị, hội thảo.
Ấn Độ hôm nay đã và đang dần chuyển mình phát triển để trở thành một trong các cường quốc trên thế giới, có tính tự chủ và sở hữu cao về các bí quyết KH&CN, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Với nền văn hóa đa sắc màu, đa dạng trong thống nhất, cuộc sống của những người dân nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

Hoàng Hà

Ý kiến bạn đọc