Hãy là những người dùng mạng xã hội có văn hóa

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sau khi đăng bài trên trang cá nhân với mong muốn khán giả ủng hộ cả hai gameshow Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, NSND Tự Long bất ngờ bị chỉ trích là “ăn ké” độ hot của Anh trai say hi. Trước những bình luận khiếm nhã, nam nghệ sĩ đã lên tiếng thể hiện sự bất bình và cho biết, khán giả nên thưởng thức nghệ thuật dưới góc nhìn của những người có văn hóa.

 Hãy là những người dùng mạng xã hội có văn hóa - ảnh 1
Những bình luận ác ý nhắm vào NSND Tự Long vừa qua Ảnh: FBNV

Từ câu chuyện của NSND Tự Long, vấn nạn “ác khẩu” trên không gian mạng một lần nữa nóng lên. Dù ở góc độ nào, những tư tưởng độc hại này cũng không nên xuất hiện trên các nền tảng số cũng như ngoài cuộc sống…

Nghệ sĩ bị “tấn công” trên mạng

NSND Tự Long đang tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Cũng tại thời điểm này, Anh trai say hi cũng đang phát sóng. Do đó, fan hâm mộ thường có những so sánh, tranh luận về độ hot cũng như nội dung của hai gameshow. Trước đêm công diễn 3 của Anh trai vượt ngàn chông gai, NSND Tự Long đã đăng bài viết cổ động, mong khán giả cùng ủng hộ cả hai chương trình.

Dù bài viết mang ý tốt nhưng những gì anh nhận về lại là “gạch đá” của một bộ phận khán giả, bởi họ cho rằng anh đang “dựa hơi” show Anh trai say hi để “câu kéo” thêm khán giả về với Anh trai vượt ngàn chông gai. Sau đó, NSND Tự Long đã chụp màn hình, chia sẻ một số bình luận nói về việc anh “chưa đủ tầm” để nhắc đến Anh trai say hi hay “hết fame”, “đu” theo độ hot của người khác...

Trước những comment khiếm nhã, nam nghệ sĩ bức xúc lên tiếng: “Câu chuyện này nên rạch ròi. Ai yêu ai, thích ai cũng được, nhưng hãy nhớ chúng ta đang thưởng thức nghệ thuật dưới góc nhìn của những người có văn hóa”. Đồng thời, anh cũng đặt vấn đề: “Nếu chỉ vì thần tượng của mình mà quên đi những giá trị tốt đẹp hay bỏ qua cả những chuẩn mực về đạo đức, liệu có đáng hay không?”.

Thời gian qua, NSND Tự Long thu hút sự chú ý khi tham gia show Anh trai vượt ngàn chông gai. Dù đã ở độ tuổi U60, nhưng độ hot của anh không hề thua kém các gương mặt trẻ. Thậm chí, nam nghệ sĩ còn được khán giả yêu mến hơn vì thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, không ngần ngại thử sức, làm mới mình khi hòa nhập vào xu hướng đương đại. Các tiết mục của anh được dàn dựng mang đậm sắc màu truyền thống với thông điệp “giữ gìn văn hóa dân tộc” thực sự là tấm gương cho giới trẻ noi theo. Tuy nhiên, vẫn có không ít người đang cố nhắm vào anh với những lời lẽ tiêu cực, chỉ vì mục đích “được nổi danh trên mạng xã hội”.

Cách đó không lâu, giữa hai show này cũng xảy ra tranh luận. Một số khán giả cho rằng, ý tưởng sân khấu Trái đất ôm mặt trời của Nhà Trẻ có nét tương đồng với You had me at hello mà đội Isaac thể hiện tại live stage 2 của show Anh trai say hi. Anh tài Hà Lê, một trong những nghệ sĩ diễn Trái đất ôm mặt trời đã lên tiếng mong khán giả kiềm chế hơn trong bình luận: “Tự dưng có người kêu đạo ý tưởng, nghe hơi buồn cười. Ngày mình quay là 16.7, không biết ai đạo ai. Nói là trùng hợp thì sẽ duyên dáng hơn, chứ nói đạo nhái thì người phát ngôn cũng nên tự xem lại mình. Nếu có đạo thì bọn mình sẽ tìm những thứ đẳng cấp thế giới để đạo…”.

 Hãy là những người dùng mạng xã hội có văn hóa - ảnh 2
Các nghệ sĩ mong muốn lắng nghe những bình luận góp ý mang tính chuyên môn từ khán giả. Ảnh: Anh trai vượt ngàn chông gai

Tránh bình luận theo kiểu “bỏ bóng, đá người”

Về bản chất, tranh luận trái chiều là hành vi tích cực. Nếu người tham gia có tinh thần thiện chí, biết lắng nghe, lập luận chặt chẽ để cùng tìm ra sự đồng thuận, thì dù ở khía cạnh nào chúng cũng góp phần nâng cao nhận thức, đóng góp vào sự phát triển chung. Đã làm nghệ thuật, ai cũng muốn được nghe những ý kiến trên tinh thần xây dựng để ngày một tốt hơn.

Thế nhưng, thay vì bình tĩnh để đưa ra nhận định trước khi “gõ phím”, một bộ phận khán giả lại chẳng cần biết đúng sai, cứ “đánh cho chừa” trước đã. Gạt hẳn chuyên môn sang một bên, những đối tượng này bình luận theo kiểu “bỏ bóng, đá người”, quy tất cả là tại nghệ sĩ. Thực tế, những hành vi như vậy chẳng những không nhận được đồng thuận mà còn bộc lộ sự kém văn hóa. Chỉ với vài cú click chuột, người dùng đã có thể tạo ra một tài khoản ẩn danh mà chẳng ai biết đó là ai. Chỉ đến khi xảy ra hậu quả, cơ quan chức năng vào cuộc, kẻ nấp trong bóng tối mới bị đưa ra ánh sáng.

Mặt khác, những điều vốn không bao giờ được chấp nhận trong đời thực lại nhận được đồng thuận dễ dàng trên không gian ảo. Với độ mở của các nền tảng, không ít “anh hùng bàn phím” tự do tung hoành, buông lời cay nghiệt, tục tĩu, thóa mạ mà chẳng màng đến sự tổn thương của người khác. Cùng với đó, tâm lý đám đông, sự hùa theo cũng làm gia tăng những tư tưởng độc hại, đặc biệt nguy hiểm cho lớp trẻ…

Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Computers in Human Behavior, những bình luận ác ý hoặc tiêu cực sẽ thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội hơn nhiều so với những bình luận tích cực. Bình luận ảo nhưng đưa đến hậu quả thật. Trên thế giới, đã nhiều lần khán giả phải nghe những câu chuyện đau lòng về việc nghệ sĩ tự kết thúc cuộc đời mình sau quãng thời gian dài bị “tra tấn” bởi bạo lực mạng. Bên cạnh câu chuyện người dùng cần chung tay để đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, bản thân nghệ sĩ cũng phải tự dựng “hàng rào” bảo vệ cho chính mình.

Trước đây, không ít lần, dù là nạn nhân và bị thiệt hại nhiều về danh dự, tiền bạc, tinh thần nhưng giới nghệ sĩ hầu như đều phản ứng “xua tay”, rồi im lặng bỏ qua. Điều này càng khiến họ dễ dàng trở thành tâm điểm bị tấn công. Thậm chí, một số kẻ xấu còn lập nên những “chiến dịch truyền thông bẩn” nhằm hạ bệ, chia rẽ giới nghệ sĩ hoặc tăng tương tác cho những hội nhóm mà những đối tượng xấu đã lập ra, làm vấy bẩn văn hóa ứng xử. Việc phòng, chống lại những hành động công kích nhằm vào nghệ sĩ trên không gian mạng, nhất định phải có sự đồng hành từ phía người sử dụng mạng xã hội, nạn nhân và cơ quan chức năng... Bởi, có “chung tay thì mới hay tiếng vỗ”! 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc