Nhà hát múa rối Thăng Long:

Ngọn hải đăng của nghệ thuật nước nhà

THÚY HIỀN

VHO - Ngày 25.12, Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập. Suốt hơn nửa thế kỷ phấn đấu và phát triển, Nhà hát đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật truyền thống thành công nhất, với nhiều kỷ lục ấn tượng như: Biểu diễn tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; thu hút lượng khán giả đông đảo nhất; tiếp đón nguyên thủ, chính khách quốc tế nhiều nhất và là Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn kín 365 ngày trong năm.

Ngọn hải đăng của nghệ thuật nước nhà - ảnh 1
Tập thể cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long

 Dấu ấn trên bản đồ kỷ lục thế giới

55 năm qua, với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ nghệ sĩ, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã khẳng định được tên tuổi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, góp phần đưa nghệ thuật rối nước truyền thống nói riêng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung - với các phẩm chất yêu lao động, yêu hòa bình, với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc… ra thế giới.

Trung bình mỗi ngày, đơn vị biểu diễn 5 suất, thu hút hơn 300 khách mỗi suất, có thời điểm lên tới 8 suất/ ngày. Hầu hết du khách nước ngoài khi công tác, làm việc hay du lịch tại Hà Nội đều ghé thăm Nhà hát để thưởng thức chương trình múa rối. Kể từ năm 1992, ước tính có khoảng 42 triệu lượt khách đã đến với Nhà hát. Thương hiệu Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở nên quen thuộc với mọi người. Trong các chuyến lưu diễn quốc tế từ châu Âu, châu Á đến châu Úc, đơn vị đã phục vụ hơn 200.000 khán giả. Những con số ấn tượng này đã xác lập kỷ lục người xem của Nhà hát.

Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật, năm 2007, Nhà hát Múa rối Thăng Long trở thành đơn vị nghệ thuật duy nhất được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Biểu diễn tất cả 365 ngày/năm” với 2.000 suất diễn. Ngày 18.9.2013, Trung tâm Sách Kỷ lục châu Á chính thức xác nhận Nhà hát là đơn vị duy nhất ở châu Á đạt kỷ lục “Diễn rối nước 365 ngày/năm” (1994-2013), đồng thời có buổi biểu diễn rối nước dài nhất. Đây là vinh dự đáng tự hào, khẳng định Nhà hát là nơi lý tưởng để tìm hiểu về văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Giữ hồn Việt trong từng con rối...

Giai đoạn 2019-2024, nghệ thuật sân khấu cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng không nằm ngoài thử thách này. Tuy nhiên, với tư duy nhạy bén và táo bạo, NSƯT Trần Thị Hiền - nữ Giám đốc tài năng của Nhà hát đã thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động của đơn vị khi khéo léo cân bằng giữa việc gìn giữ cốt lõi truyền thống và sáng tạo hiện đại, mở ra những hướng phát triển vượt trội. Nhà hát đã nhanh chóng triển khai các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn online để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy nghệ thuật rối nước, phục dựng tạo hình con rối trong những tích trò cổ, cải tạo khu trưng bày gắn với mặt nước hồn quê Bắc Bộ - nơi sinh dưỡng nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc.

Sau đại dịch Covid-19, khi được phép biểu diễn trở lại, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã nhanh chóng phục hồi và các buổi diễn lại “cháy vé”. Từ cuối năm 2023, kỷ lục “365 ngày đỏ đèn/năm” được tái lập, với số lượng suất diễn tăng lên 5-7 suất/ngày. Trong năm 2023, doanh thu của Nhà hát đạt 56 tỉ đồng với hơn 1.600 suất diễn. Địa chỉ 57B Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội tiếp tục trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước khi thăm Thủ đô. Năm 2024, Nhà hát nhận được hàng loạt đánh giá 5 sao từ khách du lịch quốc tế trên TripAdvisor - nền tảng du lịch lớn nhất thế giới; lọt vào top 10% hoạt động giải trí trên toàn cầu và được trao giải thưởng Tripadvisor Travelers’ Choice Awards 2024 (Cấp 2)…

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nhà hát đã triển khai một sáng kiến tuyệt vời: Trước khi vào xem, khán giả có thể lựa chọn bộ thông dịch gồm 8 thứ tiếng được thu âm sẵn. Trong quá trình theo dõi buổi diễn, cứ đến tiết mục nào, kỹ thuật viên sẽ bấm trực tiếp vào nội dung tương ứng để chuyển tải đến khán giả. Nhờ vậy, khoảng cách giữa người xem và người diễn được rút ngắn đáng kể; những hình dung, tưởng tượng về truyền thống, phong tục, văn hóa và vẻ đẹp của đồng bằng Bắc Bộ, của đất nước Việt Nam cũng nhờ thế mà được khích lệ, gợi mở hơn rất nhiều.

 Thành tựu mà mọi nhà hát trên thế giới đều mơ ước

Hơn nửa thế kỷ qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã làm hồi sinh và đưa nghệ thuật rối nước cổ xưa của Việt Nam bước lên đỉnh vinh quang, trở thành “ngọn hải đăng” trong nghệ thuật nước nhà. Thật tự hào vì múa rối nước của chúng ta đang có được thành công rực rỡ chưa từng có, bước ra khỏi sân khấu nhỏ làng quê, vượt đại dương, vượt qua mọi biên giới để tiến lên những sân khấu hiện đại, tỏa sáng và làm mê hoặc trái tim khán giả.

Từ nhiều năm nay, Nhà hát luôn sáng đèn suốt 365 ngày trong năm với 8 suất diễn kín chỗ mỗi ngày - đây là thành tựu mà mọi nhà hát trên thế giới đều mơ ước…

(PGS.TS TẠ QUANG ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ VHTTDL)

Thành tựu xuất sắc trong công tác chính trị, văn hóa và đối ngoại

Cùng với sự đổi mới trong phương thức điều hành, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng bắt kịp xu hướng thời đại, vừa phát huy thế mạnh nghệ thuật truyền thống, vừa mở rộng sang các lĩnh vực khác. Đơn vị đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như chương trình biểu diễn văn hóa thể thao Hà Nội “Niềm tin và hy vọng” kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cụ Nguyễn Phong Sắc và 200 năm danh xưng Ninh Bình… Đặc biệt, Bộ VHTTDL, thành phố Hà Nội và Sở VHTT Hà Nội đã tin tưởng giao cho Nhà hát tổ chức Lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31, sự kiện nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí, các đoàn VĐV và khán giả.

Khẳng định năng lực tổ chức, Nhà hát Múa rối Thăng Long tiếp tục được giao thực hiện nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn như Lễ hội Phù Đổng, Đại hội Thể thao Thủ đô Hà Nội 2022, chương trình nghệ thuật “Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt - Pháp” lần thứ 12, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng... Gần đây nhất, chương trình Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô do Nhà hát thực hiện đã để lại ấn tượng sâu đậm, nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới nghề cũng như báo chí, truyền thông.

 Một biểu tượng văn hóa độc đáo

Nhà hát Múa rối Thăng Long không chỉ là nơi biểu diễn mà còn là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, đưa văn hóa Việt hòa mình vào dòng chảy của văn hóa thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc trước sự mộc mạc, giản dị trong từng con rối gỗ, từng làn điệu chèo, trống, sáo… nhưng cũng không thiếu sự sáng tạo, khi Nhà hát khéo léo kết hợp công nghệ và ánh sáng hiện đại vào các tiết mục. Điều này vừa làm phong phú thêm trải nghiệm của khán giả, vừa khẳng định rằng nghệ thuật truyền thống có thể phát triển mạnh mẽ trong thời đại hội nhập .

(Giám đốc Sở VHTT Hà Nội ĐỖ ĐÌNH HỒNG)

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện chính trị lớn trong nước, công tác đối ngoại và giao lưu văn hóa quốc tế của Nhà hát Múa rối Thăng Long tiếp tục được duy trì thường xuyên, ngày càng bài bản và chuyên nghiệp; góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; khơi dậy tình cảm gắn bó của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà hát đã có những chuyến lưu diễn thành công tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Nga, đồng thời vinh dự được đón tiếp nhiều chính khách quốc tế đến xem biểu diễn và tìm hiểu nghệ thuật rối nước truyền thống Việt Nam, có thể kể đến: Thái tử Đan Mạch Frederik, Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rossen Dimitrov Jeliazkov cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bulgaria, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trung Quốc Lư Ánh Xuyên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Cuba Oscar Manuel Silvera Martínez, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Iran - Việt Nam Jalil Rahimi Jahan Abadi... Năm 2023, TP Hà Nội đã tặng bằng khen cho Nhà hát vì những thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại.

Trong 5 năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã ghi dấu ấn với những thành tích nổi bật: UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm 2019; Bằng khen cho thành tích trong tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; tại Liên hoan Sân khấu Mở rộng Hà Nội 2024, Nhà hát giành 1 HCV cho vở diễn Hoàng đế cờ lau, 1 giải đặc biệt cho nghệ sĩ Xuân Long và 5 HCV, 4 HCB cho các cá nhân nghệ sĩ…

Chia sẻ với Văn Hóa, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Trần Thị Hiền cho biết: “Bước vào mốc son 55 năm, Nhà hát luôn không ngừng sáng tạo để đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ sau tiếp bước và gặt hái những thành công mới. Nhà hát sẽ chú trọng phát triển về nghệ thuật, xây dựng các chương trình dành riêng cho khán giả nhí và tiếp tục tổ chức các chuyến lưu diễn giới thiệu nghệ thuật rối Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đồng thời, Nhà hát cũng sẽ nắm bắt cơ hội và tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm vóc quốc tế, khu vực và quốc gia, thể hiện sức mạnh thời đại và tư duy sáng tạo bắt nhịp xu hướng phát triển mới”.