Ứng dụng công nghệ 4.0:

Cơ hội vàng để nghệ thuật biểu diễn chuyển mình

ĐÌNH TOÁN

VHO - Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ 4.0 đang mở ra cánh cửa mới cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam vươn tầm hiện đại. Từ sân khấu kịch, hòa nhạc, múa đương đại đến các chương trình nghệ thuật tổng hợp, hiệu ứng hình ảnh - âm thanh - ánh sáng tương tác đã góp phần tạo nên những không gian nghệ thuật sống động, đột phá trong cảm xúc và trải nghiệm của khán giả.

Cơ hội vàng để nghệ thuật biểu diễn chuyển mình - ảnh 1
Công nghệ 4.0 mang đến trải nghiệm mới cho khán giả. Ảnh: NAM NGUYỄN

Tuy nhiên, hành trình đưa công nghệ vào nghệ thuật không hề bằng phẳng. Thiếu kinh phí, hạn chế hạ tầng và nhân lực chuyên sâu đang là những “nút thắt” lớn cần tháo gỡ để nghệ thuật biểu diễn thực sự bứt phá trong kỷ nguyên số.

Phận “con nhà nghèo”

Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và công nghệ 4.0 đã cho ra đời những sản phẩm và trải nghiệm độc đáo, mang tính tương tác, cá nhân hóa cao mà trước đây khó có thể thực hiện được. Theo TS Trần Thị Minh Thu (Trưởng ban Nghiên cứu nghệ thuật - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Bộ VHTTDL), công nghệ 4.0 cho phép khán giả đắm chìm trong không gian biểu diễn như thật, tạo nhiều hiệu ứng sống động, cuốn hút người xem; giúp nghệ thuật biểu diễn tiếp cận khán giả toàn cầu, vượt qua giới hạn về địa lý.

“Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở nước ta còn nhiều hạn chế. Một phần vì sử dụng khó, chi phí vận hành cao, phần vì cơ sở vật chất và trang thiết bị đã lạc hậu hoặc không được đầu tư đồng bộ. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự kỹ thuật còn chưa nắm chắc cách vận hành công nghệ mới.

Các biên đạo, đạo diễn cũng chưa hiểu rõ tác dụng, phương pháp áp dụng vào thực tế. Một số chương trình dù được áp dụng công nghệ mới lại chưa đảm bảo tính nghệ thuật, tương tác, thiên về trình chiếu hình ảnh dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thị trường công nghiệp biểu diễn ở nước ta cũng vì thế chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có”, TS Trần Thị Minh Thu nhận định.

Đồng quan điểm, TS Phạm Việt Hà (Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường - Bộ VHTTDL) cho biết, hạn chế lớn nhất trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là về hạ tầng công nghệ. Phần lớn các nhà hát, sân khấu đều trong tình trạng thiếu hụt thiết bị hiện đại như hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn quốc tế, màn hình trình chiếu lớn, công nghệ AR/VR, hologram…

TS Phạm Việt Hà cho biết thêm, các đơn vị nghệ thuật hiện cũng phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực công nghệ - nghệ thuật chất lượng cao. Tâm lý e ngại đổi mới của một bộ phận nghệ sĩ, đạo diễn, nhà quản lý và việc chưa định hình rõ ràng thị trường nghệ thuật công nghệ số cũng gây ra một số khó khăn cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Dẫn ví dụ từ thực tế, NSƯT Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam) chia sẻ, Nhà hát phải đối mặt với khó khăn “đủ mọi bề” khi hệ thống âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, lạc hậu, chưa được đầu tư đồng bộ; không có người vận hành máy móc chuyên nghiệp. Các thế hệ lãnh đạo Nhà hát đều đưa ra chiến lược, giải pháp đầu tư máy móc, cơ chế chính sách cho người thực hiện công việc kỹ thuật… nhưng tất cả vẫn đang bị ràng buộc bởi bài toán tiền lương và cơ chế. Không chỉ Nhà hát Kịch Việt Nam, câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam (nay là Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam)…

Xây dựng chiến lược phát triển toàn diện

Từ những bất cập xuất phát từ thực tiễn, TS Phạm Việt Hà cho rằng, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, nghệ sĩ, khán giả và toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ trong sáng tạo và trình diễn nghệ thuật.

Trong đó, cần xóa bỏ tâm lý e ngại, bảo thủ cho rằng “công nghệ làm mất chất của nghệ thuật và sai lệch bản sắc văn hóa truyền thống”. Thay vào đó, nên nhìn nhận công nghệ như một công cụ hỗ trợ sáng tạo, truyền tải và mở rộng không gian biểu diễn.

Đối với giải pháp về tài chính, chính sách, ThS Nguyễn Thị Phương Lan (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) đề xuất: Chính phủ và các tổ chức văn hóa cần có phương án cung cấp các khoản tài trợ hoặc vay ưu đãi để các đoàn nghệ thuật tiến hành đầu tư vào công nghệ. Các mô hình gọi vốn cộng đồng cũng có thể được khuyến khích. Ngoài ra, cần áp dụng chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, có thể nghiên cứu, thành lập các quỹ chuyên biệt để hỗ trợ dự án nghệ thuật ứng dụng công nghệ 4.0.

TS Nguyễn Đức Quyền (Học viện Cán bộ TP.HCM) nêu rõ, việc kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn nhà nước và nguồn lực xã hội sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, giúp nghệ thuật biểu diễn nước nhà không chỉ giữ vững giá trị truyền thống mà còn vươn tầm quốc tế, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của công chúng và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, phải ưu tiên sử dụng nguồn lực để mua sắm trang thiết bị hiện đại và xây dựng nền tảng công nghệ tiên tiến, phục vụ trực tiếp cho quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Đặc biệt, TS Nguyễn Đức Quyền nhận định, để thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cần xây dựng và triển khai chiến lược phát triển toàn diện. Chiến lược này không chỉ dừng lại ở việc định hướng chung cho nghệ thuật biểu diễn, mà còn phải chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ một cách sâu rộng và có hệ thống. Mục tiêu là tận dụng tối đa những lợi thế mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời chủ động hội nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới.

NSND Doãn Bằng (Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) đề xuất, cần có nguồn lực để thực hiện đầu tư mua sắm, cập nhật thiết bị, cách sử dụng và áp dụng thiết bị, phần mềm thế hệ mới nhất vào thực tiễn nghệ thuật sân khấu; đầu tư xây lắp hệ thống kỹ thuật hậu trường, sàn diễn công nghệ cao tự động hóa. Khi có được trang thiết bị hiện đại, chúng ta cũng cần có nguồn lực để mời các chuyên gia hàng đầu từ nước ngoài sang tập huấn, đào tạo cho các nghệ sĩ, kỹ sư Việt Nam về kỹ năng sử dụng và sáng tạo trên nền tảng công nghệ cao vào tác phẩm sân khấu.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ không chỉ mở rộng không gian sáng tạo, mà còn tạo động lực mới để nghệ thuật biểu diễn Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, bắt nhịp thời đại số và khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc