Bạo hành trẻ em và trục lợi mang danh từ thiện

ANH HUY

VHO - Vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng ở Mái ấm Hoa Hồng là bài học xót xa cho những người làm công tác bảo trợ xã hội. Câu chuyện gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa nhân cách, coi thường pháp luật của một số kẻ tự xưng là “mẹ hiền” của những em nhỏ bất hạnh, để không chỉ trục lợi trên danh nghĩa từ thiện mà còn thẳng tay hành hạ dã man con trẻ.

 Bạo hành trẻ em và trục lợi mang danh từ thiện - ảnh 1
Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng hiện đã bị thu hồi giấy phép và tạm giữ các cá nhân, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

 Qua đây, công tác quản lý cần phải được nhìn nhận lại một cách chặt chẽ và thật sự có trách nhiệm từ cơ quan chức năng, để không xảy ra những câu chuyện đau lòng như ở mái ấm thiện nguyện Hoa Hồng.

Cần đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả điều tra vụ án “Hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12, thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, qua kiểm tra, xác minh, bước đầu xác định, cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng LĐ,TB&XH quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7.2023, do bà Giáp Thị Sông Hương (sinh năm 1974, cư trú quận Gò Vấp, TP.HCM) là người đại diện theo pháp luật và trực tiếp quản lý. Cơ sở có 12 nhân viên bảo mẫu và 2 nhân viên lái xe. Tại thời điểm kiểm tra, có 86 cháu bé thuộc diện mồ côi (từ 2 tháng đến 3 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại đây, vượt quá số lượng cấp phép là 47 trẻ.

Khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ và áp dụng các biện pháp điều tra, đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP đã có đầy đủ chứng cứ và cơ sở pháp lý xác định Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, cư trú tỉnh Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (sinh 1977, cư trú tỉnh Sóc Trăng) nhiều lần đánh đập các cháu bé trong mái ấm. Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với hai đối tượng Cẩm và Tuyền về tội “hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Đại diện Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cho biết, Mái ấm Hoa Hồng là loại hình hoạt động trợ giúp xã hội ngoài công lập, không thu phí, có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ. Trong quá trình thành lập đến nay, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH quận phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần (vào tháng 11.2023 và tháng 4.2024).

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 12 đã thực hiện giám sát tại cơ sở này vào tháng 7.2024. Đồng thời, UBND phường Trung Mỹ Tây cũng đã thực hiện kiểm tra thường xuyên. Thế nhưng, bằng những thủ đoạn tinh vi, các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép.

Từ sự việc trên, Sở LĐ,TB&XH nhận định, đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật. Sở đã đề nghị cơ quan Cảnh sát Điều tra nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai nhằm ngăn chặn các hành vi tương tự tái diễn.

Đến nay, Sở LĐ,TB&XH đã bố trí các bé vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức), Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức) và Làng trẻ em Gò Vấp, có 2 trẻ được gia đình tiếp nhận.

Cần chặn đứng những “mẹ mìn” đội lốt thiện nguyện

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc Mái ấm Hoa Hồng bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em; có liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo. Ngay sau khi bị báo chí phát hiện, Bộ đã phối hợp với UBND TP.HCM và các cơ quan, ban, ngành khẩn trương vào cuộc, xử lý ngay vụ việc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý, thể hiện qua việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng chưa được phát hiện. Qua đây, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát trên cả nước. Cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì dừng; cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí, điều kiện thì khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cho biết, đã thông báo kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở trợ giúp, nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Theo đó, 3 đoàn kiểm tra được thành lập và sẽ kiểm tra các cơ sở ngay trong tháng 9. Mục tiêu của đợt giám sát toàn diện này nhằm nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác trợ giúp xã hội. Đồng thời đánh giá toàn diện về chính sách, thủ tục, hồ sơ quản lý cũng như cách sử dụng các nguồn hỗ trợ, tài trợ... Từ đó phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh và hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.

Đối với các cơ sở chưa cấp phép và chuẩn bị cấp phép, ông Lê Văn Thinh yêu cầu cơ quan chức năng cần tiến hành thẩm tra, thẩm định, đảm bảo đủ điều kiện mới được cấp phép; khi đã cấp phép, phải đưa vào cơ chế là giám sát, kiểm tra, sớm ngăn chặn các tình huống tương tự xảy ra.

Vụ việc bạo hành trẻ em, nhân danh từ thiện để trục lợi xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng không chỉ gây chấn động dư luận mà còn là câu hỏi lớn về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc điều hành các tổ chức phi lợi nhuận. Sự việc đau lòng này một lần nữa đặt ra yêu cầu các cơ sở nuôi dạy trẻ, bao gồm các cơ sở từ thiện, cần được đưa vào hệ thống quản lý chặt chẽ, minh bạch để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho các em.