Quảng Ngãi chú trọng truyền thông về giảm nghèo bền vững
VHO - Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công tác truyền thông chính là yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp cận các nguồn lực để vươn lên thoát nghèo.
Ba Khâm là xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm về phía Đông Nam của huyện Ba Tơ. Thời gian qua, UBND xã đã phân công 1 cán bộ thường xuyên trực đài để phát lại các bài tin tức cho nhân dân theo thời biểu cụ thể: sáng từ 5 giờ - 6 giờ; trưa từ 11 giờ – 12 giờ; chiều từ 17 giờ – 18 giờ. Ngoài việc phát lại các thông tin của đài phát thanh cấp trên, phương tiện truyền thông luôn đưa tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, dựa án giảm nghèo, giới thiệu một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.
Tuyên truyền, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo. Truyền thông về các tấm gương điển hình; những sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội; thông tin các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”; mô hình, sáng kiến giảm nghèo hiệu quả; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Chị Bùi Thị Kim Phúc, cán bộ Đài truyền thanh - quản lý nhà văn hóa xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức chia sẻ, toàn xã có 37 cụm loa ở 6 thôn, mỗi ngày, ngoài tiếp sóng trực tiếp từ Đài truyền thanh trung ương, tỉnh, huyện, xã xây dựng bản tin, chương trình riêng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để phát trên các cụm loa truyền thanh tại địa phương. Tùy theo điều kiện thực tế, chuỗi sự kiện thời sự mà hàng ngày, hay mỗi tuần chị sẽ chọn và thêm vào chủ trương, chính sách giảm nghèo, giới thiệu một vài mô hình làm ăn hiệu quả thực tế của người dân địa phương để phát sóng.
“Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống truyền thanh của xã, tôi luôn thực hiện đúng nguyên tắc, hiệu quả. Đối với các bản tin của địa phương, tôi biên tập nội dung sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, mọi người tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, nhất là các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Hệ thống loa ở xã ngày nào cũng mở để bà con nghe”, chị Phúc nói.
Thời gian qua, công tác truyền thông về giảm nghèo ở huyện Mộ Đức được đổi mới. Không chỉ tuyên truyền bằng loa truyền thanh, huyện đã tổ chức các cuộc thi, các chương trình tìm hiểu về chính sách, chủ trương giảm nghèo bằng nhiều hình thức sân khấu hóa. Đơn cử như “Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo năm 2024” của huyện đã thu hút đông đảo cán bộ và người dân trong huyện tham gia. Qua đó, thông điệp về giảm nghèo bền vững đã được truyền tải một cách dễ nhớ, dễ hiểu, không khô cứng như các văn bản hành chính. Góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Trưởng Phòng VHTT huyện Nghĩa Hành Vũ Thị Kim Loan cho biết, địa phương xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về các mô hình giảm nghèo bền vững tại huyện. Thông qua các đợt khảo sát về địa phương, nhận thấy người dân nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, các mô hình, các gương điển hình tại huyện rất nhiều… Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân mà còn góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn và vùng khó khăn.
Tuy nhiên, theo bà Loan để các mô hình này được nhân rộng và lan tỏa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan chức năng. Các chương trình truyền hình, báo chí địa phương có thể đưa ra những câu chuyện thành công của người dân, những mô hình giảm nghèo hiệu quả để từ đó tạo ra sự lan tỏa và khuyến khích cộng đồng tham gia. Huyện đã phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, đăng tải các phóng sự về gương những người nông dân, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật… đã có cách làm hay giúp bản thân và người dân cùng thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xã hội: Việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube... có thể giúp tiếp cận nhanh chóng tới đông đảo người dân hơn, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ tuổi và người dân ở vùng sâu, vùng xa. Các video clip, bài viết, tin tức về các mô hình giảm nghèo bền vững có thể giúp truyền tải thông điệp một cách sinh động và dễ hiểu, gần gũi.
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá công tác giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho biết, để triển khai thực hiện Chương tình MTQG giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2021-2025, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng với cơ quan báo chí, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực và tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông về Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.
Sở Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo về thông tin của Chương trình.
Từ 2022-2024, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh đã tổ chức sản xuất, đăng tải hơn 1.200 tin, bài, ảnh, phóng sự, chương trình với nhiều loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình để phổ biến kiến thức, mô hình hay về phát triển kinh tế gia đình.
Đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên nền tảng số, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông về giảm nghèo thông tin từ đó đưa thông điệp truyền thông đến đa số các đối tượng trong xã hội, giúp cộng đồng tiếp cận thông tin nhanh hơn.
Tạo các kênh truyền thông hai chiều, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước và tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về việc thực hiện Chương trình. Thường xuyên cập nhật các nội dung thông tin về Chương trình và chính sách giảm nghèo trên trang Thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương.
Trong thời gian đến, cần tăng cường việc phối hợp với các cấp, ngành, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo thông tin đối với các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để các đơn vị kịp thời tổ chức công tác truyền thông hiệu quả những mô hình, cá nhân điển hình về thực hiện tốt công tác giảm nghèo về thông tin.
“Tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đề xuất thiết lập Đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông của từng huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin. Hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần đảm bảo các cụm loa truyền thanh hoạt động thường xuyên tại các thôn, tổ dân phố phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền về giảm nghèo…”, ông Trường nhấn mạnh.