Quảng Ngãi:

“Phủ sóng” không dùng tiền mặt ở nông thôn

NHƯ ĐỒNG

VHO - Với việc thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại tiện ích cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn.

“Phủ sóng” không dùng tiền mặt ở nông thôn - ảnh 1
Khách thanh toán quét mã QR Code tại quán cà phê trên đoạn đường Tế Hanh, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn

Thị trấn Châu Ổ là địa phương tiên phong trên địa bàn huyện Bình Sơn xây dựng mô hình tuyến phố thanh toán không tiền mặt. Sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại tuyến đường Tế Hanh, Tổ dân phố 6, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã tạo nên hiệu ứng tích cực, thúc đẩy các hộ kinh doanh và người tiêu dùng sử dụng phương thức giao dịch thanh toán trực tuyến, tự tin thụ hưởng những tiện ích mà công nghệ số mang lại.

Tuyến phố thanh toán không tiền mặt có hơn 30 hộ dân, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký triển khai. Để thực hiện hiệu quả mô hình, thời gian qua, UBND thị trấn Châu Ổ đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, các ngân hàng chi nhánh trên địa bàn thị trấn thành lập tổ công tác tới từng hộ kinh doanh để tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký tài khoản, QR code, hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử.

Anh Dương Hồng Trung, Tổ dân phố Giao Thuỷ chia sẻ: “Thanh toán chuyển khoản không dùng tiền mặt tôi thấy có rất nhiều lợi ích, trong đó là hạn chế vấn đề rủi ro về tiền bạc, thanh toán rất linh hoạt, nhanh chóng rất tiện ích”.

“Phủ sóng” không dùng tiền mặt ở nông thôn - ảnh 2
Tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký tài khoản, QR code

Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Châu Ổ cho biết Lê Văn Huyên cho biết, thực hiện công tác chuyển đổi số, thị trấn đã chọn tuyến đường Tế Hanh để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đa số người dân trên tuyến đường đã thực hiện khá hiệu quả. Bước đầu đem lại thuận lợi cho giao dịch kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại  tuyến đường Tế Hanh.

“Hiện nay thị trấn Châu Ổ đang triển khai các tuyến đường khác như tuyến đường Phạm Văn Đồng, và một số tuyến đường ở khu dân cư Đông Nam, chợ Châu Ổ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến và được đông đảo người dân, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở giáo dục, chợ… trên địa bàn thị trấn Châu Ổ hưởng ứng thực hiện”, ông Huyên cho biết thêm.

“Phủ sóng” không dùng tiền mặt ở nông thôn - ảnh 3
Triển khai thực hiện “ Chợ và Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành

Ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành đã triển khai thực hiện “ Chợ và Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” gồm: Chợ Gò Gai và Tuyến đường tỉnh lộ 628 đoạn qua thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức và 1 số tuyến đường chính trong xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Thị Bích Ra cho biết, khi triển khai thực hiện “Chợ và Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” các Tiểu thương, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp và người dân được chính quyền xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên  xã, Công an xã, Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn và cán bộ Viettel chi nhánh Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi…hỗ trợ, hướng dẫn các thao tác thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh trong thanh toán bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp...

Đồng thời, khi thực hiện “Chợ và Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” bộ phận hỗ trợ của xã Hành Đức và cán bộ Viettel giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mọi lúc mọi nơi khi có yêu cầu.

Tại huyện đảo Lý Sơn, chính quyền địa phương đã phối hợp với các Ngân hàng, các tổ chức tín dụng thường xuyên tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng, sử dụng ngân hàng số. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán điện tử trong việc nộp lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ, như: Điện, nước, điện thoại, Internet,...

Tính đến cuối tháng 7.2024, trên địa bàn huyện Lý Sơn có khoảng 20 nghìn lượt giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử với doanh số thanh toán trên 500 tỷ đồng; 112 khách hàng nộp thuế điện tử với số tiền 5 tỷ đồng; 100% người thụ hưởng lương hưu, bảo trợ xã hội đều có tài khoản ngân hàng,...

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ tiện ích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Đồng thời, địa phương cũng phối hợp cùng các cơ quan chức năng để đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt nhất để người dân có thể sử dụng phương thức thanh toán này mọi lúc, mọi nơi.

“Phủ sóng” không dùng tiền mặt ở nông thôn - ảnh 4
Tiểu thương được hướng dẫn không sử dụng tiền mặt

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nên hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ngãi đã được những kết quả tích cực. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn không ngừng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển tài khoản giao dịch tại ngân hàng cho người dân từ 15 tuổi trở lên, đặc biệt người dân cũng có thể dễ dàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức EKYC mà không cần đến ngân hàng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm,...

“Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Các doanh nghiệp viễn thông phải phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến, trong đó chú trọng hạ tầng kỹ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công”, ông Phiên cho hay.