Pháp tuyên bố vẫn đẩy mạnh đánh thuế các đại gia công nghệ
VHO- Hồi đầu tháng này, Quốc hội Pháp đã thông qua một đạo luật mới - thường gọi đó là thuế GAFA, từ viết tắt của Google, Apple, Facebook và Amazon - sẽ đánh thuế các đại gia công nghệ.
(Nguồn: AFP)
Ngày 17.7, Bộ trưởng Tài chính Pháp tuyên bố nước này sẽ thúc đẩy luật đánh thuế kỹ thuật số nhằm vào các đại gia công nghệ bất chấp những lo ngại của Mỹ, đồng thời cho biết một hiệp định quốc tế là cách duy nhất để giải quyết vấn đề thuế của các hãng công nghệ.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đưa ra trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bên lề cuộc họp các bộ trưởng tài chính từ bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) ở Chantilly, ngoại ô Paris.
"Chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý về tất cả các vấn đề, nhưng chúng tôi đồng ý về nhiều vấn đề và việc lắng nghe nhau luôn là điều quan trọng," ông Le Maire tweet trên trang Twitter cá nhân.
Pháp đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thông qua luật thuế đánh vào các ông lớn công nghệ. Hồi đầu tháng này, Quốc hội Pháp đã thông qua một đạo luật mới - thường gọi đó là thuế GAFA, từ viết tắt của Google, Apple, Facebook và Amazon - sẽ đánh thuế các đại gia công nghệ vào doanh thu tích lũy trong nước, ngay cả khi trụ sở châu Âu của các hãng này ở nơi khác.
Đạo luật này được cho là chắc chắn gây ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon.
Động thái này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận và tuyên bố mở một cuộc điều tra chưa từng có đối với Pháp, qua đó có thể kích hoạt việc áp thuế đối với hàng hóa của Pháp.
Trong các bình luận với đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Le Maire cho biết Pháp sẽ không ủng hộ kế hoạch áp thuế 3% đối với doanh thu.
Ông nói rằng ông sẽ nói rõ rằng quốc hội Pháp đã đồng ý việc đánh thuế và điều này chỉ có thể được rút nếu có thỏa thuận quốc tế.
Tiếp sau Pháp, các nước Anh, Tây Ban Nha đang có những bước đi tương tự.
Tuy nhiên, một số các quốc gia EU nhỏ hơn như Ireland và Luxemburg - những quốc gia đang có mức thuế thấp, nơi đặt trụ sở châu Âu của các đại gia kỹ thuật số - đã ngăn cản sự đồng thuận ở EU trong việc đánh thuế chung nhằm vào các ông lớn công nghệ.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết ông hy vọng năm tới có thể có các quy tắc quốc tế thay thế cho các đạo luật đánh thuế riêng lẻ của từng nước nhằm vào các hãng công nghệ lớn.
TTXVN