Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube

KHẢI HƯNG

VHO - Ngày 9.8, TUBRR Việt Nam - Đối tác MCN chính thức của YouTube tổ chức Workshop trực tuyến Creators Date #3 - “Bản quyền nhạc trên YouTube: Từ A tới Á!” với sự tham gia của các chuyên gia và hàng trăm khán giả.

Theo khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền châu Á - CAP năm 2023, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến.

Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. Điều này đã cho thấy thực trạng đáng lo ngại về hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Không chỉ nhận những “bản án” nặng nề từ nền tảng, rất nhiều nhà sáng tạo còn phải đối diện với những hình phạt liên quan đến pháp lý do sử dụng tác phẩm mà không có sự cấp phép của chủ sở hữu. 

Với chủ đề “Bản quyền nhạc trên YouTube: Từ A tới Á!”, Creators Date #3 quy tụ nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm: Ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Kinh doanh Bản quyền tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Woa Universal,  ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Công ty TNHH BEO Entertainment, bà Phan Thị Khánh Huyền - Đại diện TUBRR Network.

Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube - ảnh 1
Workshop trực tuyến Creators Date #3 “Bản quyền nhạc trên YouTube: Từ A tới Á!” thu hút đông đảo người tham dự

Với hơn 13 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cấp phép về quyền tác giả tác phẩm âm nhạc tại Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ông Nguyễn Đức Thắng đã có những chia sẻ tổng quan nhất về Luật bản quyền tác phẩm trong âm nhạc nói chung. Đối với quyền tác giả và các quyền liên quan, ông đã đề cập tới những cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022); Bộ Luật Dân sự năm 2015; Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017,...

Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube - ảnh 2
Diễn giả Nguyễn Đức Thắng với những chia sẻ chuyên sâu về Luật bản quyền tác phẩm âm nhạc

Cụ thể, với tác phẩm, nội dung âm nhạc do chính nhà sáng tạo tự sản xuất sẽ có 2 nhóm quyền chính bao gồm Quyền nhân thân và Quyền tài sản. “Quan trọng nhất trong Quyền nhân thân là nội dung “công bố hoặc cho phép người khác công bố” bởi điều này giúp cho tác phẩm phát sinh giá trị tài sản và là quyền duy nhất trong Quyền nhân thân cho phép tác giả chuyển giao, chuyển nhượng theo Khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ”, diễn giả Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh. 

Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube - ảnh 3
Quyền nhân thân, Quyền tài sản - 2 nhóm quyền cực kỳ quan trọng dành cho chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc

Diễn giả Nguyễn Đức Thắng cũng đã nêu ra hậu quả pháp lý đối với những hành vi xâm phạm. Ông giải thích rằng các hành vi sử dụng tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả có thể dẫn đến việc bị phạt hành chính theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, số 28/2017/NĐ-CP, nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Tiếp nối thời lượng Creators Date #3, ông Nguyễn Văn Phương đã chia sẻ các vấn đề thực tế liên quan tới sản xuất, kinh doanh nội dung âm nhạc trên YouTube. “Sản phẩm âm nhạc không phải là yếu tố duy nhất để kinh doanh thành công trên YouTube. Nhà sáng tạo cần phải có chiến lược dài hạn để phát triển kênh, nghiên cứu nhu cầu của khán giả cũng như cập nhật thường xuyên thuật toán, chính sách của nền tảng”, diễn giả Nguyễn Văn Phương đưa ra lời khuyên hữu ích, giúp khán giả tham dự có thêm tư duy kinh doanh loại hình nội dung âm nhạc một cách hiệu quả.

Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube - ảnh 4
Tiếp nối thời lượng Creators Date #3, diễn giả Nguyễn Văn Phương chia sẻ các vấn đề thực tế với sản xuất, kinh doanh âm nhạc trên YouTube

Trước xu hướng vận dụng AI - trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất âm nhạc, ông đã đánh giá về mức độ phù hợp, tiện lợi để tạo những bản nhạc điện tử. Tuy nhiên, AI cũng như con dao hai lưỡi khi có những rủi ro liên quan đến bản quyền mà nhiều đơn vị sản xuất âm nhạc từng gặp phải. YouTube cũng có đưa ra những thuật toán, chính sách tác động trực tiếp tới độ phân phối của các nội dung âm nhạc sản xuất bằng AI.

Trong khuôn khổ Workshop, khán giả cũng có cơ hội được hỏi - đáp trực tiếp cùng 2 vị diễn giả và đại diện đến từ TUBRR - bà Phan Thị Khánh Huyền. Từ những câu hỏi xoay quanh chủ đề chương trình cho đến các các giải pháp mà MCN có thể làm để hỗ trợ các nhà sáng tạo liên quan đến bản quyền nhạc, tất cả đều được chuyên gia giải đáp, tư vấn một cách tận tâm.

Điều này không chỉ đem đến những lời khuyên, bài học cấp thiết, mà còn nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ bản quyền, thúc đẩy các nhà sáng tạo cùng chung tay kiến tạo một môi trường lành mạnh, nơi quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu bản quyền được bảo vệ và tôn trọng.

Nắm chắc, hiểu đúng về luật bản quyền nhạc khi hoạt động trên YouTube - ảnh 5
Khán giả tham dự còn có cơ hội được hỏi - đáp trực tiếp cùng chuyên gia của chương trình.

Là đơn vị MCN uy tín, tận tâm sát cánh cùng các nhà sáng tạo nội dung với hơn 10 năm kinh nghiệm, TUBRR Việt Nam đã tổ chức thành công ba số Workshop trực tuyến Creators Date trong năm 2024 và đón nhận phản hồi tích cực từ công chúng. Thông qua chương trình, TUBRR mong muốn các nhà sáng tạo có thể tự tin khai phá tiềm năng của bản thân, trang bị đủ kiến thức khi hoạt động trên YouTube, từ đó có chiến lược xây dựng kênh và kiếm tiền một cách hiệu quả.