Đà Nẵng: Đón đầu cơ hội trong phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)
VHO - Tại TP Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) đã dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng mới, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Từ những năm 2000, ngành CNTT đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn phát triển của thành phố thông qua Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3.10.2000 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12.3.2003 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.
Theo đó, để đón đầu cơ hội trong phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố đã tăng cường kết nối với các đơn vị doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này nhằm góp phần đưa thành phố tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng vi mạch, bán dẫn trên toàn cầu.
Năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024” với chủ đề “Hợp tác vì phát triển và thịnh vượng”.
Đây là sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, thế mạnh và sự sẵn sàng của Đà Nẵng trong hội nhập quốc tế, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư trong các lĩnh vực mới như công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI…
Tại sự kiện, Đà Nẵng đã ký kết nhiều thỏa thuận với các cơ quan quốc tế, doanh nghiệp như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel.
Đồng thời, TP cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá những thế mạnh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI đến nhiều đối tác nước ngoài. Trong đó tập trung vào các thị trọng điểm như Hoa Kỳ để mời gọi, thu hút các công ty chuyên về thiết kế vi mạch bán dẫn đến đặt văn phòng tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng là thị trường thu hút đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI , nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, việc tiếp cận và thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và AI đạt nhiều kết quả tích cực.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đón 20 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Năm 2024 cũng là năm TP Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Đây có thể coi là một tiến trình quan trọng của TP Đà Nẵng trong lộ trình phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và AI.
Trung tâm DSAC có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Giai đoạn 2024 - 2025, Trung tâm DSAC tập trung hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất.
Đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trung tâm DASC cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn, các trường đại học uy tín như Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) trong đào tạo nhân lực ở lĩnh vực lắp ráp, kiểm thử, đóng gói (ATP); Công ty Synopsys trong đào tạo thiết kế vi mạch; Công ty NVIDIA trong đào tạo nhân lực AI.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng: Việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, chiến lược, lâu dài.
TP. Đà Nẵng kỳ vọng Trung tâm DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.
Hiện, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Hằng năm, có khoảng 5.700 sinh viên tốt nghiệp từ các ngành này. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, vô cùng dồi dào nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cùng với đó, thành phố cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm số 2 để phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và AI.