Vị nhạc trưởng với... cây sáo
VHO - Lớn lên trong tình yêu âm nhạc từ gia đình, được truyền tiếp niềm tự hào về lịch sử, văn hóa Việt, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã và đang trên hành trình xóa mờ ranh giới nhạc cổ điển phương Tây và nhạc dân tộc, để khẳng định âm nhạc Việt Nam giản dị từ cây sáo, cây bầu, đàn t’rưng… có thể tự tin tấu lên những bản nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh biểu diễn cùng dàn nhạc trong chương trình Chào năm mới 2024
Kết nối âm nhạc Đông - Tây
Giữa khán phòng hòa nhạc Suntory Hall, phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới cho nhạc cổ điển tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 10.2023, liên khúc Hello Vietnam (Marc Lavoine) - Bèo dạt mây trôi (Dân ca Quan họ Bắc Ninh) ngân lên bay bổng, khi sâu lắng, khi da diết… Trên sân khấu, các nghệ sĩ chơi nhạc cụ cổ điển phương Tây đứng cùng nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc Việt Nam như đàn bầu, đàn nhị, đàn t’rưng… Đặc biệt, nổi bật giữa sân khấu là vị nhạc trưởng với cây sáo trúc, thay vì chiếc đũa chỉ huy như thường lệ. Cây sáo khi thì giúp nhạc trưởng giữ nhịp cho Dàn nhạc, khi lại hòa vào Dàn nhạc với những âm thanh du dương.
Đây là lần đầu tiên, Dàn nhạc Giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật (một nửa nghệ sĩ Việt Nam và một nửa nghệ sĩ Nhật Bản) đã cùng Dàn nhạc Giao hưởng tre nứa Sức sống mới trình diễn những giai điệu có sự kết hợp độc đáo này, để lại những ấn tượng mạnh mẽ. Nhiều khán giả yêu mến Đồng Quang Vinh nhận xét: “Nhạc nổi lên là Vinh bay theo nhạc luôn. Sẽ không ai lường trước được Đồng Quang Vinh sẽ làm gì tiếp theo, vì Vinh luôn sáng tạo để tạo ra những bất ngờ đầy cảm xúc cho khán giả”.
Có niềm đam mê với cả âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc dân tộc, Đồng Quang Vinh vừa trong vai trò nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vừa giảng dạy và phát triển Dàn hợp xướng, đồng thời xây dựng và phát triển dàn nhạc dân tộc. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho biết, nhiều nghệ sĩ tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản cũng than phiền vì giới trẻ không mấy khi nghe nhạc truyền thống hay nhạc cổ điển. Đây là hiện tượng chung, tất yếu trong bối cảnh nhiều loại hình giải trí thời thượng lên ngôi. Tuy nhiên, không đổ lỗi cho khán giả, anh mong có nhiều người chung tay để thay đổi thực tế đó. Cũng vì vậy mà anh luôn tận dụng mọi cơ hội để đưa nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc đến với công chúng với các buổi diễn dày đặc. Mới đây anh đã tham gia biểu diễn trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023; Lễ hội Giao lưu Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ hay mang Dàn nhạc Giao hưởng tre nứa Sức sống mới lần đầu biểu diễn kết hợp ballet, opera ở vịnh Hạ Long trong đêm nhạc Dreamy Voyage - Symphony of Heritage tháng 12.2023…
“Ngày càng có nhiều người Việt biết đến âm nhạc hàn lâm, âm nhạc tre nứa hơn, nên càng làm, tôi càng thấy công việc của mình có ý nghĩa và tiếp tục nỗ lực”, vị nhạc trưởng trẻ nói.
“Tre nứa hóa” dàn nhạc giao hưởng
Việt Nam có 54 dân tộc với âm nhạc đặc trưng, nếu không để giới trẻ và bạn bè quốc tế biết về âm nhạc Việt Nam sẽ là điều tương đối đáng tiếc. Với suy nghĩ như vậy, Dàn nhạc Giao hưởng tre nứa Sức sống mới do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh thành lập tháng 11.2013 với 10 thành viên, là một sự tiếp nối truyền thống của ban nhạc tre nứa của gia đình trước đó.
Đồng Quang Vinh cho biết, với nhạc giao hưởng hay những thể loại nhạc thịnh hành như nhạc Pop, luôn luôn có sẵn số lượng lớn tác phẩm, nếu muốn sử dụng chỉ cần xin phép bản quyền. Nhưng với nhạc dân tộc, muốn chơi một bài hay, nhưng chưa có ai viết nhạc, công việc đặt viết tác phẩm cũng khá gian nan vì ít ai mặn mà với thể loại âm nhạc kén người nghe này. Khó khăn là vậy nhưng lại được nhạc trưởng Đồng Quang Vinh biến thử thách thành chinh phục. “Chỉ 1 - 3 người chơi đàn với nhau có thể ngẫu hứng, nhưng với một dàn nhạc hàng chục người thì không thể làm thế, và cũng không chơi ngẫu hứng mãi được. Không có tác phẩm nên tôi đã tự viết”, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nói và cho biết, từng nốt nhạc, bản phối khí cho dàn nhạc dân tộc đã được tôi cho ra đời sau nhiều đêm làm việc đến quên ngủ…
Luôn muốn thử thách mình và vượt qua những giới hạn trong âm nhạc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh muốn Dàn nhạc Giao hưởng tre nứa Sức sống mới không chỉ vang lên những giai điệu Việt Nam, mà có thể chơi cả những bản nhạc nước ngoài, đủ kiêu hãnh song hành với những dàn nhạc cổ điển khác. Bởi vậy, anh đã chuyển soạn bản nhạc cổ điển, thính phòng cho Dàn nhạc của mình.
“Đàn bầu của Việt Nam gắn với lời ru của người mẹ, gắn với lũy tre làng và tạo nên giai điệu đậm đà dân tộc. Đàn bầu có thể chơi nhạc t’rưng, Trịnh Công Sơn, thậm chí Mozart, có cái khó là phải vượt qua định kiến của người nghe. Bên cạnh đó, còn là công năng, âm vực của đàn có đủ để chơi được không. Chẳng hạn, chơi Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mozart bằng đàn bầu sẽ khó chơi hơn là đàn t’rưng…”, anh giải thích những công việc “bếp núc” hằng ngày.
Đến nay, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã phần nào đạt đến mục tiêu “giao hưởng hóa” nhạc cụ dân tộc khi năm vừa qua anh còn cùng Dàn nhạc Giao hưởng tre nứa Sức sống mới với 40 thành viên chơi những nhạc cụ dân tộc Việt Nam theo hướng hòa tấu. Dù đã được mời diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ, nhưng ấp ủ của anh trong năm 2024 là có thể tổ chức chương trình biểu diễn riêng của Dàn nhạc.
“Rất may là tôi được các thành viên trong Dàn nhạc rất ủng hộ. Chúng tôi mong rằng, trong năm tới sẽ có được một, hai buổi diễn như vậy. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các nghệ sĩ có tên tuổi, những hình thức âm nhạc khác, và hy vọng giống như năm vừa rồi có thể đưa Dàn nhạc, hoặc là ít nhất là nhóm nhạc dân tộc đi nước ngoài để biểu diễn, tiếp tục quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam đến quốc tế”, nghệ sĩ bày tỏ.
NGỌC NHIÊN