Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Chí Phèo… trong “Chiêm bao” của Tô Ngọc Trang
VHO - Triển lãm “Chiêm bao” của họa sĩ Tô Ngọc Trang khai mạc chiều 3.1.2025 tại Area 75 - Art & Auction 75 Hàng Bồ (Hà Nội) đã mang đến nhiều bất ngờ, thú vị với công chúng yêu nghệ thuật tạo hình. Lần đầu tiên, người xem được chiêm ngưỡng những chân dung ghép gốm trên nền sơn mài, với những đường nét tung tẩy không kém những nét cọ, sống động, có hồn.
“Chiêm bao” là triển lãm cá nhân đầu tiên của hoạ sĩ Tô Ngọc Trang. Triển lãm trưng bày 26 bức chân dung ghép gốm trên nền sơn mài. Phần lớn chân dung là những gương mặt nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, chính trị, khoa học, nghệ thuật đến các biểu tượng văn chương như: Chúa Giê-su, Đức Phật, Magaret Thatcher, Einstein, Lev Tolstoy, Picasso, Bùi Xuân Phái, Don Quixote, Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc...
Hoạ sĩ cũng tự hoạ bản thân bằng những mảnh gốm vỡ từ một chiếc bát của vợ. Đây là tác phẩm đầu tiên trong chùm tác phẩm “Chiêm bao”, cũng là tác phẩm đã mở ra một giai đoạn sáng tác mới của anh.
Hoạ sĩ Tô Ngọc Trang chia sẻ: “Cuối năm 2021, vợ tôi làm vỡ 1 cái bát rất đẹp, nhờ tôi gắn lại. Nhìn đống mảnh vỡ, tôi thấy giống bản thân đến lạ. Tôi đã thử ghép chúng thành mặt mình. Và cuối cùng ai đến xem cũng nhận ra đó là Trang Trọc (họa sĩ Tô Ngọc Trang- P.V). Thấy trò chơi này rất vui, tôi tiếp tục nhặt nhạnh mảnh gốm vỡ quanh nhà và xin khắp nơi…”
Họa sĩ chợt nhận ra mảnh gốm vỡ có tính bền vững, lại muôn hình vạn trạng, từ hình, mảng, khối cho đến màu.
“Trong khi hội hoạ truyền thống đã và đang dùng các chất liệu lâu đời như màu nước, sơn dầu, sơn mài, acrylic để biểu đạt, thì tại sao ta lại không dùng các mảnh gốm vỡ đã dạng để kết hợp với nhau, gợi cả hình, khối và màu để làm ra một cảm nhận?”, họa sĩ chia sẻ.
Chính điều đó đã tạo nên những bất ngờ với người xem khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những bức chân dung được tạo nên từ nhiều mảnh gốm vỡ. Dưới góc nhìn nghệ thuật và tâm hồn sáng tạo, họa sĩ Tô Ngọc Trang đã tạo nên những bức chân dung có lẽ là “có một không hai” từ chất liệu phái sinh này.
Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói về những khuôn mặt người từ những mảnh gốm trong triển lãm: “Từ những mảnh gốm vỡ được người bạn ghép thành khuôn mặt người, Trang Trọc nẩy ra ý tưởng làm chân dung những người quen biết, danh nhân văn hóa bằng ghép gốm vỡ. Ông cũng nhận thấy vẻ đẹp của việc đúc thổi và tạo hình thủy tinh mầu có gì rất đương đại và đặc biệt. Ngay trong Hạ Thái (làng nghề sơn mài- P.V), vài năm qua, ông dành nhiều thời gian cho nghệ thuật chân dung ghép mảnh gốm”.
Những mảnh gốm không quá chọn lọc, tạo hình, mà chúng từng được vỡ thế nào thì họa sĩ sử dụng như vậy. Những bức chân dung vô hình chung có khối và không gian một cách tự nhiên, nhưng khi đuổi theo cái giống của chân dung ai đó, Tô Ngọc Trang cũng làm suy giảm tính ngẫu hứng của cấu trúc vốn cũng rất vô tình.
“Trong mỗi chân dung, Trang Trọc cố gắng bám theo tính cách điển hình của họ mà ông biết, hay như ông quan niệm, trân trọng hay hài hước, những nhân vật trong tiểu thuyết của chính đời họ, hay ngoài đời thực, tất cả đều rất sinh động.
Mỗi chân dung là một câu chuyện của Trang Trọc và câu chuyện của người đó, hai tấm gương phản chiếu vào nhau, có lúc liên quan, có lúc chẳng ăn nhập gì, và có lẽ đó là cách mà người nghệ sĩ suy nghĩ về mình và thời cuộc…”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng viết.
Khác với nghệ thuật ghép mảnh Mosaic hay ghép gốm trang trí trong kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn và trong kiến trúc đô thị hiện đại, ngôn ngữ sáng tạo của Tô Ngọc Trang là dùng những mảnh gốm vỡ tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng máy móc hay thiết bị cơ khí nào để tạo hình các mảnh vỡ theo ý chí chủ quan.
Như cách nói của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, tạo hình gốm liên quan đến tranh tượng cũng được nhiều họa sĩ xuất thân từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sáng tác. Trang Trọc cũng ra trường từ đây, nhưng cách ông làm là độc đáo, và không liên quan đến một trật tự kỹ thuật truyền thống nào.
Ông suy ngẫm về con người, sự từng trải, đổ vỡ, thậm chí đến tan nát của nó, mà thủa thiếu thời khi sinh ra ai cũng như chiếc bình quý lành lặn. Nhưng rồi người ta ai nấy cũng phải tái tạo lại mình, từ những mảnh vỡ cuộc đời của mình, và tụ nó sẽ mang vẻ đẹp của người trưởng thành.
Hoạ sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: “Tôi không dám chắc về tỉ lệ người thích những bức chân dung làm theo kiểu quá khác thường của Tô Ngọc Trang, tôi thì thích chúng và mau chóng gần gũi yêu chúng. Đôi khi ý tưởng nghệ thuật tới với nghệ sĩ đột ngột như gặp một sự cố nhỏ nhoi, một cái bát cổ, một cái ang gốm xưa rơi vỡ làm mở ra một khoảng sáng.
Những mảnh vỡ trở thành hoạ tiết, tập hợp lại thành chân dung của những nhân vật đã là biểu tượng của khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị hoặc chỉ xuất hiện trong văn chương. Ai cũng được tán dương, sống lại với diện mạo của mình trong cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật.
Người xem sẽ thấy vui khi nhận ra trong tập hợp mảnh gốm khuôn mặt của Einstein, Lep Tolstoy, Picasso, bác Bùi Xuân Phái, hoặc cả Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở…
Hóm hỉnh có, nghiêm trang có, ngưỡng mộ có và có cả chân dung sẽ trở thành bất hủ (ý tôi là chân dung nghệ thuật) của Đức Phật và chúa Jesus”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại ngẫm ngợi với những cái “lạ” trong “Chiêm bao” của họa sĩ Tô Ngọc Trang. Đầu tiên là họa sĩ đã dám thử thách mình với loại hình tranh ghép gốm trên nền sơn mài. Đây là những chân dung ghép gốm chứ không phải vẽ đường nét bằng màu sắc. Chất liệu là gốm, những mảnh gốm ghép lại với nhau có hình khối, có góc cạnh gồ ghề, có thể sờ vào để cảm nhận được bằng xúc giác, thành ra những mặt người gốm như mặt người thật, tưởng có thể quàng vai bá cổ, có thể chuyện trò.
Các nhân vật được làm chân dung có đủ mọi lớp người từ các đấng chủ tôn giáo như Đức Phật, Đức Chúa, từ các danh nhân lịch sử văn hoá nghệ thuật trong ngoài nước như Trần Hưng Đạo, Leo Tolstoy, Pablo Picasso, SalvadorDali, Vincent Vangogh, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, John Lenon, Michael Jackson, từ các nhân vật văn chương bất hủ Đông Tây như Don Quixote, Lão Hạc, Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở, cho đến chính mình là Tô Ngọc Trang, và cả vợ hoạ sĩ…
Triển lãm kéo dài đến ngày 19.1.2025.
Họa sĩ Tô Ngọc Trang tốt nghiệp ngành sơn mài, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Giai đoạn đầu, ông làm hoạ sĩ minh hoạ tại NXB Kim Đồng và giành nhiều giải thưởng lớn về minh hoạ như Giải thưởng minh họa từ Đại học Street Bank, Mỹ (2001), Giải thưởng minh họa của Hiệp hội Xuất bản Thế giới (2002)... Nhiều năm trở lại đây, ông mở xưởng sơn mài tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, tập trung cho sáng tác tranh sơn mài.
Lo ngại làng nghề truyền thống mai một, hoạ sĩ Tô Ngọc Trang mở lớp học vẽ miễn phí vào thứ 7 hàng tuần cho con em trong làng Hạ Thái, với mong muốn đào tạo thế hệ làm nghệ thuật sơn mài để duy trì, phát triển làng nghề trong tương lai.