Văn học nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước:

Trông đợi những “mùa gặt” lớn

HÀ AN

VHO - Từ bao đời nay, văn học nghệ thuật (VHNT) luôn là mạch nguồn tinh thần bền bỉ trong hành trình dựng nước và giữ nước. Không chỉ là tiếng nói của tâm hồn dân tộc, VHNT còn là ngọn lửa nuôi dưỡng lý tưởng, là vũ khí sắc bén góp phần quan trọng trên mặt trận văn hóa - tinh thần, đồng hành cùng những bước chuyển mình của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử.

 Thế nhưng, bước vào giai đoạn phát triển mới - khi đất nước đang đặt ra những yêu cầu cao về bản lĩnh văn hóa và tầm vóc tư tưởng - thì VHNT Việt Nam lại đang thiếu vắng những tác phẩm lớn, có sức lan tỏa sâu rộng, đủ lay động lòng người, đủ lưu dấu thời đại như những đỉnh cao từng xuất hiện trong các giai đoạn hào hùng trước đây.

Trông đợi những “mùa gặt” lớn - ảnh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương NGuyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu chủ trì Hội thảo

Chưa tương quan với thời cuộc

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước, nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”.

Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, VHNT nước nhà thành công rực rỡ với những tên tuổi lớn như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Doãn Nho, Huy Du, Huy Thục, Phạm Tuyên… và các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa… để lại dấu ấn khó quên trong lòng độc giả.

Năm 1975 non sông thống nhất, đất nước bước vào thời kỳ mới, hòa bình, thống nhất và tái thiết sau chiến tranh. Cuộc sống mới đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải có sự chuyển mình. Nhiều tác giả đã tìm tòi, thể nghiệm những chủ đề mới, tư duy mới, phong cách mới.

Theo GS Phong Lê, từ 1975 đến thập niên 90 của thế kỷ trước, VHNT Việt Nam có sự tham gia của một lực lượng tác giả hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi. Đó là thế hệ 3X như Hồ Phương, Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khắc Phê…; 4X như Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Thái Bá Lợi, Tô Nhuận Vỹ, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trần Nhuận Minh, Lê Minh Khuê, Dương Hướng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Văn Thọ…

Đội ngũ tác giả ở lứa 5X vẫn giữ vai trò là đội quân chủ lực, gồm Khuất Quang Thụy, Đỗ Phấn, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa…, đến Hồ Anh Thái, Thùy Dương, Tạ Duy Anh, Y Ban, Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh… Tiếp đó, thế hệ 7X như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Bích Lan, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phan Thúy Hà…

Tuy nhiên, GS Phong Lê cho rằng, diện mạo của VHNT từ Đổi mới sang Hội nhập, tức là kể từ mở đầu thế kỷ XXI đến nay, với độ dài chẵn 25 năm còn chưa gây được một ấn tượng mạnh mẽ và vượt trội trong sự so sánh với các mùa gặt lớn của lịch sử, và trong tương quan với thời cuộc.

Đồng quan điểm này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, so với yêu cầu phát triển đất nước, cần thẳng thắn nhìn nhận những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật những năm gần đây còn bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Sự vắng bóng của những công trình, những tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; đó là sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học. Xu thế “nghiệp dư” hóa trong sáng tác và biểu diễn, sự “lên ngôi” của những những loại hình, những tác phẩm bị dư luận gọi là “thị trường”, “nhảm nhí” nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng. Cùng với đó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí phản cảm tràn ngập, chiếm lĩnh đa phần các phân khúc thị trường văn hóa, từ thành thị tới nông thôn, từ sân khấu màn ảnh đến báo hình, báo mạng cho tới cả những chốn linh thiêng, di tích, lễ hội. Và đặc biệt, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều, song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, trong đó có không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc”, ông Đỗ Hồng Quân nhìn nhận.

Sứ mệnh trên vai lực lượng mới

Có thể nói, công chúng đang trông đợi và kỳ vọng những tác giả, tác phẩm có dấu ấn như trong thời chiến. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác ta lại thấy những tín hiệu đáng mừng, dẫu chưa lớn nhưng vẫn có cơ sở để tin, để kỳ vọng những tên tuổi và tác phẩm lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, cảm hứng của thời mở cửa hội nhập, của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chắc chắn sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo.

Các văn nghệ sĩ trẻ, được đào tạo, học hành bài bản, được tiếp cận với VHNT thế giới đương đại, được cổ vũ bởi công chúng hiện đại trong và ngoài nước, chắc chắn sẽ có những sáng tạo mới đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng.

Với thiên chức sáng tạo và cống hiến, văn nghệ sĩ Việt Nam thế hệ hiện nay chắc chắn sẽ có những đóng góp to lớn cho khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Việt Nam đã tham gia thị trường quốc tế, phim cũng có những thành tựu đáng ghi nhận, nhạc cũng đã có tác phẩm người nước ngoài yêu thích. Mới đây, Bắc bling của Hòa Minzy được công chúng đón nhận, thừa nhận Quan họ và Rap có thể đi với nhau. Tín hiệu nhỏ nhưng kỳ vọng lớn bởi hình như văn nghệ sĩ đang tìm được lối đi riêng, độc đáo của VHNT Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hành động với niềm tin là cách chờ đợi tốt nhất của tất cả chúng ta”, TS Nguyễn Viết Chức nhìn nhận.

Còn GS Phong Lê thì tin tưởng, thời điểm hôm nay, khi mà trách nhiệm lịch sử đang được chuyển sang thế hệ 8X và 9X, họ được hưởng một bầu khí quyển khác, để có thể tuyệt đối yên tâm trong cốt cách của mình, trong mục tiêu đi tìm cái riêng, cái cá nhân, cái khác biệt cho mình.

Họ đã hết bị vướng víu bởi “cái ta” hoặc “cái chúng ta” như bao thế hệ cha ông, qua nhiều chục năm, do áp lực của các loại cộng đồng lớn nhỏ khiến cho “cái tôi” riêng không chỉ là nhỏ bé, mà còn trở nên cô đơn, lạc loài…

“Bây giờ, bất cứ ai cũng đều có quyền thỏa sức đi tìm cái riêng, cái khác, cái để được là mình. Trong một thế giới đang được kết nối, với vai trò con người cá nhân nổi lên bên cạnh vai trò của các quốc gia, các cộng đồng dân cư, mỗi cá nhân có thể vươn ra toàn cầu theo cách riêng của mình để sáng tạo, thông qua hàng loạt phương tiện mới của “thế giới phẳng” như công cụ tìm kiếm (Google), phần mềm xử lý công việc (Work flowe), khả năng tải lên mạng (uploading), từ điển Wikipedia... Với những khả năng như thế, bất cứ ai làm chủ được phương tiện thông tin thì mọi yêu cầu như “cởi trói” cho tự do sáng tạo, cho khát vọng của cá nhân sẽ trở thành câu chuyện thừa”, GS Phong Lê khẳng định.

Trong một thế giới phẳng, VHNT cũng như mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần khác cũng phải biến đổi. Và sứ mệnh đó đang được giao cho một thế hệ mới, thế hệ tuổi từ 20 đến trên dưới 30 được xem là thế hệ @ trên khắp các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.

Là người chứng kiến và tham gia ít nhiều vào hành trình văn học của thế kỷ XX đã qua, GS Phong Lê khao khát được thấy sự xuất hiện của đội ngũ sáng tác trẻ trong tư cách một đội ngũ vừa tinh anh, vừa hùng hậu, khác nhau trong phong cách mà vẫn không nhòa mờ một khát vọng chung của nhân dân, của dân tộc; và một gương mặt chung in đậm tinh thần và dấu ấn thời đại. 

Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) - những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” đã diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp tổ chức.

138 tham luận đến từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, VHNT ở các cơ quan Trung ương và địa phương đã đề cập, phản ánh nhiều vấn đề, từ bối cảnh lịch sử, văn hóa, đến sự phát triển, kết quả và những đóng góp của nền VHNT Việt Nam 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước; đồng thời nêu những khuyến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền VHNT Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc