“Thiên hùng ca bất tử” - tri ân các anh hùng liệt sĩ
VHO - Đúng ngày 27.7, NSND Quốc Hưng và nhạc sĩ Kiên Ninh đã giới thiệu đến công chúng MV "Thiên hùng ca bất tử" để tri ân các anh hùng - liệt sĩ.
Thiên hùng ca bất tử là một MV ca nhạc với chủ đề, nội dung, ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ những người đã hy sinh quên mình vì đất nước, vì tổ quốc. MV được thực hiện khá công phu khi cả nhạc sĩ Kiên Ninh, NSND Quốc Hưng cùng toàn bộ ekip trực tiếp vào Quảng Trị để thực hiện hình ảnh.
MV “Thiên hùng ca bất tử” là câu chuyện kể lại cuộc chiến đấu khốc liệt năm xưa tại Thành cổ Quảng Trị. Trong MV sẽ là câu chuyện hồi tưởng đan xen giữa thực tại và quá khứ. Thực tại là hình ảnh anh bộ đội về thăm chiến trường năm xưa, về viếng đồng đội…. Những cảnh hồi tưởng được ê kíp dùng chính những hình ảnh, clips của các bác, các chú năm ấy trong cuộc chiến đấu tại chính mảnh đất Quảng Trị anh hùng này.
Đối với NSND Quốc Hưng, Kiên Ninh và đạo diễn Anh Quân, chuyến đi này không chỉ đơn thuần là công việc, là thực hiện các cảnh quay cho một tác phẩm nghệ thuật, chuyến đi còn mang vị thế là về nguồn, là tri ân. Cũng vì thế ngoài số lượng nhân sự chính thì các nghệ sĩ đều mang theo các thành viên nhiều thế hệ trong gia đình mình, mang theo những người thân yêu để cùng trở về Quảng Trị, cùng thắp nén nhang ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, cùng thả hoa đăng tại Bến Thả hoa - Đền Tưởng niệm bờ Nam Thạch Hãn - Thành cổ Quảng Trị.
Nói về ca khúc Thiên hùng ca bất tử, nhạc sĩ Kiên Ninh cho biết, trong quá trình tư duy tìm tòi ý tưởng, nội dung chủ đề, bất chợt một ngày, ở đâu đó vang lên trong đầu Kiên Ninh lời bài thơ Lời người bên sông của nhà thơ Lê Bá Dương, một cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Khi ấy dường như có một năng lượng nào đó thôi thúc, và Kiên Ninh như bắt được mạch cảm xúc quý giá bấy lâu đang tìm kiếm. Vậy là Kiên Ninh lập tức bắt tay vào viết đoạn nhạc chủ đề, câu nhạc chính với phần ca từ chính là từ 4 câu thơ trên, sau khi hoàn thiện câu nhạc này nằm trong phần điệp khúc.
Những câu nhạc khác trong Thiên hùng ca bất tử là do Kiên Ninh tự sáng tác tiếp nối từ mạch nội dung ca từ cũng như cảm xúc đang có. Để hoàn thiện ca khúc, ngay trong quá trình viết Kiên Ninh đã đọc và tìm hiểu thêm về bối cảnh ra đời, xuất xứ bài thơ, cũng như tất cả những câu chuyện xung quanh cuộc chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, bên dòng sông Thạch Hãn linh thiêng. Kiên Ninh đã lục lọi, tìm đọc, nghe rất nhiều những gì có thể.
Cuối cùng, những điều Kiên Ninh kể trong ca khúc Thiên hùng ca bất tử đó chính là khởi ý từ bốn câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương. Từ đó gợi mở một câu chuyện âm nhạc về những người lính sinh viên gác lại bút nghiên lên đường chiến đấu. Các anh đã chiến đấu ngoan cường, bất khuất, lấy lá gan của mình để đối chọi với bom đạn gang thép và đã anh dũng hy sinh…
Các anh đã tan vào lòng đất mẹ Quảng Trị anh hùng, đã mãi nằm lại dưới lòng dòng sông Thạch Hãn – một nghĩa trang không bia mộ ở Thành cổ Quảng Trị. Các anh đã hoá thành linh khí của non sông, đã tạc nên tượng đài chiến thắng, đã viết nên “Thiên hùng ca bất tử” … Các anh đã để lại tấm gương sáng mãi ngàn sau về lòng quả cảm, đức hy sinh, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Lúc đầu Kiên Ninh định đặt tên bài hát theo tên của bài thơ là: “Lời người bên sông”. Bởi vốn dĩ bài thơ này đã hầu như được tất cả mọi người biết đến. Bài thơ rất đỗi xúc động, được khắc trên Bia tưởng niệm trên bến Thả hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn. Và dường như bài thơ đã được khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Nhưng sau đó, Kiên Ninh đã quyết định đặt tên cho tác phẩm là Thiên hùng ca bất tử. Bởi anh muốn ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm rộng lớn hơn. Kiên Ninh muốn nhấn mạnh: Mặc dù câu chuyện về cuộc chiến đấu năm xưa đầy gian khổ, khốc liệt, rất nhiều mất mát và bi thương nhưng cũng đầy hào hùng. Cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng của tinh thần bất khuất, lòng yêu nước mãnh liệt, đã hoá thành bất tử trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Thiên hùng ca bất tử được Kiên Ninh viết trên màu giọng thứ, với cấu trúc hai đoạn đơn. Ca khúc dẫn người nghe đến với hai trạng thái cảm xúc đó là mềm mại da diết đan xen hào sảng hào hùng. Kiên Ninh đã gửi gắm ca khúc cho nhạc sỹ Hà Trung hoà âm theo phong cách Epic, Pop balad classic.
Phần thể hiện là giọng hát solo qua giọng hát trầm dầy, đầy đặn và hào sảng của NSND Quốc Hưng, có đan xen với phần bè, vocal lót phụ hoạ của tốp ca nữ. Trong đó, sự xuất hiện của vocal giọng nữ ở đoạn nhạc dạo giữa là có chủ ý. Nó đã tạo màu sắc hồi tưởng, như âm thanh của các anh hùng liệt sỹ từ không gian linh thiêng vọng về.
NSND Quốc Hưng đã không ngần ngại mà ngay lập tức đồng ý khi nhạc sĩ Kiên Ninh ngỏ lời muốn nam nghệ sĩ thể hiện “Thiên hùng ca bất từ”. NSND Quốc Hưng chia sẻ: “Ngay từ khi mới nảy ra những giai điệu đầu tiên trong ca khúc từ những câu thơ đầy xúc động, Kiên Ninh đã gọi điện và hát lên cho tôi nghe. Lúc ấy tôi cũng rất bất ngờ nên thấy vui khi nhận được lời mời hợp tác trong sản phẩm âm nhạc mới này từ Kiên Ninh”.
Đối với NSND Quốc Hưng, Thiên hùng ca bất tử còn tạo cho anh những cảm xúc đặc biệt mà hiếm có ca khúc nào có thể làm được như vậy. Nam nghệ sĩ chia sẻ: Từng lời ca, từng giai điệu trong ca khúc đều khiến tôi xúc động, đó là những tình cảm đặc biệt của nhà thơ, của người nhạc sĩ, của những người may mắn có được cuộc sống trong hòa bình ngày hôm nay với lòng biết ơn dành lời ca, tiếng nhạc tri ân các anh hùng liệt sĩ. Hơn nữa, nó còn giúp tôi sống lại những ký ức đầy tự hào về người cha thân yêu của mình.
NSND Quốc Hưng cho biết: “Cha tôi, một người lính bộ đội cụ Hồ, ông là một trong những chiến sỹ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản thân cha tôi có tới hơn mười năm chiến đấu tại mặt trận Khe Sanh ở tỉnh Quảng Trị này. Cha tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, vì sau đó ông được trở về dù thân thể không lành lặn.
Người thương binh vĩ đại nhất trong trái tim tôi đã tạm biệt gia đình để lại trở về đoàn tụ với những đồng đội thân yêu của mình. Ông mất khi tôi mới 13 tuổi. Kể từ đấy mẹ tôi tảo tần chăm sóc mẹ chồng và nuôi 4 người con trai, tôi là thứ 2, khôn lớn.
Cho nên được cất tiếng hát ngợi ca những anh hùng chiến sĩ, liệt sỹ đã chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị đối với tôi, nhưng hát trong chính cảm xúc của mình, một người con của một chiến sỹ cách mạng, một người con của người thương binh đã từng anh dũng chiến đấu bên những đồng đội của mình quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.