Thách thức của thơ ca trong thời đại công nghệ số
VHO - Sáng 25.10, tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn phối hợp cùng Công ty cổ phần sách điện tử WAKA tổ chức cuộc toạ đàm mang chủ đề “Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng”.
Sự kiện đã mở ra không gian giao lưu giữa các tác giả và bạn đọc. Đồng thời, tạo nên sự gắn kết giữa đơn vị cung cấp nền tảng xuất bản điện tử, NXB và các tác giả trong thời gian sắp tới.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển không ngừng, thơ ca cùng các loại hình nghệ thuật khác đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ góc nhìn về sự chuyển mình này, đặc biệt là vai trò của sách điện tử trong thời đại số.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay: “Nhờ công nghệ, cùng trí tuệ nhân tạo AI mà công việc của nhà văn, nhà thơ giờ đây thuận lợi hơn rất nhiều. Đã có lúc tôi nghĩ rằng, với sự lên ngôi của sách điện tử thì sách giấy sẽ dần dần mất đi. Thế nhưng, sách điện tử và sách giấy vẫn cùng tồn tại, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra sự phong phú cho độc giả".
Sách điện tử mang lại nhiều tiện ích, cho phép người đọc dễ dàng tiếp cận nội dung bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và thậm chí có thể kết hợp thêm sách nói, đem lại trải nghiệm đọc và nghe hoàn toàn mới lạ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng khẳng định rằng, trong tương lai, sách điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn nhưng sách giấy sẽ không thể nào biến mất hoàn toàn. Ông nhấn mạnh, mỗi loại sách đều có một giá trị riêng, sức hút riêng không thể thay thế cho nhau được.
“Sách giấy, với cảm giác lật giở từng trang, mùi hương giấy mực đặc trưng và sự gắn bó lâu đời cùng độc giả, vẫn giữ sức sống bền bỉ và luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người yêu sách.”
Có thể nói, sự ra đời của sách điện tử và các công cụ hỗ trợ sáng tác như trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên nhiều thuận lợi cho tác giả, giúp họ đa dạng hóa cách thức biểu đạt và kết nối với người đọc.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tác nghệ thuật văn chương, nhà thơ Lữ Mai bày tỏ: “Trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình sáng tác và nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo.”
“Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI) không bao giờ thay thế được sự sáng tạo độc nhất của con người. AI chỉ là công cụ để con người sử dụng chứ không thể chi phối con người. Để khai thác hiệu quả, chúng ta cần biết cách đặt câu hỏi thông minh và có tư duy phản biện. Không phải AI trả lời sao thì ta sao chép y nguyên vậy, mà từ đó, chúng ta cần khám phá, sáng tạo và tìm ra câu trả lời, cảm xúc riêng của mình".
Nhà thơ Lữ Mai cũng đưa ra lời khuyên cho các tác giả sáng tạo trong thời đại công nghệ số, cần nhìn nhận đúng giá trị của công nghệ, không coi thường nhưng cũng không phụ thuộc hoàn toàn.
“Đừng coi thường công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI nhưng hãy sử dụng nó một cách thông minh. Nếu chưa thể sử dụng thông minh thì cần học cách phản biện những câu trả lời sẵn mà AI cung cấp”, nhà thơ Lữ Mai cho hay.
Bởi nếu tất cả chúng ta đều sử dụng cùng một câu trả lời sẵn có của AI, các tác phẩm văn học sẽ trở nên rập khuôn, thiếu đi sự đa dạng và phong phú. Thay vào đó, người sáng tạo nghệ thuật nên khai thác AI như một công cụ hỗ trợ, tạo cảm hứng để mỗi người có thể tự phát triển những ý tưởng độc đáo của mình.
Cùng quan điểm, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà thơ Trần Kim Hoa khẳng định, AI dù có mạnh đến đâu cũng khó có thể thay thế hoàn toàn con người.
Nhà thơ Trần Kim Hoa cho rằng: “AI có thể cung cấp kiến thức và xử lý thông tin nhanh chóng, sắc sảo, nhưng nếu nói rằng AI có thể thay thế toàn bộ quá trình sáng tác thì chưa phải là hiện thực gần kề. Trong tương lai xa, chắc chắn AI sẽ làm được nhiều việc hơn, nhưng vẫn có những giới hạn mà công nghệ khó vượt qua. Chỉ có con người, với những cảm xúc sâu sắc và nhạy cảm, mới thể hiện được trọn vẹn ngôn từ thông qua thơ ca".
Nhà thơ Trần Kim Hoa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dấu ấn cá nhân trong văn chương. Theo nhà thơ, nếu sáng tác của con người chỉ mang tính chất na ná, không có điểm nhấn riêng biệt thì những tác phẩm ấy khó có thể cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo.